Xuất khẩu hồi phục
Lĩnh vực dệt may tiếp tục đối mặt với những khó khăn trên mọi phương diện. Từ xung đột địa chính trị nhiều nơi trên thế giới đã gây ra khủng hoảng về năng lượng, khiến lạm phát tăng cao dẫn đến lực cầu thấp, các quốc gia đều giảm nhập khẩu do chính sách tiền tệ thắt chặt.
Cùng với đó, sức cạnh tranh từ các quốc gia đối thủ ngày càng khốc liệt khiến lượng hàng tồn kho tăng cao, đơn hàng giảm đáng kể cả về số lượng và đơn giá đã làm nhiều doanh nghiệp mất cân đối về dòng tiền và nguồn vốn.
Tuy nhiên, khó khăn đang dần được đẩy lùi qua những con số thống kê. Theo Hiệp hội Dệt may (VITAS), xuất khẩu dệt may Việt Nam có một số tín hiệu phục hồi trong tháng 7, khi giá trị xuất khẩu sợi và hàng may mặc tăng lần lượt 9,15% lên 392 triệu USD và 3,23% lên 3,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu xơ sợi đã vượt mức tháng 7-2022 với mức tăng 21,6%. Trong 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sợi và hàng may mặc lần lượt đạt 2,5 tỷ USD (giảm 20,7%) và 18,9 tỷ USD (giảm 14,9%). Mức giảm này tiếp tục thu hẹp so với cuối quý I (giảm 35%) và cùng kỳ 2022 (giảm 17,6%).
Cũng theo VITAS, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm có một số diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng may mặc 7 tháng đầu năm sang Mỹ đạt 8,5 tỷ USD (giảm 23,8%), Nhật Bản đạt 2,2 tỷ USD (tăng 4,8%), Hàn Quốc đạt 1,6 tỷ USD (giảm 2,9%), Canada đạt 665 triệu USD (giảm 13,4%). Tại Mỹ và Hàn Quốc, thị phần của Việt Nam thu hẹp xuống lần lượt còn 17,4% (so với 18,3% năm 2022) và 28,3% (so với 30,5% năm 2022).
Đáng chú ý, thị phần của hàng Trung Quốc tại 2 thị trường này cũng suy giảm, khi thị phần của các đối thủ khác như Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ tiếp tục mở rộng. Trong khi đó, thị phần của hàng may mặc Việt Nam tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020 là 16,2%.
Theo các chuyên gia phân tích của CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS), nhìn vào những con số ở trên có thể thấy dù tiếp tục chững lại nhưng sản xuất dệt may trong nước đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là mảng dệt.
Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của mảng dệt trong tháng 7 tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi IIP của ngành may mặc cũng tạm dừng đà giảm. Ngoài ra, chỉ số việc làm của lao động ngành dệt duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 3 và tăng 3,5% so với tháng 7-2022.
Những tín hiệu khả quan
Tín hiệu đáng lưu ý nhất là giá đầu vào của ngành dường như đã chạm đáy. Theo thống kê, giá bông đã phục hồi từ mức đáy 80USD/pound vào tháng 7. Điều này có thể cho thấy nhu cầu bông đầu vào cho ngành dệt may nhiều khả năng sẽ tăng lên.
Tương tự, giá dầu thô và vận chuyển cũng đã tăng kể từ đầu quý III cho thấy sự cải thiện về nhu cầu chung trong nửa cuối năm. Dự báo các thị trường trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP thực tế năm 2023 của các thị trường này tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, Mỹ (tăng 1,1%), EU (tăng 0,4%), Nhật Bản (tăng 0,8%) và Trung Quốc (tăng 5,6%). Sự tăng trưởng liên tục ở các nền kinh tế này sẽ dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu ở những thị trường này.
Đơn hàng gia tăng vào cuối năm là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may. Thế nhưng, bất ổn về địa chính trị và lãi suất điều hành vẫn là những rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may trong nửa cuối năm 2023.
Cùng với tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm cũng có xu hướng tăng trở lại, cho thấy tâm lý người tiêu dùng tích cực hơn. Khi đó, người tiêu dùng nên sẵn sàng chi tiêu hơn ngay bây giờ so với đầu năm 2023.
Điều này được thể hiện qua số liệu hàng tồn kho của các thương hiệu thời trang lớn đã giảm trong thời gian dài. Cụ thể, tại thời điếm cuối quý II, giá trị hàng tồn kho của các thương hiệu lớn như Nike, H&M, GAP và Inditex thấp hơn nhiều so với mức giữa năm 2022. Giới phân tích tin rằng các đơn đặt hàng may mặc sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023, khi các thương hiệu bổ sung hàng dự trữ, đặc biệt là các kỳ nghỉ lễ.
Kỳ vọng nhưng vẫn thận trọng
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), doanh nghiệp đầu ngành dệt may, hoạt động trong hầu hết chuỗi giá trị dệt may, từ xơ sợi đến thành phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng rơi vào tình cảnh khó khăn trong 2 quý đầu tiên của năm. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VGT lần lượt đạt 8.134 tỷ đồng (giảm 15,4%) và 114,8 tỷ đồng (giảm 87,2%).
Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực xuất hiện trong thời gian gần đây, MAS dự báo 6 tháng cuối năm sẽ thuận lợi hơn cho VGT. Theo đó, doanh thu cả năm 2023 là 16.549 tỷ đồng (giảm 10%) và lợi nhuận sau thuế 317,9 tỷ đồng (giảm 51%).
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu yếu, TNG ghi nhận mức tăng doanh thu khá khiêm tốn trong quý II vừa qua là 0,6% (đạt 1.995 tỷ đồng). Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 31,6% và 36,7%.
Đáng lưu ý, các khoản phải thu tăng đáng kể lên 838 tỷ đồng (từ 470 tỷ đồng vào đầu năm 2023) và doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh trong 2 quý liên tiếp. Tuy nhiên, với việc các đơn hàng dệt may sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý III, MAS nâng dự báo doanh thu năm 2023 của TNG từ 6.396 tỷ đồng lên 6.936 tỷ đồng.
CTCP Sản xuất thương mại - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) là nhà sản xuất nhiều loại sản phẩm cho gia dụng và công nghiệp, sử dụng máy móc hiện đại và có công suất lớn. Tương tự các doanh nghiệp trên, GIL vẫn đang gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc danh mục khách hàng.
Đây là nguyên nhân khiến doanh thu trong quý II của GIL giảm mạnh xuống còn 269 tỷ đồng (giảm 78,9%). Với doanh thu giảm sâu, GIL ghi nhận khoản lỗ hoạt động kinh doanh 0,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với 144,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt được trong quý II-2022.
Trong tình cảnh này, mặc dù kỳ vọng về khả năng phục hồi doanh thu nhưng khả năng có lợi nhuận dương của GIL khá yếu. Dự báo, doanh thu năm 2023 là 1.106 tỷ đồng (giảm 65,1%), trong khi lợi nhuận ghi nhận con số âm 17,9 tỷ đồng.