Vì vậy, ngành chức năng Cà Mau đang tìm cách “cởi trói” cho con cua vốn nổi tiếng ở vùng đất cực Nam.
Là một thương lái mua bán cua nổi tiếng tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), đồng thời là người thường xuyên cung cấp cua cho đối tác nước ngoài, ông Lê Quốc Việt, thương lái cua ở huyện Năm Căn, cho biết: “Rất buồn vì đi từ trong Nam ra tới tận Móng Cái (Quảng Ninh) đều thấy nhiều người bán cua biển để bảng “cua biển Cà Mau”. Thậm chí, ngay trên các vỉa hè ở ĐBSCL, TPHCM... nhiều người bày bán cua với giá rẻ bèo với tên gọi là cua Cà Mau. Trong khi đó cua “chính hiệu” thì không thể có giá như vậy”.
Theo những người dân bản địa xứ Cà Mau thì tại Cà Mau có một số vùng ven biển như huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi (vùng Nam Cà Mau)… có nguồn nước mặn quanh năm, biên độ thủy triều lớn, nước biển mang nhiều phù sa; những vùng này có hệ thống sinh thái rừng đước đặc trưng... nên cua biển ở đây ngon hơn các nơi khác. Con cua rất chắc, nhiều thịt, nhiều gạch và béo…
Ngành chức năng đề nghị việc dùng dây trói cua biển
cần đơn giản, tránh làm tăng trọng lượng.
cần đơn giản, tránh làm tăng trọng lượng.
Hiện cua biển Năm Căn đã được cấp nhãn hiệu chung với tên gọi “Cua Năm Căn - Cà Mau”. Cua vùng này thường có giá cao hơn các vùng khác của tỉnh Cà Mau, vì vậy khách đến Cà Mau du lịch thường tìm cua Năm Căn thưởng thức. Giới thương lái cũng hay về đặt trụ sở thu mua cua Năm Căn, sau đó đưa đi xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc) hoặc cung ứng các nhà hàng, đầu mối lớn ở TPHCM hoặc các tỉnh, thành khác.
Theo ông Lê Quốc Việt, những thương lái trong nghề khi cầm con cua lên có thể nhận biết được con cua xuất xứ từ huyện Năm Căn hay vùng khác. Ngoài ra, rất dễ phân biệt được con cua nào chắc thịt, thịt ngon và nhiều gạch ra sao. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng thì không phải ai cũng biết được cua ngon hay không ngon, cũng như cua biển Cà Mau hay cua biển ở địa phương khác.
Ở xứ Cà Mau có nhiều mô hình nuôi cua kết hợp các loại thủy sản khác hoặc nuôi cua xen dưới tán rừng. Theo thống kê, diện tích cua biển được thả nuôi xen với tôm và các đối tượng thủy sản khác hiện nay dao động trên dưới 250.000ha, sản lượng hàng năm khoảng 20.000 tấn. Giá trị xuất khẩu mặt hàng cua biển chiếm khoảng 7% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều lúc trên mạng xã hội xuất hiện những bức ảnh, clip làm “dậy sóng” về con cua biển Cà Mau. Đó là khi mua cua biển ngoài chợ hay qua mạng thì 1kg cua đã có trong đó hơn 0,3kg dây trói.
Theo chia sẻ của giới thương lái chuyên thu mua cua biển, thông thường cua biển từ ao nuôi đưa ra tới chợ và đến tay người tiêu dùng đã phải qua 3 lần dây trói. Ban đầu người nuôi khi bắt cua thì họ trói bằng dây vải nhỏ bằng ngón tay út. Sau đó, thương lái mua cua về, cắt bỏ dây trói này và trói lại bằng dây khác lớn hơn, làm cho con cua nặng hơn. Bước cuối cùng (người bán cua hoặc thương lái) sẽ dùng trói dây lớn hay nhỏ, tùy theo giá tiền giao dịch.
Lấy dây ngâm nước nhiều ngày, hoặc chôn dây buộc dưới bùn cho nặng, sau đó đem trói con cua làm tăng thêm trọng lượng. Theo ông Huỳnh Hùng Anh, Phó chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn (đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn - Cà Mau), là hành vi gian lận thương mại. Không những thế, khi dùng dây buộc nhiều như vậy sẽ làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước thực trạng “vàng thau lẫn lộn”, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã có chỉ đạo UBND huyện Năm Căn và các ngành liên quan sớm nghiên cứu về dây trói cua biển đơn giản hơn, làm sao cho khách hàng có thể nhận biết được cua Năm Căn - Cà Mau, đồng thời dây trói cua cũng cần thể hiện tính thẩm mỹ.