Theo đăng ký, cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan năm nay sẽ có hơn 9,6 triệu cử tri. Nếu so sánh với tỷ lệ 7 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2014, đây còn là con số thấp kỷ lục.
Tình hình bất ổn và việc lực lượng Taliban cảnh báo người dân không nên tham gia bỏ phiếu được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, vòng bầu cử còn xảy ra một số thiếu sót kỹ thuật xảy ra trong thời gian diễn ra bầu cử, như thiết bị sinh trắc học lấy dấu vân tay không hoạt động, phiếu bầu gửi nhầm đến địa chỉ khác.
Tỷ lệ cử tri đi bầu thấp và những khiếu nại về hệ thống bỏ phiếu làm gia tăng lo ngại kết quả bầu cử không rõ ràng có nguy cơ đẩy quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá tiếp tục rơi vào hỗn loạn.
Cử tri Afghanistan bỏ phiếu tại điểm bầu cử Tổng thống ở Jalalabad ngày 28-9-2019. Ảnh: TTXVN
Trước đó, không khí bất ổn, bạo lực đang bao trùm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 4 của Afghanistan. Hàng loạt vụ tấn công gia tăng trước thềm bầu cử. Từ ngày 6-8 đến 22-9, hơn 240 người dân và khoảng 40 nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong khi lực lượng chức năng tiêu diệt 1.538 phần tử khủng bố.
Giới phân tích từng cho rằng, tình hình hiện nay tại Afghanistan không phải là thời điểm thích hợp để bỏ phiếu. Taliban sẽ dùng mọi thủ đoạn làm gián đoạn tiến trình bầu cử.
Theo dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được thông qua trước ngày 19-10 và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 7-11. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được hơn một nửa số phiếu, vòng 2 sẽ được tổ chức giữa 2 ứng cử viên giành được số phiếu cao nhất tại vòng 1. Tuy nhiên, với tỷ lệ cử tri đi bầu thấp như hiện nay, dư luận lo ngại rằng sẽ phần nào tác động đến kết quả bầu cử.
Diễn biến từ cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan cho thấy việc hướng tới một chuyển giao quyền lực một cách hòa bình như mục tiêu mà chính phủ nước này cùng đồng minh Mỹ đề ra vẫn rất khó thực hiện. Trải qua nhiều cuộc bầu cử tổng thống, nhưng sự đối đầu giữa chính phủ với lực lượng Taliban cũng như mâu thuẫn giữa các phe phái trong chính phủ vẫn không hề thu hẹp. Hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao Chính phủ Afghanistan Abdullah Abdullah vốn là 2 đối thủ truyền thống từ cách đây 5 năm trong một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi.
Tổng thống Ghani lẫn ông Abdullah đều không đưa ra được kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình để phát triển kinh tế đất nước. Điều này cho thấy 2 ứng cử viên hàng đầu đang lúng túng trong việc hoạch định chương trình hành động cụ thể để giải quyết vấn đề lớn nhất của đất nước. Đó chính là giải quyết xung đột với Taliban - lực lượng Hồi giáo cực đoan kiểm soát 11% dân số Afghanistan.
Bên cạnh đó, việc chính phủ của Tổng thống Donald Trump dường như không quan tâm đến sự tồn tại của Chính phủ Afghanistan, công khai tuyên bố phải đàm phán với Taliban, đồng nghĩa với việc “đổ thêm dầu vào lửa” vào mối quan hệ giữa Chính phủ Afghanistan với Taliban khiến bất đồng ngày càng trầm trọng. Nếu đàm phán Mỹ - Taliban được tái khởi động, tổng thống đắc cử cũng phải gánh vác nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đó là khởi động tiến trình đàm phán thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Taliban.