Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản hay chứng khoán liên tục dẫn sóng, nhóm ngân hàng chỉ đi ngang, thậm chí nhiều mã đi xuống. Liệu nhóm nhà băng đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư?
Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

Lợi nhuận chạm đáy?

Theo thống kê từ CTCK ACB (ACBS), tổng lợi nhuận trước thuế quý II của các NH niêm yết trên sàn HoSE giảm 4,8% so với quý I, và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, thu nhập lãi thuần (NII) giảm 3,9% so với quý I và tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu do tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) bị thu hẹp 22 điểm cơ bản (bqs) so với quý I và 34 bqs so với cùng kỳ năm 2022, mặc dù tăng trưởng tín dụng của các NH vẫn tương đối tích cực (tăng 11,1%).

Yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận các NH là chi phí hoạt động quý II tăng 7,8% so với quý I và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên do là các NH tiếp tục đẩy mạnh chi đầu tư tài sản và hạ tầng công nghệ số.

Một vấn đề lớn các NH đang phải đối mặt, là lãi suất huy động với các khoản tiền gởi mới đã giảm 2-3% do thanh khoản dư thừa. Tuy nhiên, hậu quả của việc huy động lãi suất cao trong giai đoạn trước đó (từ quý IV-2022 đến quý I-2023) sẽ tác động tiêu cực lên NIM của các NH. Việc các NH huy động tiền gởi kỳ hạn dài (6-12 tháng) với lãi suất cao (8-11%) trong giai đoạn này khiến chi phí vốn tiếp tục tăng.

Trong khi đó, lợi suất tài sản sinh lãi của các NH chỉ tăng nhẹ, do lãi suất cho vay đã vượt ngưỡng khách hàng có thể chấp nhận và không còn dư địa tăng thêm. Bên cạnh đó, việc NHNN quyết liệt chỉ đạo giảm lãi suất cũng là yếu tố bất lợi cho các NH.

Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận của các NH trong những tháng đầu năm không mấy tích cực. Tuy nhiên, theo dự báo của ACBS, lợi nhuận của các NH sẽ cải thiện từ quý III trở đi, nhờ lãi suất huy động giảm và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trở lại. 2 yếu tố này sẽ tác động tích cực lên chi phí vốn của các NH, dẫn đến NIM hồi phục. Trong khi đó, lãi suất cho vay mới hiện đã ở mức hợp lý hơn so với kỳ vọng của khách hàng và sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động.

Giá CP đang ở mức hấp dẫn

Thực tế cho thấy, NIM luôn là nguồn thu quan trọng nhất đối với các NH khi chiếm khoảng 80% tổng thu nhập. Do vậy, NIM phục hồi sẽ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của các NH. Cả năm 2023, ACBS kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các NH đạt 10%, thấp hơn con số 34,5% của năm 2022.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa giữa các NH. Theo đó, các NH có thanh khoản dồi dào, đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có điều kiện thuận lợi để đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Dư nợ liên quan đến lĩnh vực bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây sức ép lên chất lượng tài sản của các NH, vốn không còn nhiều dư địa để xử lý nợ xấu do bộ đệm dự phòng không còn dày.

Hiện giá CP ngành NH đang giao dịch ở mức P/E là 9,3x và P/B là 1,8x. Con số này thấp hơn lần lượt 22,2% và 11,5% so với mức lịch sử 10 năm. Tuy nhiên, mức giá hiện tại của ngành đã có sự hồi phục khá ấn tượng (tăng 48%), nếu tính từ vùng đáy tháng 11-2022.

Đây chính là nguyên nhân khiến diễn biến giá của nhóm CP NH không được tích cực, dù được định giá ở mức hấp dẫn. Ngoài yếu tố kể trên, việc nhóm CP NH không hút được dòng tiền còn xuất phát từ các yếu tố, như nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm kéo theo nhu cầu tín dụng yếu; những vấn đề của thị trường bất động sản kéo dài (vướng mắc về pháp lý, tắc nghẽn dòng vốn và doanh số bán ảm đạm), khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của hệ thống NH liên quan tới tín dụng bất động sản tăng cao.

Giải bài toán nợ xấu

Có thể nói, nợ xấu đang được xem là rủi ro lớn nhất với hệ thống NH, đồng thời cũng là “nút thắt” khiến dòng vốn chưa đổ mạnh vào nhóm CP này. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ngành đã tăng lên mức 1,93%, trong khi nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đang chiếm 0,5% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Đặc biệt, việc nợ xấu tăng trong khi chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ khiến “bộ đệm” dự phòng của các NH tiếp tục bị “bào mòn”. Hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm xuống dưới mức 109%, từ mức 160% thời điểm quý III-2022.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Sacombank (STB) khá tương đồng với diễn biến của nền kinh tế và NH. NIM và thu nhập lãi ngoài sụt giảm trong khi NH không có thu nhập từ xử lý nợ. Tỷ lệ nợ xấu của STB ở mức 1,8%, tăng 60 bps so với quý I do dư nợ nhóm 2 chuyển sang.

Tuy nhiên, nhờ không phải trích lập dự thu cũng như trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, lợi nhuận 6 tháng của STB tăng 63,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, STB cũng gặp khó khăn do tiến độ thanh lý tài sản thế chấp (dự án Khu công nghiệp Phong Phú) diễn biến chậm do giá trị lớn và tình trạng thanh khoản kém của nền kinh tế.

Do vậy, STB sẽ phải tiếp tục sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, để trích lập dự phòng cho 4.400 tỷ đồng trái phiếu VAMC từ nay đến cuối năm nhằm hoàn tất đề án tái cơ cấu nợ xấu.

Tương tự là trường hợp của MBBank (MBB). Chi phí dự phòng của NH này cũng sẽ gặp áp lực do phải đối mặt với những khó khăn từ nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp “đóng băng”, và quan trọng là áp lực nhận chuyển giao Oceanbank.

Ngoài trách nhiệm tái cơ cấu Oceanbank, MBB còn phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu phát sinh cao trong bối cảnh thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó. Theo ACBS, chi phí dự phòng của MBB có thể phải duy trì ở mức cao, tương đương 2% dự phòng tín dụng mỗi năm.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Techcombank (TCB) giảm 20,1% do NIM giảm mạnh. Nguyên nhân do chi phí vốn của TCB liên tục tăng bởi huy động tiền gởi lãi suất cao ở giai đoạn từ quý IV năm ngoái đến quý I năm nay.

Ngược lại, NH phải giảm lãi suất cho vay trong quý II khiến NIM giảm. Hiện tỷ lệ nợ xấu của TCB là 1,07%, tăng 22 bps so với quý I; tỷ lệ nợ xấu tăng đến từ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; tỷ lệ nợ nhóm 2 của TCB tiếp tục duy trì ở mức cao quanh mốc 2%.

Các tin khác