NĐT chưa “cởi mở”
Đợt tăng nóng của nhóm CP NH xuất phát từ thông tin NHNN quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống NH thêm khoảng 1,5-2%. Qua đó, nâng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 lên 15,5-16%. Thông tin này gây bất ngờ cho nhiều NĐT, vì trước đó NHNN vẫn khẳng định không nới room quá 14% để kiểm soát lạm phát. Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng này, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, quyết định nới room của NHNN sẽ tác động tích cực lên nhóm CP NH. Bởi trước đó, nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng nóng trong thời gian gần đây là do thiếu room tín dụng.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu room tín dụng trước hết đến từ áp lực tỷ giá, khi đồng USD liên tục tăng giá và phá đỉnh 20 năm, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất đến năm sau. NHNN đã phải nâng mặt bằng lãi suất điều hành và hút nội tệ về để cân bằng tỷ giá, trong bối cảnh công cụ dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH trong 2 tuần đầu tháng 10 đã có thời điểm chạm mức 8%, cao nhất từ trước đến nay.
Do vậy, quyết định nới room sẽ giảm bớt áp lực tăng lãi suất và giúp các NH “dễ thở” hơn, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cũng sẽ nới rộng hơn so với thời điểm trước. Đây được coi động lực tạo nên sóng tăng của nhóm CP NH trong thời gian qua.
Theo thống kê, trong tuần cuối cùng của tháng 11 và những phiên giao dịch đầu tháng 12, nhóm CP NH ghi nhận mức tăng trung bình từ 20-40%. Tuy nhiên, việc nhóm CP NH bất ngờ điều chỉnh trong tuần qua, cho thấy NĐT vẫn chưa thật sự có cái nhìn “cởi mở” với nhóm CP có vốn hóa lớn nhất trên thị trường hiện nay.
Rủi ro vẫn còn
Có thể thấy, đợt bán tháo trước đó và mới nhất 2 phiên giao dịch trong tuần trước của nhóm CP NH, được đánh giá khá tương đồng với đợt giảm sâu từ đỉnh cuối tháng 4. Nhận định về diễn biến này, CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS), cho rằng việc bán tháo xuất hiện đến từ sự hoảng loạn của NĐT cá nhân liên quan đến tin tức tiêu cực, lợi suất kỳ vọng cao hơn, cũng như nhu cầu thanh khoản của các NĐT.
Đầu tiên, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng lợi nhuận kỳ vọng từ các khoản đầu tư rủi ro, gián tiếp tăng mức chiết khấu thu nhập thặng dư. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm dòng tiền của các thành phần tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt bên phát hành và bên bảo lãnh, dẫn đến tình trạng bán tháo CP. Tiếp nữa là các yếu tố bất ổn vĩ mô khiến các CTCK thu hẹp dư nợ cho vay và tăng tỷ lệ ký quỹ, dẫn đến tình trạng thừa cung hay thanh lý CP một cách không tự nguyện, khi tỷ lệ đòn bẩy chạm ngưỡng an toàn.
Một yếu tố tưởng chừng cũ nhưng vẫn có tính thời sự, là rủi ro nợ xấu. Trước đây, hệ thống NH đối mặt với 2 rủi ro: nợ tái cơ cấu liên quan đến Covid-19 và nợ xấu phát sinh từ lãi vay tăng. Nay các NH lại đối diện thêm yếu tố mới là nợ xấu tiềm ẩn liên quan tới TPDN. Nếu nợ cơ cấu và nợ xấu mới phát sinh từ việc tăng lãi suất sẽ tạo gánh nặng lên lợi nhuận của ngành, TPDN cũng có thể tạo ra các cú sốc về rủi ro thanh khoản và rủi ro hệ thống.
“Đây là rủi ro cả nội bộ NH cũng như các chuyên gia trong ngành khó lượng hóa chính xác. Vì vậy, NĐT cần lưu ý khi chọn đầu tư vào các NH có rủi ro tập trung cao hay chất lượng tài sản thấp” - MAS phân tích.
Định giá còn hấp dẫn?
Với góc nhìn tích cực hơn, các chuyên gia phân tích của CTCK VNDirect (VNDS), nhận định rủi ro lên thanh khoản hệ thống NH không lớn. Điều này được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, những nỗ lực chống đô la hóa nền kinh tế và tăng cường giao dịch không tiền mặt của các cơ quan quản lý trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể.
Thứ hai, niềm tin của người dân vào hệ thống NH được củng cố, cũng như thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ rệt, giúp thanh khoản hệ thống được bù đắp. Cuối cùng, vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống NH hiện tại đã được cải thiện rất nhiều. Hiện gần 20 NHTM, chiếm đa số trong hệ thống, đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó có 6 NH hoàn thành cả 3 trụ cột.
Với cùng nhận định lạc quan, CTCK BIDV (BSC) cho rằng CP NH đang được định giá ở mức tương đối sâu so với các giai đoạn trước, trong khi đó sức khỏe tài chính của các NH hiện vẫn tương đối tốt. Đơn cử, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II tiếp tục được giữ ở mức cao, các tỷ lệ đều đảm bảo theo yêu cầu của NHNN. Kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các NH.
Cùng nhận định CP NH đang ở mức định giá hấp dẫn, nhưng MAS đưa ra khuyến nghị cẩn trọng, vì CP NH vẫn còn rủi ro điều chỉnh bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên là mức định giá hiện tại theo P/B của các NH quốc doanh là 2,1x và NH tư nhân 1,2x, tương đương mức giảm 35% và 52% từ đỉnh. Trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành NH lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm của NH quốc doanh là 2,2x và NH tư nhân là 1,6x. Nguyên nhân do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro đã nêu ở trên khiến các đợt giảm gần đây khó được loại bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, khối các NH quốc doanh sẽ là lựa chọn tốt nhờ các yếu tố: định giá tương đối thấp so với mức định giá quá khứ, rủi ro hoạt động liên tục thấp, có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn, liên kết nội khối tốt, lợi thế huy động vốn và dư nợ đối với TPDN tương đối thấp.
Trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành NH lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm, do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro khiến các đợt giảm gần đây khó được loại bỏ hoàn toàn. |