Tăng bằng lần
Thép là nhóm CP ngành tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) vài tháng trở lại đây, với mức tăng tính bằng lần. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cách đây hơn 8 tháng giao dịch ở mức giá hơn 4.500 đồng/CP, nhưng ở thời điểm hiện tại HSG có lúc vượt trên mốc 19.000 đồng/CP (tương đương mức tăng hơn 4 lần).
Tương tự, trường hợp CTCP Thép Nam Kim (NKG) từ mức đáy chưa đầy 4.400 đồng/CP thời điểm cuối tháng 3, bất ngờ vọt lên hơn 12.000 đồng/CP (tương đương mức tăng gần 3 lần). DN đầu ngành là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng có đợt sóng tăng mạnh nhất kể từ khi niêm yết trên TTCK. Cụ thể, cuối tháng 3 HPG giao dịch với mức giá 15.300 đồng/CP, nhưng hiện tại có thời điểm giao dịch trên mốc 37.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 2,5 lần).
Sóng tăng của nhóm CP thép xuất phát từ hoạt động tiêu thụ các sản phẩm hồi phục mạnh từ cuối quý II, sau khi giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm. Nguyên nhân do giá nguyên liệu giảm, hoạt động xây dựng trở lại bình thường và nhiều dự án đầu tư công bắt đầu triển khai.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng gặp thuận lợi với các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP, đã giúp DN thép xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn.
Nhờ vậy, kết quả kinh doanh (KQKD) của các DN thép được cải thiện trong những tháng gần đây, đặc biệt trong quý III. Cụ thể, theo báo cáo tài chính (BCTC) quý kinh doanh vừa qua, lợi nhuận quý III của HPG, HSG và NKG tăng lần lượt 115%, 26% và 1.331% so với cùng kỳ năm 2019.
Lãnh đạo “rời tàu”
Lãnh đạo “rời tàu”
Mức tăng trưởng lợi nhuận khủng của NKG khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ, bởi ở thời điểm này năm 2019, DN này vẫn còn loay hoay với các kế hoạch bán bớt tài sản để trả nợ do thua lỗ nặng trong những tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính quý III, doanh thu trong kỳ chỉ tăng 10% (đạt 3.376 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 13 lần (đạt 82,6 tỷ đồng).
Từ kết quả này, mới đây HĐQT của NKG đã nhóm họp và thông qua quyết định đầu tư xây dựng kho hàng tập trung và di dời phân xưởng ống thép. Mục đích là tối ưu hóa hoạt động sản xuất, khai thác tối đa công suất các nhà máy mạ nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng với quy mô lên đến 4ha, trong đó phân xưởng sản xuất và kho hàng 25.000m2. Theo ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT, hình thức đầu tư của dự án này là mua đất xây dựng mới hoặc mua lại các DN đang hoạt động ngay trong quý I-2021.
Điều đáng nói, trong khi HĐQT quyết định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để đón đầu cơ hội khi thị trường thép hồi phục, một thành viên HĐQT là ông Võ Thời lại quyết định “rời tàu”. Cụ thể, ông Thời đăng ký bán ra toàn bộ 775.090 CP đang nắm giữ (tương đương 0,43%) trong khoảng thời gian từ 26-11 đến 25-12. Với mức giá đang giao dịch trên TTCK khoảng 12.000 đồng/CP, ước tính ông Thời thu về hơn 9,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu so với HSG hay HPG, số lượng CP bán ra của ông Thời chỉ là con số nhỏ. Theo thông tin mới nhất từ HPG, ông Doãn Gia Cường, Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 24 ttriệu CP HPG theo hình thức thỏa thuận, trong khoảng thời gian từ ngày 27-11 đến 26-12.
Đáng chú ý, người mua lại toàn bộ số CP này là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT. Với mức giá hiện tại, số tiền ông phải Long bỏ ra để mua lại số CP này lên đến 900 tỷ đồng. Ngoài giao dịch của ông Cường, quỹ PENM III (liên quan Thành viên HĐQT Hans Christan) đăng ký bán hết 76,5 triệu CP HPG.
Còn tại HSG, Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (công ty của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG) đăng ký bán 30 triệu CP trong khoảng thời gian từ 25-11 đến 24-12, thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh.
Lý do thực hiện giao dịch nhằm giải quyết nhu cầu tài chính công ty. Được biết, Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen đang nắm giữ 73,14 triệu CP HSG (tương đương 16,45%). Nếu giao dịch thành công, DN sẽ thu về khoảng 550 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống chỉ còn 9,7%.
Tài chính chông chênh
Phần lớn DN thép phục hồi từ “chân tường”, là lý do khiến nhiều cổ đông nội bộ đua nhau bán ra để chốt lời, thay vì tiếp tục nắm giữ. Do vậy, việc tham gia những đợt sóng của ngành khiến NĐT gặp nhiều rủi ro. |
Trước tình thế này, HSG phải tái cơ cấu để tài chính lành mạnh và giảm nợ vay. Thậm chí, HSG quyết định ngưng triển khai dự án thép đầy tham vọng tại Cà Ná (Ninh Thuận) với tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Tính đến cuối quý III, HSG đã giảm tổng số vay nợ từ mức hơn 16.000 tỷ đồng (năm 2017) xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 9.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 1,6 lần nên HSG vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nợ vay ngắn hạn, hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng mất cân đối tài chính. Chính vì vậy, việc biên lợi nhuận của DN được cải thiện so với các năm trước, nhưng phụ thuộc lớn vào giá nguyên liệu đầu vào HRC.
Việc lợi nhuận quý III tăng trưởng mạnh chủ yếu do nguyên liệu đầu vào giảm nhanh, nhưng lợi thế đó chỉ mang yếu tố nhất thời ngắn hạn. Thực tế này cộng với việc hiện tượng giá CP tăng nóng khiến cho nhiều CTCK đưa ra khuyến cáo HSG đang ở mức “rủi ro”.
KQKD đột biến của NKG đến từ tăng trưởng nhờ tiêu thụ nội địa phục hồi và xuất khẩu tăng trưởng tích cực. Ngược lại, thị phần tôn mạ của NKG thu hẹp xuống còn 15% so với mức 16% của cùng kỳ 2019. Theo BCTC quý III, lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu của NKG đạt 8.141 tỷ đồng (giảm 9,3%).
Đáng chú ý, doanh thu tài chính giảm 14 tỷ đồng (đạt 64 tỷ đồng), trong khi chi phí còn lại đều tăng như chi phí tài chính tăng 24 tỷ đồng (đạt hơn 227 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng 40 tỷ đồng (đạt 183 tỷ đồng) và chi phí quản lý DN tăng gần 14 tỷ đồng (đạt hơn 66 tỷ đồng). Điều này cho thấy quá trình tái cơ cấu của DN này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi.
Cũng như HSG, vấn đề tài chính của NKG chưa sáng sủa như KQKD. Tính đến cuối quý III, tổng nợ phải trả của NKG tăng 100 tỷ đồng so với đầu kỳ lên 5.147 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.463 tỷ đồng (tăng 1.075 tỷ đồng), vay nợ thuê tài chính dài hạn 587 tỷ đồng (giảm 116 tỷ đồng so với đầu năm).