Ngoài ra, hơn 60% người Đức cho rằng việc sử dụng các kỹ thuật số, như hệ thống camera giám sát có thể giúp tăng cường an ninh ở các khu vực công cộng, đồng thời mở ra cơ hội lớn giúp cải thiện chất lượng sống ở các thành phố cũng như khu vực nông thôn. Tuy nhiên, có đến 70% số người được hỏi tỏ ra lo ngại về sự tiến bộ của công nghệ số khi cứ trong 10 người thì có 7 người lo lắng dữ liệu cá nhân của họ sẽ ít được bảo mật hơn do chính quyền thành phố áp dụng công nghệ này. 62% lo ngại công nghệ số sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tương tác giữa các cá nhân với nhau.
Việc người dân ủng hộ đưa công nghệ số hóa để cải thiện chất lượng sống tại đô thị là cơ sở quan trọng để Chính phủ Đức hướng đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của chính quyền địa phương.
Trong thời gian qua, Đức cũng là một trong số những nước châu Âu phát động phong trào đưa ra những giải pháp đô thị thông minh từ địa phương. Ở các thành phố, chính quyền, người dân, các cơ sở nghiên cứu, chuyên gia và các doanh nghiệp cùng hợp tác trong việc xác định chiến lược và các giải pháp ứng dụng công nghệ số hóa trong đô thị thông minh. Chương trình tốt nhất sẽ được lựa chọn để làm mô hình thí điểm, có hỗ trợ về chính sách, tài chính từ liên bang và tiểu bang. Từ đó, xác định một danh sách những đô thị trọng điểm của chiến lược đô thị thông minh ở Đức. Tiêu chí của Chính phủ Đức là không xây dựng thành phố mới hoàn toàn theo mô hình và tiêu chí của thành phố thông minh, mà chủ yếu đưa ứng dụng thông minh vào quá trình giải quyết hàng loạt vấn đề tại các đô thị.