Cung vượt cầu
Theo giới phân tích, giá dầu gia tăng nhờ thỏa thuận cắt giảm của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPCE+. Thỏa thuận cắt giảm này của OPEC+ có thể xem là điểm sáng ngành dầu khí. Xét về nguồn cung, thỏa thuận cắt giảm là động lực kiềm hãm nguồn cung dầu trên thế giới nửa đầu năm. Sau 6 tháng năm 2021, OPEC+ đã áp dụng biện pháp cắt giảm từ 7,2 triệu thùng/ngày xuống 5,8 triệu thùng/ngày.
Trong đó, Ả Rập Xê-út vẫn là nước đóng góp lớn nhất cho thỏa thuận, với mức giảm 2-3 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6. Dù xuất hiện xung đột giữa Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út, làm thị trường quan ngại về việc kết thúc thỏa thuận sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, sự nhất trí giữa 2 nước đã được đưa ra và OPEC+ sẽ tăng sản lượng lên 0,4 triệu thùng/ngày để chấm dứt việc cắt giảm vào tháng 9-2022.
Giá dầu tăng tăng còn xuất phát từ nhu cầu dầu phục hồi từ đáy của thị trường châu Mỹ và châu Á. Theo thống kê, nhu cầu dầu thế giới đang phục hồi từ mức đáy 82,9 triệu thùng/ngày kể từ quý II-2020, dẫn đầu là khu vực châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến cuối quý II vừa qua, nhu cầu dầu thế giới đạt 96,8 triệu thùng/ngày (tăng 3,7%). Sự phục hồi trong nhu cầu phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch nhờ các chương trình tiêm chủng, nhằm đưa kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại.
Đà tăng mạnh mẽ của dầu còn được hỗ trợ từ hoạt động ít sôi nổi của dầu đá phiến ở Mỹ. Khối lượng dầu đá phiến vẫn thấp so với mức cao kỷ lục, dù giá dầu đã vượt xa điểm hòa vốn của dầu đá phiến. Ngoài ra, nguyên nhân đến từ việc các công ty dầu đá phiến đang tập trung vào việc cải thiện lợi nhuận hơn là sản lượng.
Do cầu vượt cung, giá dầu Brent đã tăng ấn tượng từ mức 51,8USD/thùng lên 75,1USD/thùng, tương đương mức tăng 45%. Đây là mức giá cao nhất của giá dầu kể từ tháng 10-2018 đến nay. Theo dự báo của Wood Mackenzie, giá dầu Brent có thể vượt ngưỡng 75USD, thậm chí không loại trừ khả năng giá có thể lên 100USD nếu tâm lý các nhà giao dịch lạc quan hơn và thị trường bị thắt chặt hơn nữa.
Phân hóa lợi nhuận
Mặc dù giá dầu tăng cao, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam đều được hưởng lợi trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), các công ty thượng nguồn ghi nhận kết quả kinh doanh trong 2 quý đầu năm không mấy khả quan, do ảnh hưởng từ Covid-19 và các dự án dầu khí trong nước đình trệ. Ngược lại, các doanh nghiệp trung nguồn và hạ nguồn ghi nhận lợi nhuận tích cực hơn nhờ xu hướng tăng bền vững của giá dầu, giúp giá bán hơn hoặc cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Nhóm doanh nghiệp thượng nguồn đang niêm yết tiêu biểu là Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) và Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí Việt Nam (PVD). Cả 2 doanh nghiệp này đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực trong 2 quý đầu năm. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVS giảm lần lượt 35% (đạt 5.699 tỷ đồng) và 16% (đạt 347 tỷ đồng). Tương tự, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVD giảm 47% (1.661 tỷ đồng) và 192% (âm 67 tỷ đồng).
Phía ngược lại, nhóm doanh nghiệp trung nguồn có thể kể đến 2 ông lớn là Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) và Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT), với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng lần lượt 4% (đạt 4.358 tỷ đồng) và 39% (đạt 438 tỷ đồng). Trong khi đó, 2 doanh nghiệp của nhóm hạ nguồn tạo ấn tượng nhất trên TTCK là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng CTCP Dầu Việt Nam (OIL).
Từ lợi nhuận âm trong nửa đầu năm 2020, các doanh nghiệp này bất ngờ ghi nhận lợi nhuận trái ngược hoàn toàn trong 2 quý đầu năm nay. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế BSR từ lỗ khủng 4.257 tỷ đồng chuyển thành lãi khủng 3.526 tỷ đồng; OIL từ lỗ 350 tỷ đồng chuyển thành lãi 462 tỷ đồng.
Chờ sóng hồi
Đặc thù của nhóm CP dầu khí là giao dịch cùng chiều với giá dầu thế giới. Theo đó, mỗi khi giá dầu lên CP dầu khí tăng và ngược lại. Tuy nhiên, đợt tăng giá dầu này không khiến NĐT giữ hàng hào hứng, bởi nhóm CP dầu gần như không có biến động với thông tin tốt.
Đơn cử, thời điểm nửa cuối tháng 6, khi giá dầu vượt mốc 75USD/thùng, cộng với diễn biến TTCK đang sôi động, nhưng nhóm CP dầu khí cũng chỉ đi ngang. Tuy nhiên, khi thị trường chung quay đầu giảm, CP dầu cũng nằm trong nhóm giảm giá mạnh. Ngay như 2 mã ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng là BSR và OIL cũng không thể trụ vững trong những đợt suy giảm chung của thị trường.
Việc nhóm CP dầu khí không có nhiều biến động trong đợt tăng giá dầu được lý giải do sóng tăng thời điểm đầu năm. Thời điểm này, dù giá dầu ở mức thấp nhưng nhóm CP dầu được hưởng lợi nhờ dòng vốn đổ mạnh vào TTCK, giúp nhiều mã CP ghi nhận mức tăng 50-100%.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng dầu khí có thể là nhóm thay thế cho nhóm ngân hàng và thép trong giai đoạn tới trên nền giá dầu duy trì ở mức cao. Theo báo cáo mới đây của SSI Research, giá CP dầu khí trên thị trường đã phục hồi mạnh từ đầu năm nay. Vì thế, định giá toàn ngành dầu khí đã được nâng lên nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu, cũng như thanh khoản dồi dào đổ vào TTCK.
Theo tính toán, chỉ cần giá dầu duy trì trên mức 60USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn. Theo dự báo của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế của nhóm CP dầu khí sẽ tăng trưởng gần 741% trong năm nay. Trên thực tế, các doanh nghiệp dầu khí đặt kế hoạch kinh doanh 2021 dựa trên giả định giá dầu bình quân ở mức 45USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với giá hiện tại.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp thuộc nhóm trung nguồn đưa ra kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh, trong bối cảnh hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực châu Á chưa được đẩy mạnh dù giá dầu tăng. Chính vì vậy, khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận năm của nhóm dầu khí rất lớn. Khi đó nhóm CP dầu khí trở thành tâm điểm đầu tư thời gian tới.
Mặc dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, ngành nghề kinh doanh nhưng CP ngành dầu khí nhìn chung có mức độ tương quan rất cao với giá dầu. |