Đường đua gay cấn
BIDV mới đây đã xin cổ đông xem xét ủy quyền và giao HĐQT điều chỉnh phương án tăng VĐL năm 2021. Theo đó, nhà băng này dự tính phát hành thêm 1,03 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25,77% để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn phát hành được trích từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 (hơn 7.514 tỷ đồng), lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 (hơn 3.015 tỷ đồng).
So với phương án được ĐHCĐ thường niên năm 2021 thông qua trước đó, BIDV đã rút lại phương án phát hành thêm 8,5% cổ phần, đồng thời nâng tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu. Có thể ngầm hiểu nhà băng này đang muốn rút ngắn quá trình tăng vốn bằng cách tận dụng nguồn lực sẵn có thay vì chờ huy động vốn mới.
Với TPBank, tại ĐHCĐ năm nay NH này chỉ đưa ra duy nhất phương án tăng VĐL là phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đến tháng 9, sau khi đã hoàn thành phương án nâng VĐL thêm 1.000 tỷ đồng, từ 10.716 tỷ đồng lên 11.716 tỷ đồng, TPBank tiếp tục muốn tăng vốn đợt 2. Hiện NH đã được NHNN chấp thuận tăng VĐL thêm tối đa 4.100 tỷ đồng.
Nếu thành công, VĐL của TPBank lên mức 15.818 tỷ đồng, tăng gần 26% so với mức hiện tại. Tương tự, Viet Capital Bank sau khi thông qua phương án tăng vốn thêm 1.052 tỷ đồng, HĐQT NH tiếp tục xin ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án tăng vốn thêm 1.618 tỷ đồng.
Cuộc đua tăng vốn đang tỏ ra gay cấn khi vị trí của các NH trên bảng xếp hạng VĐL liên tục có sự thay đổi. Ở nhóm đầu, đầu năm BIDV là quán quân với 40.220 tỷ đồng, kế tiếp VietinBank, Vietcombank và Techcombank.
Hiện tại, BIDV đã bị “soán ngôi”, VietinBank vươn lên dẫn đầu toàn hệ thống với 48.057 tỷ đồng. Vị trí thứ 2 khá bất ngờ là VPBank đã vượt qua các NH còn lại trong nhóm Big 4, với VĐL đạt 45.056 tỷ đồng, sau khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 62,15% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17,85% (tổng tỷ lệ chi trả 80%).
Thống kê của NHNN cho thấy 9 tháng năm 2021, VĐL của các NHTM có vốn nhà nước đã tăng thêm 9,29%, các NHTMCP tăng thêm 9,88% so với cuối năm 2020. Theo ghi nhận, sau đợt tăng vốn năm nay, MB đang có VĐL hơn 37.783 tỷ đồng, Techcombank hơn 35.109 tỷ đồng, HDBank hơn 20.072 tỷ đồng, VIB hơn 15.531 tỷ đồng, OCB hơn 13.698 tỷ đồng, SeABank hơn 13.424 tỷ đồng, LienVietPostBank hơn 12.035 tỷ đồng, BacABank hơn 7.531 tỷ đồng, VietBank hơn 4.776 tỷ đồng…
Trong khi đó, NHNN liên tục thông báo chấp thuận tăng vốn cho các nhà băng. Đơn cử, Vietcombank được chấp thuận tăng vốn từ 37.088 tỷ đồng lên tối đa 47.325 tỷ đồng, SHB được tăng VĐL tối đa thêm 7.413 tỷ đồng, từ mức 17.510 tỷ đồng hiện tại lên 24.923 tỷ đồng. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết sẽ tăng vốn lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng ngay trong năm 2022 để giành ngôi vị số 1 về VĐL.
Sức ép quá lớn
Theo các chuyên gia, việc các NH đua nhau tăng VĐL chủ yếu do yếu tố tình thế. Đó là các nhà băng bị “ép” bởi hệ số an toàn vốn (CAR). Đơn cử, BIDV buộc phải thay đổi phương án để tăng vốn nhanh.
Bởi tính đến cuối năm 2020, hệ số CAR của BIDV chỉ 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Hệ số CAR cũng là sức ép của các NHTM có vốn nhà nước khác.
Các cụm từ “bức thiết” hay “cấp bách” liên tục được lãnh đạo các NH này nhắc lại khi đề cập đến vấn đề tăng vốn, đến nay mới được tháo gỡ. Hiện Agribank được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-1-2021. VietinBank sau khi thành công gần 1,1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ hơn 29% đưa VĐL lên 48.058 tỷ đồng, tiếp tục dự kiến nâng lên mức lên 54.134 tỷ đồng.
Áp lực về hệ số CAR không phải là chuyện riêng của các NHTM có vốn nhà nước mà là chuyện chung của cả hệ thống NH, nhất là các NHTMCP quy mô nhỏ. Hệ số CAR phản ánh mức đủ vốn của NH trên cơ sở giá trị vốn tự có và mức độ rủi ro trong hoạt động của NH.
Thông tư 41/2016 do NHNN ban hành quy định, các NHTM phải đáp ứng được chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II, trong đó CAR ở mức 8% từ đầu năm 2023, tức chưa đến một tháng nữa. Trong khi đó, hiện vẫn còn một số NH đang áp dụng hệ số CAR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Do cách tính hệ số CAR của Việt Nam khác với Basel II, nên khi áp chuẩn mới với đầy đủ 3 trụ cột theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ CAR sẽ giảm khoảng 15-20%, thậm chí có NH giảm 25-30% nếu có tình trạng giấu nợ xấu, không tuân thủ chặt chẽ các quy định về trích lập dự phòng.
Để gỡ bài toán này, các NH chỉ có cách gia nhập cuộc đua tăng vốn cấp 1. NH nào không tăng được vốn sẽ đối mặt với áp lực mua bán - sáp nhập vì cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Bên cạnh đó, từ năm nay các NH buộc phải tham gia giảm lãi suất cho vay trong khi nợ xấu có xu hướng tăng lên. Điều này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến lợi nhuận trong vài năm tới. Thông thường, NH sử dụng nguồn lực của chính mình để giải quyết bài toán nội tại.
Như vậy, nếu không tăng vốn lúc này, khi lợi nhuận đang rất cao, họ có thể sẽ bỏ qua cơ hội tốt nhất. Do vậy, nhiều lãnh đạo NH chấp nhận đối mặt sức ép với việc giữ được tỷ suất sinh lời cũng như phân bổ vốn sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, còn hơn không tăng được vốn.
Tăng vốn là tốt, nhưng việc tăng vốn theo hướng dồn ép trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động, khiến NH phải tung chiêu tự tăng vốn, thay vì đi tìm đối tác chiến lược, liệu có giúp NH mạnh hơn?
Đó cũng là vấn đề được đặt ra trong thời điểm này. Bởi khi tăng vốn bằng lợi nhuận của chính mình, NH chỉ có thêm tiền để cho vay ra, để đầu tư chuyển đổi số, nhưng không tìm kiếm được sự hỗ trợ về vốn, quản trị và công nghệ từ đối tác chiến lược.
Khi các NHTM tăng vốn mạnh, lượng tín dụng bơm ra cho doanh nghiệp càng nhiều. Điều này là rủi ro, nhà điều hành cần quan tâm khi “ép” NH phải tăng VĐL. |