Cơ hội nào cho 3 doanh nghiệp thuộc PVN sắp IPO

(ĐTTCO) - Sau bài viết “Toan tính đợt IPO khủng tới đây” đăng trên ĐTTC số ra ngày 12-10, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến từ phản hồi từ bạn đọc, NĐT về việc phân tích thêm về cơ hội đối với 3 doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
PV Oil khó thoát bóng Petrolimex  
Sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) niêm yết trên HOSE tháng 4-2017 với mã PLX, NĐT quan tâm đến thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam sẽ có thêm sự lựa chọn, khi doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sẽ IPO vào cuối năm 2017.
Đợt IPO sắp tới của PV Oil được rất nhiều NĐT trông chờ, do sự kiện này đánh dấu bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa dần thị trường xăng dầu trị giá khoảng 6 tỷ USD của Việt Nam.
Theo kế hoạch, PV Oil sẽ chào bán 20% tổng số cổ phần lưu hành, tương đương 210 triệu CP, tăng gấp đôi so với kế hoạch trước đó với chỉ 10% cổ phần. Đặc biệt, PV Oil cũng lên phương án bán 44,7% cổ phần cho một số đối tác chiến lược. Như vậy số cổ phần dành cho đấu giá lần đầu và bán cho đối tác chiến lược sẽ làm giảm quyền sở hữu vốn Nhà nước tại PV Oil xuống còn 35,1%. 
 Tiến trình cổ phần hóa của BS, PV Oil và PV Power này đều chậm trễ so với kế hoạch. Theo kế hoạch, PVN sẽ tiến hành cổ phần hóa 3 doanh nghiệp này ngay trong năm 2016 với mục tiêu thu về khoảng 20.000 tỷ đồng.
Vậy mức giá hợp lý đối với PV Oil trong phiên IPO là bao nhiêu? Phương pháp nhận được sự đồng thuận nhất từ giới đầu tư là lấy PLX làm tham chiếu để định giá PV Oil.
Hiện nay PLX và PV Oil là 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân phối bán lẻ xăng dầu, với thị phần lần lượt là khoảng 50% và 19%. Sau khi niêm yết, giá PLX biến động tương đối mạnh (tăng 47,8% trong vòng 2 tháng đầu tiên) và sau đó ổn định kể từ cuối tháng 6 đến nay ở mức 63.000-68.000 đồng/CP.
Mức giá trong giai đoạn 3 tháng gần đây đã phản ánh tốt hơn yếu tố cung cầu tự nhiên của CP, cũng như kỳ vọng của NĐT về giá trị nội tại và triển vọng của PLX. Do vậy giá trị vốn hóa của PLX được sử dụng làm tham chiếu để xác định giá trị hợp lý của PV Oil.
Vốn hóa của PLX theo giá đóng cửa ngày 25-9 vào khoảng 74.859 tỷ đồng. Nếu xét tương quan giữa thị phần (50% và 19%) và quy mô vốn hóa thì giá trị vốn hóa của PV Oil sẽ vào khoảng 28.848 tỷ đồng, tương đương với giá trị cổ phần là 29.740 đồng/cổ phần. 
Tuy nhiên, mức giá này chưa tính đến sự khác biệt giữa PLX và PV Oil về tiềm năng tăng trưởng. PV Oil là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhờ vào chiến lược M&A, trong khi PLX gần như đã đạt tới ngưỡng giới hạn về thị phần. Điểm đáng chú ý nữa là hệ thống cây xăng Idemitsu Q8, liên doanh giữa Kuwait International Petroleum (Kuwait) và Idemitsu Kosan (Nhật Bản), chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu đầu tiên có 100% vốn FDI tại thị trường Việt Nam, và đã chọn PV Oil làm nhà cung cấp các sản phẩm xăng, dầu. Yếu tố thứ 2 là sự khác biệt về quy mô.
Thông thường, doanh nghiệp đầu ngành thường sẽ được định giá cao hơn các doanh nghiệp thứ 2. Yếu tố cuối cùng là lợi thế hệ thống mạng lưới các cửa hàng xăng dầu để phát triển mảng bán lẻ trong tương lai. Về điểm này, PLX có lợi thế hơn PV Oil rất nhiều. Như vậy, nếu điều chỉnh từng yếu tố này vào kết quả định giá ở phía trên, vốn hóa của PV Oil sẽ giảm xuống còn 20.670 tỷ đồng, tương ứng với giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phần 22.250 đồng.
Thế mạnh của PV Oil không thua gì PLX nhưng thị phần còn kém xa PLX. 

PV Power có đủ sức hút? 
Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), nhà cung cấp điện lớn thứ 2 trên cả nước, là cái tên được giới đầu tư quan tâm trong số các tổng công ty nhà nước được mang ra IPO trong những tháng cuối năm. PV Power thành lập năm 2007 và thuộc 100% sở hữu của PVN. PV Power hiện có 1 nhà máy nhiệt điện chạy than là Nhà máy Vũng Áng với công suất 1.200 MW; 3 nhà máy nhiệt điện chạy khí gồm Cà Mau 1 & 2 (1.500 MW), Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW); 3 nhà máy thủy điện gồm Hua Na (180 MW), Dak Drinh (125 MW) và Nậm Cát (3,2 MW).
Tổng công suất các nhà máy trên là 4.208,2 MW. Theo kế hoạch, PV Power sẽ tiến hành IPO trong tháng 12 bằng việc chào bán 20% vốn điều lệ 21.774 tỷ đồng (tương đương 468,37 triệu cổ phần), với giá khởi điểm dự kiến khoảng 14.329 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, nếu IPO thành công, PV Power sẽ trở thành doanh nghiệp điện lớn nhất được niêm yết trên TTCK.
Đánh giá về kế hoạch IPO của PV Power, giới phân tích cho rằng dù giá khởi điểm không rẻ, nhưng tổng công ty này vẫn có sức hút nhờ triển vọng tăng trưởng khả quan và vị thế quan trọng của công ty trên thị trường điện Việt Nam, do công ty đóng góp 12% tổng công suất sản xuất điện cả nước.
Trong khi đó, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, PV Power cũng được cho là có triển vọng tăng trưởng dài hạn lớn khi tổng công suất dự kiến tăng 36% lên 5.708 MW nhờ nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 đi vào hoạt động. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận của PV Power sẽ cao hơn nhờ chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cho Cà Mau 1 & 2 giảm khi đến cuối năm 2018 cả 2 nhà máy này đã được khấu hao toàn bộ. 
Dù được nhận định khả quan, nhưng hoạt động kinh doanh trong 6 tháng 2017 của PV Power cho thấy doanh thu tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận không tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 15.500 tỷ đồng (tăng 29%) trong khi lợi nhuận sau thuế giữ nguyên và chỉ đạt 1.000 tỷ đồng. Đây chính là điểm trừ của PV Power trong đợt IPO sắp tới. Bên cạnh đó, với số cổ phần mang ra IPO quá lớn, trong khi khả năng hấp thụ của thị trường còn hạn chế khiến cho khả năng thành công PV Power là không nhiều. 

BSR gặp khó trước ngày IPO
Giữa năm 2017, Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) phát đi thông báo sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 11. Trước đó, ngày 31-5, Bộ Công Thương đã ký Quyết định 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị của BSR để cổ phần hóa.
Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31-12-2015 đạt xấp xỉ 72.880 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD). Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để BSR thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa. BSR sẽ là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa. Theo kế hoạch, BSR sẽ chào bán ra công chúng khoảng 5-6% cổ phần. 
BSR hiện là đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trực thuộc PVN. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng với kỳ vọng nội địa hóa nguồn cung các sản phẩm hóa dầu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, nhưng phải hoàn toàn nhập khẩu xăng dầu tinh chế từ nước ngoài với giá cao.
Vì vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Dung Quất đã được nhận nhiều ưu đãi của Chính phủ, như kéo dài thời gian khấu hao nhà máy lên 20 năm, dài hơn 5 năm so với báo cáo nghiên cứu khả thi ban đầu. Đến nay, chưa có BCTC chi tiết nào được công bố, nhưng theo BSR,  kể từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 5, sản lượng sản xuất lũy kế của BSR đã đạt 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, BSR ghi nhận kết quả kinh doanh với doanh thu 35.400 tỷ đồng, hoàn thành 57,1% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch 1.600 tỷ đồng cho năm 2017.
Với tất cả những lợi thế trên, BSR được dự báo sẽ là “bom tấn” được chờ đợi nhất trong tất cả những doanh nghiệp nhà nước được mang ra IPO cuối năm 2017. Thế nhưng, việc Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố hình sự về việc lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BSR đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của doanh nghiệp dưới con mắt NĐT, đặc biệt là NĐTNN. 

Các tin khác