Thông tin này được đưa ra trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hồi cuối năm 2020, liên quan đến đề xuất của các nhà đầu tư Besix - IPEI - Boskalis - Hateco tại dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Cũng theo báo cáo, dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ được chính phủ Hà Lan và chính phủ Bỉ quan tâm và có nhiều công hàm gửi tới Thủ tướng đề nghị giao cho liên danh các nhà đầu tư EU-VN gồm Công ty Besix- Công ty IPEI (Bỉ) - Công ty Hateco (Việt Nam) - Công ty Boskalis (Hà Lan) là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Cụ thể, trong chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ ngày 16-10-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã chứng kiến biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Hateco Logistics và Công ty IPEI N.V về việc hợp tác nghiên cứu dự án này.
Tiếp đó, đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cũng có 2 công hàm về việc đề xuất hợp tác Việt Nam - Bỉ - Hà Lan đối với dự án. Đến tháng 5-2019, đại sứ quán Vương quốc Bỉ đã có công hàm về việc Bỉ - Việt Nam hợp tác phát triển dự án trung tâm hậu cần Cái Mép Hạ.
Vào tháng 9-2020, đại sứ Hà Lan và đại sứ Bỉ tiếp tục có thư gửi Thủ tướng đề nghị được gặp để báo cáo đề xuất về tiến trình thực hiện dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ và đề nghị xem xét kiến nghị của nhà đầu tư EU-VN được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tại buổi tiếp Đại sứ Hà Lan, Đại sứ Bỉ cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) đang có mong muốn đầu tư dự án logistics cảng biển trị giá gần 1 tỷ USD tại Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), ngày 16-9-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết tâm của nhà đầu tư vào Cái Mép Hạ, phát triển logistics để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU và toàn thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư về dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề có liên quan. “Ai làm chậm, tôi sẽ phê bình” - Thủ tướng lưu ý các bên trong thực hiện công việc.
Đây là dự án hiếm hoi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia châu Âu sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Hiệp định EVFTA mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, sau một thập kỷ kiên trì đàm phán.
Tạp chí Maritime (Mỹ), mới đây đã dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, cho biết, tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tăng diện tích bến hơn 8 lần trong 20 năm qua, với 34 cảng. Trong đó, cảng Cái Mép (Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất lên đến 214.000 tấn, tiếp theo là cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 132.000 tấn. Mục tiêu trong giai đoạn phát triển tiếp theo là nâng công suất hàng hóa hàng năm của Việt Nam lên 1,14-1,42 tỷ tấn. Trọng tâm là phát triển cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, ngày 26-10, cảng Cái Mép (CMIT) đã làm lễ đón tàu container Margrethe Maersk - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải hơn 214.000 tấn, sức chở hơn 18.300 container, dài gần 400m, rộng 59m.
Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới.
Việc cảng CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214.000 tấn cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua các cảng trung chuyển như Singapore, Malaysia... giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở từ đó hàng hóa sớm được tiếp cận với thị trường.
Đây cũng là tiềm năng lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư châu Âu. Tại buổi gặp mặt Thủ tướng hồi tháng 9-2020, các nhà đầu tư cũng cho biết dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tham gia thúc đẩy các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, chở hàng hóa, nông sản từ ĐBSCL tới Cái Mép Hạ và đi ra thế giới.
Vì thế, các nhà đầu tư mong muốn dự án sớm được phê duyệt, đồng thời khẳng định cam kết nếu được lựa chọn, họ sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng các biện pháp “vận tải xanh” để phát triển bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam và EU đang thúc đẩy giao thương, khi EVFTA có hiệu lực thì hai bên đều cần những dự án như dự án này.
Nỗ lực theo đuổi dự án của các nhà đầu tư châu Âu, cùng với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa Phú Mỹ vươn lên thành thương cảng hàng đầu Đông Nam Á, trở thành đòn bẩy kinh tế bậc nhất phía Nam.