Đã 15 năm trôi qua, cô giáo ấy vẫn tiếp tục công việc dạy học lặng thầm tại nước Nga xa xôi. Sài Gòn đang cuối thu, những hạt mưa đã dịu hơn nhưng trong lòng tôi vẫn còn day dứt mãi lời hứa chưa thực hiện được: Mời cô sang thăm Việt Nam. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp đến, qua ĐTTC, tôi mong được trải lòng về một người mẹ Nga cao thượng trong tâm hồn mình - cô LeNa Mikhainlovna.
1. Tôi thi đậu vào Trường Đại học Bách Khoa TPHCM năm 1987 hạng ưu, và nhận được học bổng du học tại Trường Đại học Lomonosov - Matxcơva, Nga.
Đón tôi tại sân bay là một phụ nữ Nga trung niên và phúc hậu, mà về sau tôi mới biết đó là cô giáo dạy tiếng Nga cho sinh viên Việt Nam và Trung Quốc: Cô Lena Mikhainlovna. Cô Lena không đưa tôi về ký túc xá ngay mà cho xe chạy một vòng tham quan Matxcơva để được tận mắt ngắm các địa danh nổi tiếng thế giới như: Quảng Trường Đỏ, Điện Kremli, Nhà Hát Lớn, Lăng Lenin…
Cô hỏi tôi rất nhiều về Việt Nam, gia đình, tình hình và kết quả học tập ở nước nhà. Dù đã đạt thủ khoa sau một năm học tiếng Nga ở quê nhà, nhưng lúc đó tôi chợt nhận ra mình không mấy thông thạo tiếng Nga.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Cô đưa tôi về ký túc xá của trường nằm trên một ngọn đồi cao giữa những cánh rừng thông bạt ngàn phía Tây Nam thành phố. Mùa thu, lá phủ đầy lối đi như tấm thảm vàng trong màn sương chiều thơ mộng. Những hạt mưa rơi tí tách bên khung cửa xe làm tâm hồn tôi xao động vì nhớ nhà.
Tôi bật khóc và cô Lena là người đầu tiên trên đất Nga an ủi, động viên tôi. Cô ân cần chỉ dẫn tôi đăng ký sống chung với các sinh viên Nga và nước ngoài thuộc khóa trên để giúp tôi trong việc học tập và trau dồi tiếng Nga. Trước khi ra về, cô không quên đưa cho tôi 2 chiếc bánh hạnh nhân, vài lát bánh mì đen kẹp phô mai, dăm quả táo và chai nước khoáng.
Ngày đầu tiên của tôi nơi đất khách quê người đã trôi qua với biết bao ngỡ ngàng và xúc động vì sự giúp đỡ tận tình của cô Lena - đó là ngày 19-8-1987. Trong thời gian một tuần trước khai giảng, ngày nào cô cũng tranh thủ ghé qua dẫn tôi đi tham quan và mua sắm quần áo mùa đông, dụng cụ học tập và sinh hoạt cá nhân.
2. Bài học đầu tiên cô Lena Mikhainlovna dạy cho tôi chính là ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa ứng xử và phong tục, tập quán của người dân nước bạn. Cô kiên nhẫn lắng nghe tôi nói và giải thích thật cặn kẽ phần văn phạm và từ ngữ để tôi sử dụng cho thật chính xác…
Nhờ sự tận tình của cô tôi đã hoàn thành năm học thứ ba và tốt nghiệp học phần tiếng Nga loại giỏi. Tôi tự hào vì mình là một trong những sinh viên nước ngoài biết đọc thơ, nghe nhạc và phân tích tác phẩm văn học Nga. Và cũng chính nhờ cô luôn động viên, tôi đã mạnh dạn tham gia phát biểu ý kiến trong lớp, đọc tham luận trong giờ thực hành trước cả ngàn sinh viên của trường.
Cô cũng là người đầu tiên phát hiện ra năng khiếu ca hát của tôi, nên luôn tạo điều kiện cho tôi được tham dự nhiều hoạt động ngoại khóa như trại hè sinh viên quốc tế, các lễ hội văn hóa dân tộc… để có điều kiện thể hiện, trau dồi kỹ năng ca hát.
Kỷ niệm tôi nhớ nhất là lần đoạt giải nhì “Liên hoan tiếng hát sinh viên quốc tế toàn Liên bang Nga” tại TP Alma-Alta năm 1991, với hai ca khúc “Triệu đóa hoa hồng” và “Trống cơm”. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, tôi và cô bạn thân Hiền Mai (diễn viên điện ảnh) thường đến nhà cô để tự tay nấu nhiều món ăn Việt Nam cô rất thích như chả giò, phở bò, cá kho, thịt chà bông, canh chua…
Và rồi nền kinh tế - chính trị của nước Nga có những biến động to lớn: xóa bỏ chế độ bao cấp, tem phiếu, học bổng để chuyển qua cơ chế kinh tế thị trường. Cuộc sống của tôi và cô ngày càng khó khăn hơn trước, nhưng cô vẫn kiên quyết bám trụ nghề dạy học cao quý của mình.
Sau khi tôi tốt nghiệp kỹ sư hóa, ba mẹ tôi quyết định không cho con trở lại Nga học tiếp cao học. Và chính cô Lena đã gửi điện tín sang Việt Nam thuyết phục gia đình cho tôi tiếp tục việc học.
3. Để có tiền trang trải cho việc học và phụ giúp cô Lena, tôi vừa học, vừa làm thêm các công việc như bán quần áo, phục vụ nhà hàng, làm MC, lồng tiếng phim, bán báo, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch… và làm ca sỹ.
Cũng chính nhờ những công việc này đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho tôi sau khi về nước. Việc học của tôi dần dần sa sút, lần đầu tiên tôi nhận điểm 3, giấc mơ nhận bằng đỏ đã không thành!
Lần thứ hai tôi bật khóc vì đã phụ lòng cô. Sức khỏe của tôi ngày càng tệ và cuối cùng đã phải nhập viện vì viêm phổi. Giữa lúc đó, cô lại đến bên tôi như người mẹ hiền giúp tôi đứng dậy…
Ngày tôi bảo vệ luận án thạc sỹ, cô lặng lẽ ngồi dự khán, trên tay cầm bó hoa cẩm chướng chờ đợi giây phút mà cả cô và tôi đã chờ trong suốt tám năm ròng.
Trao bó hoa cho tôi, cô khẽ bảo: “Em đã vượt qua tất cả, hãy cố gắng làm người có ích cho xã hội, cho đất nước của em, cô rất tự hào về em..”. Lần thứ ba tôi bật khóc trên đất nước Nga.