Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ngoài các chương trình tiêm chủng cho toàn dân và những người lao động ngoại tỉnh ở TP.HCM đang diễn ra tốt đẹp. Nhiều ý kiến cho rằng cần cung cấp các loại thuốc đặc trị cho các gia đình, người dân có nhu cầu tự chữa trị hay cần bảo vệ mình, tránh gây cho các bệnh viện và cơ sở y tế bị quá tải, tiết kiệm chi phí chữa trị và chi tiêu ngân sách.
Để đảm bảo an sinh, thành phố cũng nên tác động hay cho phép các doanh nghiệp bán hàng tiêu dùng, siêu thị phát hành các thẻ mua hàng của mình với hạn mức tín dụng phù hợp để người dân có thể có thêm khả năng chi tiêu, mua sắm, vượt qua tâm lý sợ hãi hay tiết kiệm trong thời gian đại dịch vừa qua.
Trong lĩnh vực kinh tế, TP.HCM có thể cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu với một số dự án công ích hay cấp bách sử dụng vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều lao động. TP.HCM cũng có thể chỉ định thầu một số dự án như xây, lắp ráp các nhà tiền chế cho người lao động ngoại tỉnh có thu nhập thấp, để họ gắn bó với doanh nghiệp và yên tâm sản xuất lâu dài.
Cách làm hay của các nước nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt tầm quan trọng của chuyển đổi số, cần xây dựng một hệ thống đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Riêng TP.HCM, với vai trò đầu tàu kinh tế phải thực hiện ngay mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số, thành phố xã hội số.
Giáo sư Hà Tôn Vinh - người Việt Nam ở Mỹ, chuyên gia tài chính quốc tế, dự báo giai đoạn 2023-2025 là thời điểm hồi phục kinh tế của Việt Nam: “Chúng ta phải đặt mục tiêu là tất cả cơ sở phát triển sản xuất, doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại, tạo đà cho sự phát triển. TP.HCM đưa ra chương trình hoạt động chuyển đổi số để doanh nghiệp bắt đầu đưa sản phẩm đưa dịch vụ của mình. Những dịch vụ số hóa của thành phố, kinh tế số của thành phố được cải thiện, hạ tầng số có thể đi tới với người dân mau lẹ hơn và đỡ tốn kém hơn cho người dân”.
Song song đó, chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số cần phải nâng tầm quản trị. Cụ thể, TP.HCM có thể xin phép Trung ương để xúc tiến bàn với 6 tỉnh phụ cận là: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh để hình thành nên một khu kinh tế cộng hưởng. Vùng kinh tế này với tổng số 20 triệu dân và 23.000 km2 diện tích, tạo ra trên 35% GDP của cả nước. Nỗ lực đột phá của TP.HCM cùng các tỉnh trong vùng kinh tế cộng hưởng sẽ tạo ra sức mạnh đặc biệt lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong các năm tới.
Theo hướng này, TP.HCM cần tập hợp chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội để cùng hoạch định chiến lược nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bền vững. Nỗ lực này cần khai thác tối đa sự đóng góp của toàn dân, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu. Thành phố cần định vị chiến lược là địa phương đi đầu và sâu rộng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển đô thị bền vững, đặc biệt là nhà ở xã hội, giao thông công cộng, y tế, môi trường và giáo dục.