DN đói vốn
Những ngày gần đây dù cuộc sống đã gần như trở lại bình thường, nhưng sức mua người tiêu dùng vẫn còn rất dè dặt, nhất là với các sản phẩm thời trang như quần áo. Đó cũng là lý do giám đốc một DN sản xuất quần áo thời trang trẻ em hết sức đau đầu: “Đầu ra vẫn bế tắc trong khi các chi phí như lương công nhân, nguyên liệu vẫn phải chi đều vì không thể ngưng sản xuất. Các kênh có thể huy động vốn cũng đã sử dụng hết. Chưa biết chúng tôi có thể cầm cự đến khi nào”.
Trong khi đó, DN làm hàng xuất khẩu cũng gặp khó khăn về dòng tiền. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết giai đoạn từ nửa cuối tháng 3 khi các đối tác lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản liên tục yêu cầu dừng, hoãn đơn hàng, lùi tiến độ thanh toán khiến DN bế tắc vì tất cả chi phí đều nằm trong hàng hóa. Dù đã nỗ lực để duy trì sản xuất, nhưng ông Việt dự báo trong quý II doanh thu của May 10 có thể giảm 35% so với cùng kỳ.
May 10 là một trong những doanh nghiệp dệt may sụt giảm mạnh doanh thu trong quý II.
Thực tế, việc thiếu hụt dòng tiền cho sản xuất kinh doanh đang là mối lo chung của nhiều DN, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ. Một nghiên cứu mới đây của ACCA (Hiệp hội nghề nghiệp toàn cầu của các kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên gia tài chính), chỉ ra tác động nặng nề nhất với DN Việt Nam trong dịch Covid-19 chính là thiếu hụt dòng tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của DN. Cụ thể có đến 47% DN tham gia khảo sát cho biết đang gặp khó khăn về dòng tiền, cao hơn 37% của toàn cầu và 44% mặt bằng chung doanh nghiệp ASEAN.
Trước đó, trong khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đưa ra những con số đáng quan ngại. Theo đó, gần 85% DN cho biết dịch bệnh đã làm thị trường của họ bị thu hẹp; gần 60% DN bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo giảm tới 30-50% và 22% giảm trên 50%.
Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 4 tháng qua cũng tăng 33,6%. Tại nhiều hiệp hội, ngành hàng cũng có những khảo sát về hoạt động của DN trong ngành. Chỉ riêng ngành gỗ, dịch đã khiến hầu hết DN lao đao, phải thu hẹp sản xuất và chỉ còn khoảng 7% DN hoạt động bình thường.
Khó tiếp cận gói hỗ trợ
Khó tiếp cận gói hỗ trợ
Trong khó khăn của dịch bệnh, nhiều DN đã chọn cách ngủ đông để tiết giảm chi phí hoặc cố gắng xoay chuyển trong khả năng có thể. Nhưng khi dấu hiệu dịch bệnh lắng xuống, nhiều DN không thể tự “thức giấc” mà cần có những trợ lực của Nhà nước. Thực tế, Chính phủ đã tung ra nhiều gói tín dụng để hỗ trợ DN, người dân ứng phó với dịch Covid-19.
Song để tiếp cận được vẫn không phải là điều đơn giản. Nhiều DN chia sẻ rất khó tiếp cận vốn vay do các điều kiện vay vốn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng chưa rõ ràng; DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi... Các chính sách hỗ trợ hiện cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng. Tiếp cận vốn vay đã khó, muốn làm hồ sơ xin giảm lãi suất càng không đơn giản.
Ngay cả gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cũng khiến nhiều DN phải kêu trời, nhất là những DN trong các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động. Ông Thân Đức Việt cho biết, dù đã có hướng dẫn và thông tư nhưng để thực hiện lại không đơn giản. Cụ thể, để tránh trục lợi gói hỗ trợ, DN phải chứng minh không tạo được việc làm cho người lao động trong 1 tháng, phải chứng minh mất hẳn nguồn thu, mất khả năng tài chính… mới có thể tiếp cận hỗ trợ. Thế nhưng nếu chứng minh được cả 3 điều này, DN đã gần như phá sản mới được hưởng gói hỗ trợ này.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng phần nào minh chứng những băn khoăn của DN. Cụ thể, có tới 28% DN cho biết các loại thủ tục quá phức tạp, 14% cho rằng cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình… Nút thắt lớn nhất khiến DN khó tiếp cận vốn vay là việc phải chứng minh thiệt hại do dịch gây ra, đồng thời cần có tài sản thế chấp. Làm sao đơn giản hóa điều kiện vay vốn là điều các DN, nhất là nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ mong chờ trong lúc này. Họ vốn là những đối tượng có thể nhanh chóng phục hồi nhờ sự linh hoạt, nhưng cũng dễ biến mất do bị tổn thương nặng.
Khối ngoại nắm thời cơ
Khối ngoại nắm thời cơ
Khi các DN trong nước suy yếu vì dịch Covid-19 nhưng khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ, đã mở ra cơ hội cho các DN nước ngoài có tiềm lực lên kế hoạch mua cổ phần, thâu tóm DN nội với giá rẻ. Chỉ tính riêng tại TPHCM việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đang diễn ra sôi nổi. Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, trong 4 tháng đầu năm, TP chỉ có 369 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn đăng ký gần 200 triệu USD, trong khi có đến 1.707 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn và mua cổ phần DN trong nước, với tổng vốn đạt hơn 1 tỷ USD.
Tính ra, số dự án FDI chỉ bằng khoảng 1/5 số lượt góp vốn và mua cổ phần. Hiện TPHCM chiếm hơn 53% tổng lượt giao dịch đầu tư theo hình thức này trên cả nước (cả nước có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài).
Nói đến việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, sự đổ bộ của nhà đầu tư Trung Quốc rất đáng lưu tâm. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong tháng 4 có hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần với DN trong nước.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A với DN Việt Nam lên đến 557 lượt, với tổng vốn góp hơn 230 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của DN Trung Quốc trong 4 tháng tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%), với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.
Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân vốn là miếng bánh hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua đã có nhiều DN nội bị mua lại, thâu tóm bởi DN ngoại. Hệ quả của dịch Covid-19 càng mở ra cơ hội cho DN ngoại thâu tóm, thậm chí cả những thương hiệu tiềm năng của Việt Nam.
Để tránh trục lợi gói hỗ trợ, DN phải chứng minh không tạo được việc làm cho người lao động trong 1 tháng, phải chứng minh mất hẳn nguồn thu, mất khả năng tài chính. Thế nhưng nếu chứng minh được cả 3 điều này, DN đã gần như phá sản mới được hưởng gói hỗ trợ này. |