Tính đến thời điểm này, dịch Covid-19 được xem là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nếu ban đầu dịch chỉ ảnh hưởng đến một số ngành như du lịch, hàng không, chỉ vài tháng sau hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã không tránh được những tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Trong bối cảnh này, DN cần làm gì.
Trả lời một phần câu hỏi này, ông Tô Chính Nghĩa, nguyên Giám đốc điều hành miền Bắc & miền Trung Samsung Việt Nam, cố vấn quỹ Dragon Capital cho rằng trước hết DN phải tìm giải pháp ngắn hạn làm sao tồn tại, sau đó phải đảm bảo an toàn vốn (với những cửa hàng không có lãi phải đóng cửa ngay lập tức).
Ngoài ra dịch Covid-19 buộc các DN phải thay đổi tư duy, tái cấu trúc DN và đẩy mạnh nghiên cứu nhu cầu của khách hàng. Nếu như trước đây DN thường không bắt đầu từ khách hàng và không quá quan tâm đến việc nghiên cứu khách hàng đến nay mọi việc phải thay đổi.
Đồng tình với chia sẻ này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội HVNCLC cho rằng trong bối cảnh hiện nay nhiều DN, nhất là các DNNVV đang phải nghĩ cách làm sao tồn tại, đặc biệt khi làn sóng mua bán, sáp nhập DN dưới giá đang diễn ra khá sôi động.
Cũng theo bà Hạnh, việc Việt Nam là một nước nhỏ nhưng lại tham gia vào 3 hiệp định tự do thương mại lớn là CPTPP, EVFTA và RCEP là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, khi tham gia vào các FTA này, một câu hỏi lớn là làm sao để chúng ta có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay cả với những sản phẩm nông sản chúng ta luôn tự hào xuất khẩu nhiều mặt hàng đứng đầu thế giới nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô.
“Để làm được điều này bên cạnh sự nỗ lực của DN cần có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta phải có nhạc trưởng, song thực tế vẫn thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành” - bà Hạnh chia sẻ.
Nhân nói việc Việt Nam đang có độ mở kinh tế lớn, ông Phạm Trí Nguyễn người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cho rằng, với DN việc có nhiều cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức. DN phải cân nhắc, phải có sự chuẩn bị chiến lược kỹ càng trong đó vai trò của người lãnh đạo DN là vô cùng quan trọng.
Các diễn giả ra tham gia chương trình cũng đồng tình rằng trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là lựa chọn tất yếu của DN. Nhìn vào thời điểm dịch bùng phát mạnh, trong khi nhiều DN trên toàn cầu lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phá sản thì những DN cung ứng dịch vụ số hoặc kinh doanh trên nền tảng số vẫn thu về lợi nhuận khủng. Rất nhiều DN để tồn tại đã phải chuyển từ offline sang online hoặc phải duy trì song song.
Bà Bùi Kim Thuỳ, thành viên hội đồng cố vấn Harvard, chia sẻ hiện nay 9/10 công ty lớn nhất toàn cầu đang định vị mình lại thành nhà cung cấp dịch vụ số. Điều này cho thấy tương lai số hoá của các DN.