Gam màu sáng nhiều hơn tối
TTCK đang bước vào mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Các NH niêm yết cũng đua nhau dự báo KQKD với những con số khá ấn tượng. Đơn cử, NHTMCP Tiên Phong (TPB) với lợi nhuận trước thuế trong kỳ ước đạt 1.000 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tăng lần lượt 22,2% và 20% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng của TPB chạm mức trần giới hạn đã sửa đổi do NHNN ban hành. Mức tăng trưởng này chủ yếu do trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay từ khách hàng doanh nghiệp lớn.
Tương tự, NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khá mạnh từ 12-13% so với đầu năm. Ước tính, HDB đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 30% so với cùng kỳ 2019. NHTMCP Quân đội (MBB) được dự báo đạt mức tăng trưởng tốt trong quý III, nhờ mức tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 10% so với đầu năm. Cụ thể, MBB được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý III trong khoảng 25-30% so với cùng kỳ, tương đương đạt 3.400-3.600 tỷ đồng. Nếu đạt được con số này, lũy kế 9 tháng năm 2020, MBB hoàn thành 98% kế hoạch cả năm.
NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) được dự báo tăng trưởng âm, do tăng trưởng huy động và tín dụng chỉ đạt 7% và 9% so với đầu năm. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý III ước tính 972 tỷ đồng (giảm 5,7%), lũy kế 9 tháng đạt 2.400 tỷ đồng (giảm 3,7%). Nguyên nhân khiến STB tăng trưởng âm một phần bắt nguồn từ những dấu hiệu về sự gia tăng nợ xấu.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, kết thúc quý II tổng tài sản của STB tăng trưởng 6,2% (thấp hơn mức cùng kỳ năm trước là 8,2%); tỷ lệ nợ tăng từ 1,9% tại cuối năm 2019 lên mức 2,2%; tỷ lệ nợ xấu mở rộng, bao gồm nợ nhóm 2 tăng lên mức 2,6%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi ngang ở mức trên 69%. Đáng chú ý, nợ xấu nội bảng tại ngày 30-6 của STB lên đến 6.682 tỷ đồng, tăng gần 950 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng gần 17%. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh 185% lên 851 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm NHTMCP có vốn nhà nước chi phối tiếp tục có những bước đi chậm chạp. Đơn cử, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với tăng trưởng tín dụng ở mức 6,3% và 5% so với đầu năm. Ước tính, lợi nhuận trước thuế quý III của VCB đạt 5.100 tỷ đồng (giảm 18,9%). Nguyên nhân do chi phí dự phòng tăng 28,6%, thu nhập hoạt động (TOI) giảm 1,4%, trong khi thu nhập hoạt động trước trích lập dự phòng (PP) giảm 6,4% xuống 7.300 tỷ đồng.
2 NH còn lại là NHTMCP Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BID) và NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG), dù không ghi nhận tăng trưởng âm nhưng mức tăng cũng khá khiêm tốn so với các NHTMCP. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý III của BID và CTG ước đạt lần lượt 2.400 tỷ đồng (tăng 3,5%) và 3.240 tỷ đồng (tăng 3,8%).
“Gia cố” vị thế vua
Sau thời gian dài giao dịch dưới mốc 20.000 đồng/CP, NHTMCP Á Châu (ACB) bất ngờ có đợt sóng tăng vượt mốc 25.000 đồng/CP (tương đương mức tăng hơn 25%). Ngoài KQKD quý III, sóng tăng của ACB xuất phát từ thông tin NH này sẽ chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE.
Ngày 16-10, HOSE có thông báo về vệc tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 2,16 tỷ CP của ACB. Trước đó, NH này đã thông qua phương án chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE sau khi hoàn tất đợt chia cổ tức, tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.616 tỷ đồng. Theo ACB, việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá trị thị trường CP và đem lại lợi ích cho các cổ đông.
Dự báo, sau khi niêm yết trên HOSE, ACB sẽ lọt vào các rổ chỉ số như VN30, VNDiamond, VNFinSelect, VNFinLead. Về KQKD quý II, theo dự báo của CTCK Sài Gòn (SSI), lợi nhuận trước thuế của ACB nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng 2 con số khoảng 23% (đạt 2.370 tỷ đồng). Có được kết quả này nhờ NH duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 9% so với đầu năm, chi phí hoạt động (OPEX) giảm do NH đã trích lập một phần chi phí nhân viên của nửa cuối năm 2020 vào nửa đầu năm 2020.
Cũng với lý do tương tự, cổ đông của NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE trong năm 2020. SHB niêm yết trên sàn HNX năm 2009 và là NH thứ 3 niêm yết trên TTCK (sau STB và ACB). Tuy nhiên, do lợi nhuận đi ngang, SHB chỉ được giao dịch dưới mệnh giá trong thời gian khá dài. Từ đầu năm 2020 đến nay, SHB liên tục có những đợt sóng bứt phá mạnh và hiện giao dịch trên mốc 15.000 đồng/CP.
Theo giới phân tích, có 2 lý do khiến SHB trở thành mã CP NH tăng mạnh nhất trong thời gian qua, là KQKD cải thiện và thông tin chuyển sàn. Cụ thể, năm 2019, SHB bất ngờ ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng hơn 47% (đạt 3.077 tỷ đồng). Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay cũng giảm về mức 1,83% so với mức 2,4% hồi đầu năm 2019.
Bên cạnh sóng chuyển sàn, nhóm CP NH còn khẳng định vị thế vua với sự bổ sung nguồn hàng chất lượng từ các tân binh sắp niêm yết. Đơn cử, NHTMCP An Bình (ABBank) với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 924 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 8.348 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 93.076 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,26% tổng dư nợ, tăng 0,54% so với cuối năm 2019. Các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn và tài sản vẫn được giữ ổn định với RoE đạt 15,2%, RoA đạt 1,3%.
Những tháng cuối năm là mùa cao điểm kinh doanh của các NH. Do vậy, sóng tăng của nhóm CP NH vừa qua chỉ là bước “chạy đà” cho đợt sóng tăng mạnh hơn cuối năm. |