Thanh khoản thị trường gia tăng với mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Cùng với đó là mức định giá P/E của thị trường đã tới 19,1 lần. Câu hỏi lớn là dư địa tăng trưởng của thị trường còn hay không?
Lợi nhuận quý II-2021 có là bệ đỡ?
Mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I-2021 tới gần 81% so với quý I-2020, đã thổi bùng lên xu hướng tăng giá mạnh trên TTCK. Do vậy giới đầu tư rất mong mỏi và đặt nhiều kỳ vọng vào lợi nhuận quý II này sẽ tiếp tục là một quý bùng nổ nữa.
Điều này là hoàn toàn bình thường, vì cũng giống quý I-2021, mức nền để so sánh với cùng kỳ năm ngoái vẫn rất thấp. Chúng ta đều biết rằng 2 quý đầu năm 2020, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội, nên lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Nhìn một cách công bằng, việc so sánh với một nền quá thấp để nhấn mạnh vào mức độ tăng trưởng là điều không nên. Chẳng hạn quý I-2020 lợi nhuận giảm tới 26% so với cùng kỳ 2019. Quý II-2020 cũng giảm 12,5% so với cùng kỳ 2019. Vì vậy lợi nhuận các quý 2021 tăng trưởng mạnh so với 2020 là điều hoàn toàn bình thường.
Một ước tính của FiinPro trên cơ sở dự phóng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dự kiến tăng 20,7% và khối ngân hàng 23,8% trong năm, nay thì P/E của thị trường đã gần 18 lần.
Đây chính là lý do mà nhiều báo cáo triển vọng thị trường đều đánh giá: Tuy thị TTCK chưa phải là đắt, nhưng cũng không phải là rẻ. Không giống như giai đoạn quý I-2021 hay quý IV-2020, mức tăng trưởng lợi nhuận không còn hạ thấp quá nhiều mức định giá P/E của thị trường nữa.
Một điểm cũng cần lưu ý là các ước tính đánh giá tổng thể về tăng trưởng lợi nhuận của thị trường bao gồm các con số lợi nhuận cực lớn từ khối ngân hàng. Nhóm này cũng được dự báo lợi nhuận vẫn rất cao và tăng trưởng tốt trong quý II-2021 này.
Vấn đề là cổ phiếu ngân hàng đang trong giai đoạn cân nhắc tái định giá lại, vì lợi nhuận lớn đã được dự đoán và phụ thuộc vào yêu cầu trích lập dự phòng. Không phải ngẫu nhiên mà càng đến gần thời điểm công bố lợi nhuận quý II, giá cổ phiếu ngân hàng càng khó tăng cao hơn.
Động lực để nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng không phải do yếu tố lợi nhuận kinh doanh, mà đến từ các sự kiện cụ thể, thí dụ tăng vốn, bán cổ phần tại công ty con... Cổ phiếu ngân hàng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số VN Index và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới trong 6 tháng qua cũng là nhờ nhóm này.
Cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh
Cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh
TTCK đang trong xu hướng tăng dài hạn mạnh mẽ không hẳn chỉ vì doanh nghiệp làm ăn có lãi, vượt đại dịch, mà còn dựa trên nguồn tiền dồi dào từ xã hội. |
Chẳng hạn với nhóm cổ phiếu VNAllshares sàn HoSE, từ đầu tháng 6 chỉ hơn một nửa (51%) số cổ phiếu chiến thắng được VN Index. Trong khi giai đoạn tháng 4 và tháng 5 có tới trên 90% cổ phiếu tăng mạnh hơn chỉ số. Điều này phản ánh một thực tế là thị trường đang chiết khấu ít hơn kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận vào giá cổ phiếu.
Do đó từ nay đến khi công bố báo cáo tài chính quý II, khả năng rất cao là cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh mẽ ngược hướng với con số lợi nhuận.
Nhìn xa hơn, khi thời điểm công bố báo cáo lợi nhuận đến cũng tức là lợi nhuận đã cũ. Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 hầu như chưa kịp phản ánh vào báo cáo tài chính quý II. Tuy nhiên những thông tin từ chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 6 chỉ là 44,1 điểm, cho thấy khó khăn đang đến. Cắt giảm số lượng lao động, hoạt động mua hàng giảm.
Đây cũng là lý do khiến một báo cáo của Chứng khoán HSC lưu ý rằng đợt dịch thứ 4 có thể tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh quý III-2021, cộng với nền lợi nhuận để so sánh trong quý III-2020 không còn thấp nữa. Thị trường hoàn toàn có thể chiết khấu các rủi ro này khi động lực của mùa báo cáo kết quả lợi nhuận quý II-2021 kết thúc.
Động lực tăng trưởng dài hạn vẫn tích cực
Động lực tăng trưởng dài hạn vẫn tích cực
Ngay trước thềm đợt công bố lợi nhuận quý II, hàng loạt chỉ số vĩ mô được công bố, tốt có, kém có, nhưng lại khiến thị trường thở phào với triển vọng dài hơi cuối năm nay tới năm 2022. GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/2021 của Chính phủ.
Ngay cả đại diện Tổng cục Thống kê cũng nhận định để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2021 là rất khó khăn. Tuy vậy TTCK hoàn toàn có thể diễn giải theo nghĩa ngược lại, rằng tăng trưởng chậm chính là động lực để cần phải thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.
Đặc biệt, với con số CPI tháng 6-2021 tăng 0,19% so với tháng 5, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020, những lo lắng về áp lực lạm phát khiến mặt bằng lãi suất phải nâng lên phần nào được giải tỏa. TTCK đang trong xu hướng tăng dài hạn mạnh mẽ không hẳn chỉ vì doanh nghiệp làm ăn có lãi, vượt đại dịch, mà còn dựa trên nguồn tiền dồi dào từ xã hội.
Số lượng tài khoản chứng khoán liên tục phá kỷ lục và tăng với tốc độ chóng mặt một phần là nhờ các tài khoản tiết kiệm được đánh thức bằng mức lãi suất rẻ mạt. Xu hướng này sẽ còn duy trì chừng nào lạm phát chưa gây áp lực để mặt bằng lãi suất tăng lên.