Vài năm gần đây, Fintech Việt cũng gây tiếng vang khi nhiều quỹ đầu tư quốc tế quan tâm và rót vốn đầu tư và các ngân hàng (NH) cũng tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, hành lang pháp lý của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam vẫn chưa có, cần phải sớm hoàn thiện để ngành này tránh được rủi ro cho đối tác và người tiêu dùng sử dụng dịch vụ.
Dịch vụ mới, tiềm năng lớn
Trong hội thảo về NH và Fintech vừa diễn ra, VietinBank đã tổ chức một không gian để trải nghiệm hình thức thanh toán mới QR Pay. Khách hàng tham dự hội thảo được mua 1 sản phẩm tại gian hàng ảo bằng hình thức quét mã QR Code để kích hoạt thanh toán QR Pay của VietinBank và được thanh toán số tiền mua sản phẩm đó. Thời gian thanh toán và nhận hàng chỉ mất hơn 1 phút. Nhiều ý kiến đánh giá cao hình thức thanh toán này vì chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là giao dịch xong, kèm theo đó còn được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm được mua.
Fintech được dự báo mang lại cơ hội hợp tác phát triển cũng như những thách thức đối với hoạt động của hệ thống NH. Việc nắm bắt được những tác động của Fintech đối với hoạt động NH sẽ là tiền đề quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách kiến tạo nên một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả trong tương lai. Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN |
Hay tại chiếc máy bán hàng tự động ứng dụng thanh toán bằng công nghệ QR Code được tích hợp trên dịch vụ thanh toán di động Zalo Pay, người dùng sau khi chọn đồ uống, mở ứng dụng Zalo Pay để quét mã thanh toán, chỉ trong 2 giây sẽ có ngay món đồ uống cần mua. Cuối tháng 9 vừa qua, Samsung Pay của Samsung đã chính thức áp dụng trên toàn quốc.
Đây là phương thức thanh toán di động trên nền tảng thiết bị di động đầu tiên được ứng dụng ở Việt Nam sau khi Samsung Vina hợp tác với CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Trong giai đoạn đầu, Samsung Pay mới sử dụng được với một số loại thẻ ATM nội địa do 6 NH phát hành gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank và ABBank.
Năm nay, NHNN lần đầu tiên thử nghiệm dịch vụ trung gian thanh toán với 9 đơn vị tham gia, gồm Mobivi, Payoo, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT EPay, Ngân Lượng và ECPay. Và đến nay, NHNN đã chính thức cấp phép dịch vụ này cho 24 đơn vị. Còn tính chung số lượng công ty tham gia lĩnh vực Fintech cung cấp các công cụ thanh toán trực tuyến, cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền, gọi vốn cộng đồng, dịch vụ cho vay trực tuyến hiện có khoảng hơn 40 đơn vị.
Dù vậy, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam được đánh giá còn khá mới mẻ. Hiện đang có 40 triệu smartphone được người Việt sở hữu và dự kiến sẽ tăng lên 60 triệu vào năm 2018, nhưng mới có dưới 5% người dùng sử dụng các ứng dụng thanh toán. Số lượng tài khoản ví điện tử ước đạt khoảng 4 triệu nhưng vẫn có không ít tài khoản ví không được sử dụng. Tương tự, các dịch vụ thanh toán qua di động kể trên cũng chỉ mới bắt đầu được triển khai trong sự lạ lẫm của người tiêu dùng.
Sự chiếm lĩnh của Fintech còn khiêm tốn đồng nghĩa với tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn để khai thác.
Nhìn lại 3 năm gần đây, lĩnh vực Fintech của Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Theo đó, các công ty Fintech đã thu hút được nguồn vốn không nhỏ từ các quỹ đầu tư quốc tế. Năm 2016, CTCP M_Service, đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo đã công bố khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ quỹ Đầu tư Standard Chartered Private Equity và NH đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs. TrustPay JSC cũng cho biết đã được nhiều quỹ đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công chú ý và muốn rót vốn đầu tư.
Tại báo cáo công bố vào tháng 3-2017 của Topica, khởi nghiệp ngành Fintech tại Việt Nam đã thu hút được 129 triệu USD trong năm 2016, nhiều hơn tổng giá trị của tất cả các lĩnh vực khác. Hiện nay các công ty như Payoo, VNPT E-pay, Momo và F88 cũng được định giá rất cao. Đầu năm nay, The FinLab, một quỹ đầu tư chuyên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech của Singapore cũng đến Việt Nam để săn tìm Fintech Việt tiềm năng, thông qua sự kiện “Propelling your startup dream” và đã có 5 dự án được tham gia trình bày.
Sau sự kiện này, The FinLab triển khai tiếp chương trình The FinLab Cycle 2 để săn tìm các dự án Fintech tiềm năng của Việt Nam và khắp châu Á. Dự án thắng cuộc sẽ được nhận 440.00SGD, bao gồm 30.000SGD tiền mặt và các hỗ trợ về phần mềm và văn phòng làm việc.
Kiến tạo môi trường phát triển
Kiến tạo môi trường phát triển
Thực tế, đến nay hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam vẫn còn hoạt động khá đơn độc, chưa có sự kết nối với cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông, chưa có hành lang pháp lý để hoạt động và phát triển.
Tháng 3-2017, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính, nhưng theo 1 lãnh đạo của Ban chỉ đạo Fintech thuộc NHNN, cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech mới dừng lại ở những quy định đơn giản, ban đầu.
The FinLab đã và đang theo dõi tiến độ phát triển của Fintech Việt Nam. Fintech Việt đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ là một trong các lý do để The FinLab quyết định đặt chân tới Việt Nam. Ông Felix Tan, Giám đốc điều hành The FinLab |
Hiện NHNN mới cấp phép chính thức cho 24 công ty trung gian thanh toán và chủ yếu hoạt động theo phương thức phối hợp với NH để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho người dùng.
Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng đối với công nghệ mới này vẫn chưa cao, chẳng hạn nếu mất tiền trong ví điện tử sẽ không biết đi kiện ra sao. Những vấn đề như vậy cần sớm được tháo gỡ bằng một hành hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để kiến tạo môi trường cho Fintech phát triển.
Hiện nay NHNN mong muốn các công ty Fintech hướng tới khai thác thị trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi hạ tầng dịch vụ NH chưa vươn tới hoặc chưa phủ kín. Tuy nhiên đến nay NHNN vẫn chưa có những ý tưởng về việc hỗ trợ, ưu đãi, trong khi đây không phải là thị trường dễ khai thác.
Do đó, để thực hiện yêu cầu này vẫn là việc khá khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, để có thể tiếp tục phát triển, các công ty Fintech cần có sự kiên trì. Bởi không chỉ hành lang pháp lý đang trong quá trình xem xét xây dựng, việc thay đổi thói quen thanh toán của người Việt Nam còn cần rất nhiều thời gian.
Ngay cả khu vực trung tâm quận 1 TPHCM hiện nay, hình thức thanh toán hiện đại như thanh toán qua thẻ, thanh toán qua điện thoại, ví điện tử được rất nhiều cửa hàng, quán ăn chấp nhận. Trong khi đó vẫn có rất nhiều máy ATM được lắp đặt và số lượng người rút tiền hàng ngày vẫn rất đông và giao dịch tiền mặt vẫn là hình thức phổ biến tại các địa điểm này. Tính đến cuối quý II-2017, các NH đã phát hành đến 121 triệu thẻ nhưng con số này vẫn chưa thể “đấu” lại việc sử dụng tiền mặt nên để người dân dùng các dịch vụ trung gian thanh toán cũng là bài toán không dễ dàng.
Lâu nay, trước những bước đi của Fintech, nhiều nhận định cho rằng đây là đối thủ của NH. Trong một khảo sát do Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers thực hiện trong năm 2016, cho biết 83% doanh nghiệp tài chính truyền thống cho rằng một phần hoạt động kinh doanh có nguy cơ rơi vào tay Fintech, đặc biệt là lĩnh vực NH. Các công ty chuyển tiền và thanh toán trong 5 năm tới có thể mất 28% thị phần vào Fintech, các NH mất 24%. Tỷ lệ này là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm nếu không có sự thay đổi để bắt kịp xu thế cạnh tranh.
Ảnh minh họa.
Không nên cưỡng lại xu thế mới
Trong bối cảnh trên, các NH gần đây đã chuyển sang trạng thái vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các công ty Fintech để không lỗi thời và thua thiệt. Chẳng hạn VPBank đã hợp tác với Global Online Financial Solution Company để thực hiện dịch vụ NH số Timo. Bên cạnh đó NH này và M_Service, đơn vị phát triển sản phẩm ví điện tử Momo, cũng đã ký kết hợp tác chiến lược giúp khách hàng kết nối với ví điện tử MoMo để có thêm kênh nạp/rút, chuyển nhận tiền.
Trong khi đó, SCB hợp tác Công ty công nghệ Vi Mô để triển khai hệ thống ví điện tử VIMO nhằm cạnh tranh với các NH khác. Ví điện tử MoMo cũng đã trở thành đối tác của nhiều NH, trong đó có cả NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Theo các NHTM, thanh toán điện tử lại là thế mạnh của các công ty Fintech. Ngoài các dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking, các công ty Fintech có thể thực hiện các nghiệp vụ cho vay thẻ tín dụng, bán hàng trả chậm…
Để cạnh tranh, NH phải đầu tư chi phí rất lớn cho công nghệ để phát triển các sản phẩm mới giữ thị phần. Nhưng nếu bắt tay với Fintech, NH sẽ giảm được chi phí này trong khi vẫn tăng được thị phần thanh toán, phát triển thêm nhiều sản phẩm mang tính đột phá, tăng thu từ dịch vụ. Quan điểm của NHNN đưa ra gần đây cũng khuyến khích các NH thay đổi tư duy, quan điểm về Fintech, không nên coi Fintech là đối thủ cạnh tranh, để hướng tới sự hợp tác cùng có lợi.
Các chuyên gia tài chính cũng cảnh báo, khi hợp tác với công ty Fintech, NH cần rà soát kỹ đặc điểm và chức năng của sản phẩm để tránh rủi ro về mặt pháp lý. Bởi khi giao công việc thanh toán trung gian cho bên thứ 3 thực hiện, nếu phát sinh rủi ro, NH phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý.
Đồng thời, tỷ lệ thất bại của dự án chuyển đổi được ước tính lên đến 50%. Đáng quan tâm hơn là câu chuyện bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu khách hàng và tạo ra dịch vụ đột phá, tiện ích nhất cho khách hàng trong mối quan hệ này. Do đó, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn để đảm bảo an toàn hoạt động cho các bên.