Luật chỉ hạn chế xung đột
Hoạt động tự doanh của các CTCK là thông lệ của tất cả các TTCK trên thế giới. CTCK được phép thành lập các bộ phận tự doanh (trading desk) và tự đầu tư cho chính mình để kiếm lời. Do các CTCK vừa thực hiện tự đầu tư (tự doanh), vừa tư vấn đầu tư cho khách hàng, vừa thực hiện môi giới (đặt lệnh), nên rủi ro xung đột lợi ích là có. Tuy nhiên, rào cản trong tình huống này chỉ là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, còn luật pháp chỉ quy định các biện pháp để hạn chế xung đột.
Luật Chứng khoán của Việt Nam cũng như các văn bản dưới luật (Thông tư 121/2020/TT-BTC), cũng có các quy định rõ ràng nhằm hạn chế rủi ro nói trên. Chẳng hạn, tài khoản tự doanh của CTCK là tài khoản duy nhất, được đánh mã số riêng và lệnh tự doanh được gửi tới bộ phận môi giới tương tự lệnh của khách hàng.
Bộ phận môi giới có trách nhiệm xử lý lệnh của khách hàng trước lệnh tự doanh; Khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, CTCK không được mua hoặc bán cùng chiều, cùng loại chứng khoán đó cho mình ở mức giá bằng hoặc tốt hơn mức giá của khách hàng trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện; Trong trường hợp lệnh mua, bán của khách hàng có thể ảnh hưởng lớn tới giá của loại chứng khoán đó, CTCK không được mua, bán trước cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán đó; CTCK phải công bố cho khách hàng biết khi mình là đối tác trong giao dịch thỏa thuận với khách hàng...
Hàng loạt các quy định được thiết kế cho thấy ngay khi làm luật, rủi ro xung đột lợi ích cũng đã được tính đến. Dĩ nhiên trên thực tế, “đạo cao một thước, ma cao một trượng”, có vô vàn cách để bộ phận tự doanh giành được lợi thế trong giao dịch. Giai đoạn 2010 trở về trước, khi công nghệ giao dịch trực tuyến chưa phát triển, lệnh mua bán bằng giấy và/hoặc được gửi tới đại diện sàn/bộ phận môi giới, thì việc “chạy trước” lệnh mang tính bất công rõ ràng hơn.
Hiện tại tốc độ giao dịch điện tử rất nhanh, nên việc đua lệnh gần như không có ý nghĩa. Tuy nhiên, có nhiều lợi thế vô hình khác khiến việc NĐT cá nhân nghi ngờ về nguy cơ tự doanh trục lợi về thông tin.
Đơn cử, câu chuyện về tổng hợp số dư margin hàng ngày giai đoạn 4 tháng đầu năm 2022 là con số cực kỳ nhạy cảm. Khi mức độ sử dụng margin càng lớn, thậm chí là đạt ngưỡng, đồng nghĩa với sức mua trên thị trường đã đến mức tối đa và rủi ro thị trường điều chỉnh là cao, khi không còn tiền để mua.
Mặc dù mỗi CTCK chỉ biết dư nợ margin của mình, nhưng nếu tình trạng “căng” margin xảy ra ở một công ty thì cũng rất có khả năng xảy ra ở nhiều công ty. Việc lãnh đạo CTCK được báo cáo trạng thái liên tục tất yếu sẽ tạo lợi thế để bộ phận tự doanh phản ứng sớm. Việc toàn quyền chủ động thay đổi dịch vụ cho vay ký quỹ cũng sẽ được biết trước hết trong chính nội bộ công ty.
Các CTCK với vai trò là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có thể kết nối thẳng với doanh nghiệp để có số liệu ước tính về lợi nhuận sớm hơn bất kỳ NĐT cá nhân nhỏ lẻ nào. Bộ phận phân tích của các CTCK cũng sẽ báo cáo kết quả đánh giá doanh nghiệp cho lãnh đạo CTCK trước khi tung báo cáo đó ra cho khách hàng. Do vậy việc tăng/hạ mức khuyến nghị đầu tư đối với một cổ phiếu nào đó, khách hàng cũng thường là người biết sau cùng...
Đây là những lợi thế thông tin tự nhiên của bộ phận tự doanh. Dù quy định hiện tại yêu cầu sự tách biệt và độc lập giữa các khối bộ phận tự doanh/môi giới/tư vấn đầu tư, nhưng các quy định giới hạn thông tin giữa các bộ phận chỉ là quy định mang tính nội bộ, rất khó để kiểm soát thật sự. Quy định này mang tính đạo đức nhiều hơn là pháp lý.
Không thể bỏ tự doanh, nhưng phải minh bạch cho công bằng
Sức ép tâm lý từ việc đầu tư thua lỗ gần đây khiến không ít NĐT kêu gọi tách hoạt động tự doanh ra khỏi các CTCK, thậm chí gay gắt hơn là cấm hoạt động tự doanh. Thực tế trong hơn 20 năm TTCK vấn đề này luôn được “xới lên” mỗi khi thị trường lao dốc và NĐT cá nhân không biết đổ lỗi cho ai.
Giai đoạn 2010 đã có những kêu gọi tách bạch hoạt động này, và một CTCK tốp đầu đã thực hiện chuyển hoạt động tự doanh sang công ty quản lý tài sản là công ty con 100% vốn. Thoạt nhìn bề ngoài thì điều này dễ chiếm được thiện cảm về sự “độc lập” và không xung đột lợi ích, nhưng liệu có việc lan truyền thông tin giữa công ty “mẹ và con” thì không thể kiểm chứng.
Hoạt động tự doanh của CTCK là thông lệ quốc tế và luật ở các nước cũng cho phép. Hoạt động này còn liên quan đến nhiều vai trò khác của CTCK, như hoạt động Tạo lập thị trường (market maker), nên việc cấm tự doanh là bất khả thi. Việc ngăn xung đột lợi ích từ phía quy định pháp luật cũng chỉ có thể dựng lên những rào cản cơ bản, còn lại chính NĐT mới cần xây dựng những kỹ năng kiểm chứng thông tin của riêng mình.
Lấy thí dụ, bất kỳ báo cáo phân tích doanh nghiệp nào được thực hiện một cách chuyên nghiệp và “có đạo đức” cũng đều phải ghi rõ cá nhân/nhóm người thực hiện, và tuyên bố có nắm giữ các cổ phiếu của doanh nghiệp đó hay không. Các báo cáo tài chính của CTCK đều ghi rõ danh mục tự doanh của mình với giá vốn bình quân, và NĐT hoàn toàn có thể đánh giá rủi ro xung đột lợi ích khi tiếp cận các khuyến nghị đầu tư của công ty đó.
Đối với cơ quan quản lý và sàn giao dịch, việc công bố công khai thông tin mua bán của khối tự doanh hàng ngày là một cách làm minh bạch hữu ích cho NĐT nhỏ lẻ. Tuy nhiên, những thông tin này đã bị dừng cung cấp từ đầu tháng 3-2022. Việc giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay cũng có nghĩa là số liệu tổng về quy mô margin trên toàn thị trường được theo dõi. Con số đó cũng có thể công bố công khai hàng tháng, thậm chí là hàng tuần.
Hàng loạt các quy định được thiết kế cho thấy ngay khi làm luật, rủi ro xung đột lợi ích cũng đã được tính đến. Dĩ nhiên trên thực tế, “đạo cao một thước, ma cao một trượng”, có vô vàn cách để bộ phận tự doanh giành được lợi thế trong giao dịch. |