TPHCM được hình thành trên nền tảng những giá trị cốt lõi của Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn nên có bản sắc văn hóa riêng, có nhịp sống năng động và lối sống nghĩa tình. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, TPHCM mang đậm dấu ấn của đô thị có khả năng hội tụ, dung nạp mọi cá tính và chấp nhận mọi thử thách.
Vì vậy, TPHCM là đô thị có tính hòa nhập quốc tế cao. Những cái mới, thể nghiệm, trào lưu, xu hướng đều xuất hiện tại TPHCM và được tương tác nhanh chóng với cộng đồng.
TPHCM luôn mở rộng tay cưu mang mọi số phận. Cho nên, TPHCM cũng tập hợp được nhiều tài năng và nhiều trí thức hàng đầu đất nước. Sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của TPHCM chậm lại, là điều nhiều người băn khoăn.
TP đang cần cơ chế phù hợp, hay đang thiếu những con người dám nghĩ dám làm, biết đột phá và chịu trách nhiệm? Nếu TPHCM mất đi vai trò đầu tàu, không chỉ đáng tiếc cho TP, còn là sự thiệt thòi cho quốc gia. Bởi lẽ, sự phát triển đa dạng của TPHCM luôn kích thích và truyền cảm hứng đối với nhiều địa phương khác.
Bên cạnh những bài học đau xót về công tác cán bộ, TPHCM vẫn sở hữu một tài sản quý báu, đó là những con người ân cần, rộng lượng và sáng tạo. Họ bình dị ở từng góc phố, âm thầm ở từng con hẻm, nhưng biết sống vì mọi người, vì tương lai. Cốt cách của con người đô thị phương Nam chính là câu chuyện thú vị và kiêu hãnh, mà ai cũng phải công nhận.
Sự thật ấy được nhắc đến trong ca khúc “Thành phố gì kỳ” khá chi tiết: “Thành phố gì kỳ, trà đá mang đi, giữa trời chang chang cho vơi đi lo toan, sao đi cho free/ Thành phố gì kỳ, có xe ôm quái lạ, dù không đi cuốc nào ai hỏi đường cũng đều rộn rã/ Thành phố gì kỳ, một lần ghé nơi đây, sao mà vương vương ôi bao nhiêu yêu thương khi ai chia tay”.
TPHCM hôm nay rất đáng tự hào, nhưng cũng còn lắm ngổn ngang. Với dân số vẫn tăng hàng năm do đón nhận dòng người nhập cư không ngừng, TP gánh chịu không ít áp lực. TPHCM không thể văn minh thực sự, nếu không giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường và quy hoạch đồng bộ vỉa hè, đáp ứng sinh kế người dân lẫn cảnh quan đô thị. Bởi ngoài những dòng mương đen ngòm ở nhiều quận huyện, việc xử lý rác thải tại TP vẫn hạn chế.
Vậy bao giờ người dân TP có thể thu gom rác thải để bán cho chính quyền nhằm chung tay bảo vệ môi trường? Đề xuất “mua rác của người dân” là ý tưởng được đề xuất từ nhiều năm trước, mà vẫn chưa thực hiện. Cái lợi ích kinh tế từ “bán rác” và “mua rác” có thể rất nhỏ, nhưng lại góp phần trực tiếp vào tiến trình đảm bảo năng lượng sạch cho tương lai. TPHCM khao khát kiến tạo nền kinh tế xanh, nhất định phải có đô thị xanh.
Để giải quyết kẹt xe, TPHCM triển khai nhiều cầu vượt bằng thép ở những nút giao thông quan trọng, nhưng vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn chưa có biện pháp căn cơ. Không rõ tích tụ từ tập quán bao đời, vỉa hè trở thành nơi cộng sinh của những mảnh đời. Vỉa hè gồng gánh bao nhiêu số phận?
Quan sát vỉa hè TPHCM ở những quận trung tâm, không khó nhận ra những gánh hàng rong di chuyển liên tục, còn địa điểm cố định cũng được phân chia một cách khoa học. Đừng ngạc nhiên, khi chứng kiến cái góc vỉa hè quen thuộc, buổi sáng thấy chị bán bò kho, buổi trưa thấy bác bán cơm bụi, buổi chiều thấy cô bán chè bưởi, còn buổi tối thấy anh bán thịt nướng. Người bán xong thu xếp gọn gàng cho người bán tiếp. Không lời nặng nhẹ, không câu hờn trách. Tất cả cứ tuần tự, đầy trách nhiệm và đầy tự trọng.
Nếu kinh tế vỉa hè bị triệt tiêu, vẻ đẹp TPHCM sẽ bị hao hụt. Có những món ăn vỉa hè ngon gấp mấy lần món ăn ở các nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, không gian cởi mở và thân thiện của vỉa hè TPHCM chẳng có đại sảnh thơm tho của khách sạn năm sao nào so sánh được. Trên vỉa hè, con người được bộc lộ thái độ yêu ghét rõ ràng, trong sáng và vô tư nhất. Vì vậy, quy hoạch vỉa hè không phải chiến dịch ra quân rầm rộ với khẩu hiệu “đường thông hè thoáng” vài hôm, rồi đâu lại vào đó với các kiểu “luật ngầm”.
Quy hoạch vỉa hè tại TPHCM không chỉ là sự quan tâm của người dân, còn được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu quốc tế. GS. Annette Kim, chuyên gia về đô thị và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ cùng vài cộng sự đã đến TPHCM để thực hiện công trình nghiên cứu rất công phu về vỉa hè, với tiêu chí: “Phương pháp của chúng tôi không phải từ trên xuống mà lặn vào trong cuộc sống. Du khách các nước cho tôi biết họ thích nhất ở TPHCM là vỉa hè, đặc thù rất khác với Singapore, Hồng Kông. Tôi mong TPHCM sẽ tổ chức, quản lý vỉa hè tốt hơn, phù hợp văn minh đô thị, đừng “quét sạch” các quán cóc và các gánh hàng rong. Mỗi quán cóc và gánh hàng rong chiếm chỗ khiêm tốn trên vỉa hè là một cuộc đời, thậm chí nhiều cuộc đời”.
Gần đây, GS. Annette Kim đã cho xuất bản cuốn sách “Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TPHCM”. Bà chia sẻ: “Vỉa hè đa chức năng, cũng giống như khái niệm sử dụng đất hỗn hợp, là phần tạo nên một TP sôi động, bền vững và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng. Vỉa hè ở TPHCM còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những TP chật chội. Cuộc sống vỉa hè là ấn tượng sâu đậm TPHCM để lại trong lòng du khách”.
GS. Kim cũng đã tiến hành khảo sát du khách quốc tế từ 4 nhóm ngôn ngữ khác nhau, xem họ chia sẻ những gì về chuyến đi tới TPHCM. 40% trao đổi là về vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn, uống cà phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè.
TPHCM khiến nhiều du khách hồi tưởng về quá khứ và tiếc cho cuộc sống vỉa hè đã biến mất khỏi quê hương họ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng kinh tế vỉa hè là phần quan trọng của an sinh xã hội. Một số ước tính nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lượng thực phẩm cho đô thị…