Tờ trình sáp nhập chỉ hơn 56% cổ phần biểu quyết tán thành
Theo HĐQT MSB, mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng (NH) nhận sáp nhập, nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá NH.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, NHNN về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công NH TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.
Tờ trình cũng cho biết, nhà băng dự kiến sáp nhập vào MSB là một NH đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Cũng theo tờ trình, MSB giao/uỷ quyền cho HĐQT thực hiện toàn bộ các công việc, nội dung liên quan đến việc chuẩn bị, triển khai và thực hiện việc sáp nhập. Trong đó, HĐQT được quyết định lựa chọn NH mà MSB nhận sáp nhập, thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng nhận sáp nhập trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.
Ngoài ra, HĐQT được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập bao gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản.
Kế hoạch trên bao gồm cả trường hợp có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của MSB ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ của MSB (nếu có).
Tuy nhiên, theo kết quả biểu quyết, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập. Do đó, tờ trình này không được ĐHCĐ của MSB thông qua.
Không có kế hoạch chia cổ tức
Một điểm đáng chú ý khác là MSB đề xuất không có kế hoạch chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023. Theo HĐQT MSB, do tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý. Vì vậy, NH muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho NH.
Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình ĐHCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022. Theo báo cáo, lợi nhuận còn lại sau thuế và trích các quỹ của MSB năm 2022 là 3.922 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ với cổ đông, lợi nhuận để lại ngoài việc trích lập quỹ, phần còn lại là tài sản, giá trị của cổ đông. Tuy nhiên, NH vừa tăng mạnh vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo cũng kỳ vọng có thể bán công ty tài chính FCCOM và sẽ có được mức cổ tức cao hơn. "Khi đó, MSB sẽ thực hiện chia cổ tức, nhưng HĐQT sẽ cân nhắc mức chia cổ tức sao cho cao nhất", ông Linh cho biết.
Cổ đông MSB đã thông qua cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2022), tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 15% (đạt 141.700 tỷ đồng), huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% (đạt 142.000 tỷ đồng), tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Ban lãnh đạo MSB cũng hé lộ, trong quý I-2023, tín dụng tăng 13,17%, cho vay khách hàng đạt 136.800 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 126.000 tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động tăng 19%. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng, hệ số CAR theo quy định là 11,5%, tỷ lệ NIM đạt 5,1%.