Cổ phiếu dầu khí có tốt như kỳ vọng?

(ĐTTCO) - Việc giá dầu thô tăng mạnh là yếu tố được kỳ vọng vào sự bứt phá của nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, tác động của giá dầu lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí, có thể sẽ khiến cho nhiều người thất vọng.
Cổ phiếu dầu khí có tốt như kỳ vọng?

Giá dầu tăng nhờ nguồn cung thắt chặt

Theo giới phân tích, nguồn cung thắt chặt sẽ là động lực chính cho đà tăng của giá dầu thô. Đó là động thái duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện từ Saudi Arabia và Nga (thuộc OPEC+), với quyết định kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng lần lượt 1 triệu thùng/ngày và 0,3 triệu thùng/ngày đến hết tháng 12 năm nay, bởi lo ngại kỳ vọng sản lượng dầu thô của OPEC+ trong năm 2024 sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Ngoài yếu tố kể trên, giá dầu còn bị tác động từ các biến động địa chính trị trên thế giới trong những ngày gần đây, đó là khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì cuộc xung đột mới giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas của Palestine, khiến những quan ngại về nguồn cung dầu thô trở nên căng thẳng hơn.

Tuy Israel và Palestine đều không phải là những nước khai thác dầu lớn trên thế giới, nhưng vị trí địa lý của cuộc xung đột này lại thuộc khu vực khai thác dầu quan trọng, nên gián tiếp khiến giá dầu tăng trở lại sau chuỗi giảm vì lo ngại kinh tế ảm đạm.

Hiện giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 30% từ mức đáy vào tháng 6 và đạt 96,5USD/thùng vào cuối tháng 9. Câu hỏi đặt ra là liệu giá dầu có duy trì được mức trên 90USD/thùng? Với câu hỏi này, các chuyên gia phân tích của CTCK MB (MBS), cho rằng, nguồn cung dầu thô trên thế giới trong giai đoạn 2023-2024 khan hiếm do những động thái cắt giảm chủ động từ OPEC+.

Trong khi đó, nhu cầu được kỳ vọng phục hồi nhờ động lực chính từ Trung Quốc sẽ khiến chênh lệch cung - cầu dầu thô thế giới thắt chặt hơn. Bởi tăng trưởng nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc luôn là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu dầu thô toàn thế giới. Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ khác về kinh tế và địa chính trị cũng có thể khiến giá dầu thô thế giới neo cao.

Do vậy, MBS kỳ vọng giá dầu thô Brent trên thế giới sẽ đạt mức trung bình 93USD/thùng trong quý IV và đạt 92USD/thùng trong năm 2024.

Giá CP cùng pha giá dầu

Từ lâu giá CP ngành dầu khí trong nước có biến động khá nhạy và cùng pha với biến động giá dầu thô thế giới. Thông thường giá dầu tăng cao có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các DN ngành dầu khí nhờ 2 yếu tố: động lực thúc đẩy các hoạt động thượng nguồn; hỗ trợ đà tăng của giá cước vận tải dầu, giá bán khí và crack spread (chênh lệch về giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm dầu hỏa được tinh chế từ nó) của các DN.

Chính vì vậy, giá CP ngành dầu khí sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2024 nhờ sự hỗ trợ từ đà tăng giá dầu Brent, cùng các thông tin về tiến triển trong tiến độ thực hiện chuỗi dự án Lô B - Ô Môn.

Dựa trên quan điểm tích cực về giá dầu như đã phân tích ở trên, MBS cho rằng giá CP ngành dầu khí cũng sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2024. Cụ thể, giá dầu trung bình năm 2023 có thể đạt 84,1USD/thùng (kịch bản cũ là 83USD/thùng) và 2024 có thể đạt 92USD/thùng (kịch bản cũ là 86USD/thùng).

Tuy nhiên, MBS vẫn xây dựng các kịch bản khác của giá dầu để điều chỉnh kết quả kinh doanh của một số DN trong ngành dầu khí. Bởi đây là những DN chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ biến động giá dầu thô như: giá bán thành phẩm, giá cước vận tải, giá cho thuê giàn khoan và crack spread các loại dầu thành phẩm trên thị trường quốc tế.

Triển vọng nào cho CP dầu khí?

Trong báo cáo mới đây, CTCK ACB (ACBS), cho rằng tác động của giá dầu cao lên hoạt động kinh doanh của các DN ngành dầu khí nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng DN. Cụ thể, nhóm DN làm dịch vụ thượng nguồn sẽ được hưởng lợi nhất nếu giá dầu neo cao một thời gian dài. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các DN trung/hạ nguồn bị ảnh hưởng nhanh chóng từ thay đổi của giá dầu.

Lấy dẫn chứng cho nhận định trên từ trường hợp CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). DN này có thể ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý IV nhờ các yếu tố: nhu cầu tiêu thụ xăng máy bay tăng trưởng tốt; crack spread xăng và diesel tại châu Á có thể tiếp tục duy trì ở mức cao theo đà tăng của các loại dầu thành phẩm; hoãn bảo dưỡng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sang đầu năm 2024.

Việc crack spread tham chiếu tăng nhờ khan hiếm nguồn cung sản phẩm dầu tại châu Á, sẽ giúp kết quả kinh doanh của BSR trong nửa cuối năm 2023 tích cực hơn so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, giá dầu thô tăng sẽ khiến chi phí giá vốn của BSR tăng, từ đó tác động tiêu cực tới biên lợi nhuận gộp nếu giá bán các sản phẩm dầu không kịp thời điều chỉnh.

Dự phóng lợi nhuận sau thuế của BSR trong năm 2023 và 2024 sẽ lần lượt giảm 50% (từ mức nền cao của năm 2022) và giảm 10% (thực hiện bảo dưỡng nhà máy lọc dầu).

Với các DN được cho là hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu như Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS) và Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), cũng chưa thể hiện thực hóa vào kết quả kinh doanh như kỳ vọng của NĐT do có độ trễ từ 6-12 tháng.

Đơn cử là các hợp đồng khai thác dầu khí của PVD thường được ký từ 6-12 tháng trước đó. Trong khi chờ "lộc” từ giá dầu thì PVD lại đang chịu áp lực lớn từ biến động tỷ giá do gần như toàn bộ khoản vay của DN bằng USD. Tại thời điểm cuối quý II, dư nợ vay của PVD đạt gần 152 triệu USD (tương đương 3.560 tỷ đồng).

Mặc dù tỷ trọng vay dài hạn lớn (chiếm hơn 80%) nhưng PVD vẫn chịu áp lực lớn về dòng tiền. Theo ước tính của ACBS, việc đánh giá lại các khoản vay sẽ khiến cho PVD ghi nhận lỗ trên báo cáo kết quả kinh doanh. Theo đó, nếu USD tăng 1% so với VNĐ thì PVD lỗ tỷ giá khoảng 35 tỷ đồng.

Dù duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng nhu cầu dầu thô của thế giới trong tương lai gần, nhưng một số rủi ro liên quan đến nền kinh tế nói chung và nhu cầu sử dụng dầu nói riêng, khiến giới phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng cầu dầu thô vẫn là ẩn số cần theo dõi thêm.

Các tin khác