Thứ nhất, phân loại mức độ rủi ro của dự án để xác định thẩm quyền đàm phán, ký kết. Thí dụ, dự án có quy mô vốn đầu tư nhỏ, mức độ cam kết của Nhà nước không lớn hoặc ít ảnh hưởng đến bên thứ ba (người dân, doanh nghiệp khác), có thể phân quyền cho cấp dưới đàm phán và ký hợp đồng. Đối với dự án có quy mô vốn lớn, mức độ cam kết của Nhà nước cao (như nhượng quyền thu phí, bao tiêu sản phẩm, bảo lãnh…) hoặc ảnh hưởng lớn đến người dân (diện tích đất lớn, không có sự lựa chọn khác), phải có quy trình đàm phán, ký kết chặt chẽ hơn, thậm chí lên cấp Quốc hội quyết định chủ trương.
Thứ hai, các dự án, hợp đồng PPP cần được thẩm định độc lập để cung cấp ý kiến phản biện trước khi ký, đặc biệt là về các cam kết của Nhà nước và quyền lợi của bên thứ ba. Nội dung thẩm định phải bao gồm các yếu tố: sự cần thiết và hiệu quả của dự án; an toàn tài chính của dự án; các vấn đề pháp lý của dự án và của hợp đồng; các yếu tố khác như an ninh, quốc phòng, môi trường…
Thứ ba, tất cả các dự án đều phải được báo cáo và công khai thông tin trước và sau khi ký hợp đồng, nội dung hợp đồng và kết quả thực hiện dự án.
Thứ tư, tất cả các dự án đều phải được lấy ý kiến cộng đồng trước khi ký hợp đồng. Đối với dự án quy mô nhỏ, không ảnh hưởng lợi ích của bên thứ ba chỉ cần đăng công khai thông tin trước khi ký. Đối với dự án quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba, phải được tổ chức lấy ý kiến thông qua văn bản, hội thảo, họp báo.
Việc công khai, minh bạch và lấy ý kiến cộng đồng đối với các dự án PPP rất quan trọng. Việc này cần phải quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc hơn cả đối với các dự án đầu tư công. Đối với các dự án đầu tư công, trong trường hợp người dân có những phản ứng, Nhà nước có thể chủ động điều chỉnh dự án mà không cần điều chỉnh hợp đồng. Đối với các dự án đầu tư PPP, việc điều chỉnh dự án thường kéo theo việc phải đàm phán lại giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, nếu dự án được tham vấn kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn đầu sẽ giảm được nguy cơ này.
Một số dự án BOT giao thông thời gian qua vướng mắc khi đi vào vận hành, cũng một phần xuất phát từ việc thiếu tham vấn ý kiến cộng đồng trước khi ký hợp đồng. Trước đây, do quan niệm cho rằng tiền đầu tư là của tư nhân, nên cơ chế giám sát đối với đầu tư các dự án PPP lỏng lẻo hơn so với đầu tư công. Tuy nhiên, các dự án này lại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba (bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án và phải trả tiền). Do đó, việc tham vấn rộng rãi ý kiến của cộng đồng là điều hết sức cần thiết.
Quy định công khai thông tin hợp đồng PPP trong Luật Đầu tư PPP, cần đăng công khai thông tin ít nhất 60 ngày trước khi ký kết, bao gồm: tóm tắt thông tin về dự án; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo nghiên cứu khả thi; bản thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; dự thảo hợp đồng. Những nội dung thông tin thuộc về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, tài sản trí tuệ chưa được công bố thì được phép xóa hoặc bôi đen trong các tài liệu trên. Nơi đăng tải là cổng thông tin chung về các dự án PPP, do Bộ Kế hoạch-Đầu tư làm đầu mối.