Công khai trong công tác thu và sử dụng phí lòng đường, vỉa hè

(ĐTTCO) - Ngày 26-7 vừa qua, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1-9 và thay thế Quyết định số 74 năm 2008 về quản lý lòng đường, vỉa hè.
Công khai trong công tác thu và sử dụng phí lòng đường, vỉa hè

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, hiện sở phối hợp UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, Công an Thành phố, Ban An toàn giao thông TP hoàn chỉnh nội dung hướng dẫn cụ thể, sau khi HĐND TPHCM thông qua đề án mới triển khai thu phí.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, UBND TPHCM vừa ban hành quyết định mới thay thế quyết định cũ, vậy những quy định sử dụng tạm vỉa hè trên địa bàn TP có gì thay đổi so với trước đây?

* Ông PHAN CÔNG BẰNG: Trước đây, các tuyến đường do UBND TPHCM quyết định việc được phép sử dụng lòng đường, vỉa hè hay không... Nay, theo Quyết định số 32, sẽ phân cấp UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, Sở GTVT ban hành danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, điểm để xe hai bánh không thu tiền giữ xe.

Song song đó, triển khai các giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên hè phố tại các giao lộ có lượng người đi bộ cao; bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng tạo điều kiện và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, đầu tư, xây dựng, khai thác, cho thuê, thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường hè phố...

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng

Ngoài ra, một số quy định về sử dụng tạm vỉa hè không cần cấp phép như tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang, điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên vỉa hè, điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, điểm để xe hai bánh không thu tiền giữ xe…

Người dân khi tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang phải thông báo cho UBND cấp phường, xã nơi cư trú để được hỗ trợ giải quyết. UBND địa phương hướng dẫn, giám sát việc thực hiện và tạo điều kiện, hỗ trợ hộ gia đình các biện pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Về tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe tạm thời trên vỉa hè chỉ được thực hiện trên phạm vi và danh mục các tuyến đường đủ điều kiện do UBND quận, huyện ban hành. Riêng các điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên vỉa hè, dải phân cách, đảo giao thông, bố trí đường dành cho xe đạp do Sở GTVT TP xem xét chấp thuận.

Các hoạt động sử dụng tạm hè phố phải cấp phép bao gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (ngoại trừ sự kiện tổ chức theo kế hoạch cụ thể được UBND TPHCM ban hành); điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu phí.

Bên cạnh đó, các hộ dân cần lưu ý nguyên tắc chung của quy định mới là chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ phải duy trì tối thiểu 1,5m. Khi đáp ứng được điều kiện thì phần hè phố còn lại mới có thể phục vụ trông, giữ xe hoặc ngoài mục đích giao thông nêu trên.

Như vậy, việc thu phí do đơn vị nào thu và nguồn thu sẽ được sử dụng như thế nào?

* Hiện sở đã thành lập tổ xây dựng các văn bản hướng dẫn, sau đó sở phối hợp UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, Công an Thành phố, Ban An toàn giao thông TP hoàn chỉnh nội dung hướng dẫn thực hiện để kịp ban hành theo hiệu lực thi hành của Quyết định số 32.

Nguồn thu sẽ nộp 100% vào ngân sách TP. Chi phí cho việc vận hành thu phí được lập và cấp theo dự toán được duyệt hàng năm để phục vụ công tác thu phí và phục vụ duy tu bảo trì lòng đường, hè phố.

Để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố; công khai, minh bạch trong công tác thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu phí, các khoản thu sẽ niêm yết công khai tại địa điểm thu và trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao thu phí như: loại phí, mức thu, phương thức thu và các văn bản quy định thu phí.

Những tuyến đường nào được phép thu và mức thu đối với từng tuyến đường?

* Theo Quyết định này, có 172 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Trong đó, có 117 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần hè phố làm bãi giữ xe công cộng có thu phí; 13 tuyến cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 42 tuyến cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các tuyến đường có sự điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình giao thông, điều kiện thực tế của địa phương. Do đó, hiện nay chỉ có 20 tuyến đường thuộc địa bàn quận 1 (12 tuyến), quận 5 (3), quận 10 (5) được phép đậu xe có thu phí. Các tuyến đường, vỉa hè có chiều rộng tối thiểu 3m trở lên. Mức phí cao, thấp tùy vào từng tuyến, từng đoạn sau khi được HĐND TP thông qua đề án thu phí.

Trường hợp nào thu, được miễn giảm phí, thưa ông?

* Các tổ chức, cá nhân được cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè làm điểm giữ xe có thu phí. Cụ thể, tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa.

Các trường hợp miễn thu phí như tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của thành phố.

Vậy dựa vào đâu để xác định mức phí?

* Phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè là khoản thu đối với tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đóng phí sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trước khi được tổ chức bàn giao và tiếp nhận mặt bằng. Thu phí đối với các trường hợp sử dụng vỉa hè có cấp phép sử dụng.

Người dân buôn bán trong phạm vi vỉa hè cho phép thì không thu phí, còn nếu sử dụng vỉa hè nằm trong danh mục thu phí phải nộp phí. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp, chi tiết trước khi áp dụng. Trường hợp kinh doanh không nộp phí sẽ có chế tài xử lý như quản lý đô thị, quản lý về nhân khẩu, quản lý về phương tiện, quản lý mã định danh, điện, nước…

Dự kiến sẽ thu khoảng hơn 1.520 tỷ đồng/năm

Theo dự thảo đề án thu phí, trong 4.869 tuyến đường có 2.598 tuyến đường không có vỉa hè với chiều dài 2.074,64km và 2.271 tuyến đường có vỉa hè với chiều dài 1.969,36km. Trong số 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,31km và 1.342 tuyến đường có vỉa hè, bề rộng dưới 3m với chiều dài khoảng 1.296,05km. Dự kiến, số tiền thu được khoảng 1.522 tỷ đồng/năm, trong đó lòng đường thu khoảng 550 tỷ đồng, vỉa hè thu 972 tỷ đồng.

Các tin khác