Mật độ xe gắn máy rất đông trên Quốc lộ 13 đoạn qua phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Nút thắt cổ chai” mấy chục… tuổi
Quốc lộ (QL) 13 là trục đường quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc TPHCM không chỉ giúp thành phố kết nối với Bình Dương mà qua đó còn thông suốt tới Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Tổng chiều dài toàn tuyến 140,5km.
Trong khi tỉnh Bình Dương đã mở rộng quốc lộ này lên 6 làn xe và sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe thì đoạn đường ở TP Thủ Đức (TPHCM) vẫn chỉ 2 làn xe. Hậu quả, khu vực này trở thành điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là những dịp lễ tết. Đáng nói, đoạn tuyến qua TPHCM chỉ dài khoảng 4,5km.
Ghi nhận vào những ngày đầu TPHCM trở lại “bình thường mới”, tình trạng ùn ứ giao thông tại QL13 vẫn diễn ra. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Minh, 69 tuổi, ngụ gần cầu Đúc Nhỏ trên QL13 bày tỏ mong muốn đoạn đường này sớm được nâng cấp mở rộng.
“Cứ mưa hay thủy triều lên là cả tuyến đường ngập lênh láng, nước tràn cả vào nhà. Cuộc sống người dân tại tuyến đường này vô cùng vất vả, môi trường ô nhiễm, ruồi, muỗi sinh sôi…”, ông Minh cho biết.
QL13 bắt đầu từ quận Bình Thạnh, chạy ngang Bến xe Miền Đông đến ngã tư Bình Phước (cắt ngang QL1A) nối vào tỉnh Bình Dương thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 của TPHCM (gọi tắt dự án Bình Triệu 2). Dự án có 2 giai đoạn gồm xây mới cầu Bình Triệu 2 và thực hiện cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường với tổng chiều dài hơn 10,6km, trong đó có 4,5km thuộc QL13.
Dự án mở rộng QL13 được UBND TPHCM đề xuất thực hiện từ năm 2002. Ban đầu, thành phố dự kiến mở rộng lên 60m với tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Sau đó do không đủ vốn nên giảm xuống chỉ mở rộng 43m, tổng vốn đầu tư còn gần 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc này Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437/2017 yêu cầu tạm dừng hình thức đầu tư BOT trên đường hiện hữu. Do đó, nhiều dự án trọng điểm, trong đó có dự án mở rộng QL13, từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT, BT phải chuyển đổi hình thức sang sử dụng vốn ngân sách để đầu tư.
Để sớm tháo “nút thắt cổ chai” trên tuyến QL13, Sở GTVT TPHCM đã trình HĐND TP xin chủ trương thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu dài khoảng 5,5km thuộc TP Thủ Đức. Hiện dự án đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Theo Ban quản lý dự án các công trình giao thông TPHCM, công trình dự kiến thực hiện trước năm 2023, tổng mức đầu tư khoảng 9.992 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
TPHCM còn hàng loạt dự án trọng điểm, cấp bách cần gấp rút triển khai, tuy nhiên do nguồn vốn có hạn nên từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư các công trình giao thông ở TP Thủ Đức và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như: xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Cộng Hòa. Ở các cửa ngõ phía Đông, phía Tây của thành phố cũng sẽ phấn đấu nâng cấp, mở rộng QL1A, QL13, QL50, QL22... Đặc biệt, cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ nỗ lực khởi công trong năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.
Huy động mọi nguồn lực
Theo Sở GTVT TPHCM, gần 10 năm qua, thành phố đã làm mới và đưa vào sử dụng 384km đường bộ. Xây dựng mới 72 cây cầu. Tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến cuối năm ước đạt 12,2%; mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn thành phố ước đạt 2,2km/km².
So với chỉ tiêu của TPHCM đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5km/km2, thành tựu trên rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông TPHCM vẫn đang quá tải.
“Nút thắt cổ chai” trên Quốc lộ 13 đoạn qua cầu Đúc Nhỏ thuộc phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong khi đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, dự báo nguồn thu ngân sách thành phố trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nguồn vốn cân đối ngân sách của TPHCM được Quốc hội thông qua 142.557 tỷ đồng rất khó đảm bảo để cân đối bố trí đủ cho các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gồm Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, các dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được UBND TPHCM phê duyệt.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách giai đoạn 2021-2030, UBND TPHCM đã giao Sở KH-ĐT khẩn trương chủ trì, phối họp với các sở ngành và đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong đó, ưu tiên mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP), các nguồn lực phù hợp khác theo quy định.
Đặc biệt, bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án như: lập, đề xuất dự án; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan, làm cơ sở triển khai thực hiện mời gọi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định. Sở QH-KT chủ trì, với các sở ngành và đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung để quản lý, tạo quỹ đất, kết hợp chỉnh trang và phát triển đô thị dọc các tuyến giao thông mới, tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, để khơi thông các nguồn lực này, vai trò “vốn mồi” của Nhà nước rất quan trọng. Kèm theo đó là các chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư kịp thời, minh bạch của Chính phủ, các bộ ngành liên quan sẽ là động lực lớn giúp TPHCM huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông.