Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng; Dầu vượt 80 USD/thùng

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào thứ ba (13/12), sau khi báo cáo cho thấy lạm phát tháng 11 hạ nhiệt đáng kể và các nhà giao dịch nóng lòng chờ đợi quyết định chính sách lãi suất từ Fed. Giá dầu ghi nhận tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng qua khi nhà đầu tư chuyển sang mua tài sản rủi ro sau báo cáo lạm phát tháng 11 của Mỹ.
Ảnh minh họa. @CNBC
Ảnh minh họa. @CNBC

Dow Jones tăng nhẹ

Khép phiên, chỉ số Dow Jones tăng 103.6 điểm, tương đương 0.3%, lên 34,108.64 điểm. S&P 500 tiến 0.73% lên  4,019.65 điểm, còn Nasdaq Composite cộng 1.01% lên 11,256.81 điểm. Đầu phiên, 3 chỉ số này tăng rất mạnh, với Dow Jones tăng 707 điểm trước khi hạ nhiệt trở lại, trong khi S&P 500 có lúc vọt 2.77% và Nasdaq tăng 3.84%.

Chứng khoán Mỹ lúc đầu tăng dựng đứng sau khi báo cáo lạm phát cho thấy CPI Mỹ tăng yếu hơn dự báo.

Bộ Lao động cho biết, trong tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.1% so với tháng trước và tăng 7.1% so với cùng kỳ. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo CPI tăng 0.3% so với tháng trước và 7.3% so với cùng kỳ. Trước đó, trong tháng 10/2022, CPI Mỹ tăng 7.7% so với cùng kỳ.

Dù vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng đây là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 11/2021.

Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI cốt lõi tăng 0.2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi dự báo ở mức tương ứng 0.3% và 6.1%.

Tuy nhiên, sau đó các chỉ số đều rút khỏi mức đỉnh trong phiên, thậm chí Dow Jones có lúc quay đầu giảm.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi quyết định chính sách từ Fed sau cuộc họp kéo dài 2 ngày.

Báo cáo lạm phát ngày 13/12 có thể đóng vai trò quan trọng trong lộ trình nâng lãi suất sắp tới của Fed. Các nhà đầu tư phần lớn đều kỳ vọng Fed sẽ nâng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12/2022, giảm nhẹ cường độ so với các đợt tăng trước đó.

Kỳ vọng nâng 50 điểm cơ bản khó lòng thay đổi chỉ vì báo cáo CPI mới nhất. Tuy nhiên, việc lạm phát hạ nhiệt đáng kể có thể thôi thúc Fed hạ mức đỉnh lãi suất trong tương lai và từ đó giúp kinh tế Mỹ tránh suy thoái trong năm 2023.

“Liệu việc này có ảnh hưởng gì tới quyết định chính sách ngày mai của Fed hay không? Đây vẫn là câu hỏi mở,” ông Sosnick cho biết. “Thị trường phản ứng cứ như con số lạm phát này sẽ ảnh hưởng tới Fed. Có thể không tác động tới quyết định của Fed vào ngày mai, nhưng sẽ ảnh hưởng tới những động thái sau đó.”

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 13 điểm cơ bản sau báo cáo CPI, xuống dưới 3.5%. Cổ phiếu công nghệ – vốn bị tác động nặng nề trong năm 2022 vì đà tăng của lạm phát và lãi suất – dẫn dắt đà tăng trong ngày 13/12. Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet đều tăng hơn 3%, Netflix và Tesla tiến 4%.

Dầu tăng lên hơn 80 đô la/thùng khi đồng đô la sụt giảm do lạm phát chậm lại

Ngoài ra, giá dầu cũng tăng vì lo ngại về gián đoạn nguồn cung, bao gồm việc đóng cửa đường ống dẫn dầu Keystone từ Canada sang Mỹ sau sự cố rò rỉ dầu trong tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent tăng 2.69 USD, tương đương 3.5%, lên 80.68 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tương lai tăng 2.22 USD, tương đương 3%, lên 75.39 USD/thùng. Cả hai hợp đồng đều ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 04/11.

Chỉ số đồng USD giảm trong ngày 13/12, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng yếu hơn dự báo trong tháng trước. Điều này càng củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất chậm lại trong tháng 12/2022.

Đồng USD yếu hơn sẽ giúp dầu trở nên rẻ hơn với những người nắm giữ những đồng tiền khác.

Các nhà đầu tư cho biết thông tin về gián đoạn nguồn cung đã xuất hiện trong vài ngày qua. Điều này ngụ ý đà tăng trong ngày 13/12 có thể là do tâm lý chấp nhận rủi ro dâng cao sau báo cáo lạm phát. Ngoài ra, đà tăng cũng có thể do các đầu tư chốt vị thế bán khống sau khi cả hai hợp đồng giảm hơn 10% trong tuần trước.

Các tin khác