Siết dòng tiền vào BĐS
Hiện nay, cho vay mua/sửa nhà, điện tử, điện máy và phương tiện đi lại có tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, việc mở rộng dư nợ tại các khoản vay này đang gặp khó khăn khi NHNN siết chặt hơn việc cho vay mua nhà.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Anh, Chuyên viên phân tích lĩnh vực NH của CTCK Rồng Việt (VDSC), trước đây hệ số rủi ro với các khoản vay cá nhân bảo đảm bằng BĐS cố định ở mức 50%. Nhưng theo quy định tại Thông tư 41, hệ số rủi ro sẽ thay đổi trong khoảng 25-200%, tùy thuộc tỷ lệ bảo đảm (số dư khoản phải đòi/giá trị tài sản bảo đảm) và tỷ lệ thu nhập (số dư phải hoàn trả trong năm/tổng thu nhập trong năm của khách hàng).
Đối với các tổ chức chưa đáp ứng được Thông tư 41, NHNN dự định ban hành Thông tư 36 sửa đổi, trong đó nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay đảm bảo bằng BĐS có dư nợ gốc trên 1,5 tỷ đồng lên 100-150%.
Đồng thời, NHNN cũng đang lấy ý kiến dự thảo quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa cho phép xuống 30% trong vòng 3 năm tới. Các động thái này về cơ bản dự kiến sẽ khiến vay mua nhà bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến tín dụng tiêu dùng nói chung.
Các khoản vay khác như phương tiện đi lại và điện tử, điện máy chiếm tỷ trọng cao do các NH và CTTC tiêu dùng đang tiếp cận khách hàng chủ yếu thông qua các kênh bán lẻ hiện đại theo chuỗi, hoặc thương mại điện tử, vốn đem lại hiệu quả cao và giúp tiết kiệm được chi phí quản lý.
Tuy nhiên, sự có mặt của họ tại các kênh chuỗi đang trở nên dày đặc, trong khi nhu cầu tiêu thụ xe máy, điện thoại, điện máy đang dần bão hòa.
Theo dữ liệu của Euromonitor, doanh số hàng điện tử, điện máy năm 2018 giảm còn 11%, so với mức bình quân 13,9% trong 5 năm trước. Ngoài ra, theo ghi nhận của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), xe máy tiêu thụ chậm lại trong 2 năm qua, thậm chí trong quý I vừa rồi tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Ngoài các khoản vay trên, các khoản vay có mục đích khác hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận với khách hàng và xử lý thủ tục vay.
Bất ngờ từ các CTTC
Bất ngờ từ các CTTC
Khó khăn là vậy, nhưng kết quả kinh doanh quý II của các NH niêm yết lại hoàn toàn trái ngược với sự đóng góp đáng kể của các CTTC trực thuộc. Đơn cử, NHTMCP Quân đội (MBB) với CTTC TNHH MB Shinsei (MCredit) là yếu tố dẫn dắt chính cho tăng trưởng, với tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) cao hơn, dù chi phí tín dụng gia tăng khiến phải tính toán tăng trưởng cho vay.
MCredit hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng và quy mô hiện tại đã đủ lớn, đã tạo ra các thay đổi nhỏ cho lợi suất cho vay hợp nhất.
Bên cạnh đó, MCredit có khả năng tận dụng hạ tầng từ các doanh nghiệp nhà nước lớn. Theo Fiinpro, thị phần của MCredit là 5,2% trong năm 2018, chỉ sau 1 năm hoạt động. Với mức đóng góp khoảng 3% trong dư nợ cho vay hợp nhất 6 tháng đầu năm, MCredit có thể vận hành tốt với mức chi phí tín dụng này.
Tương tự, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) ghi nhận sự phục hồi trong tăng trưởng cho vay và lợi suất trong 6 tháng đầu năm, trong đó FE Credit đóng góp tới 50% vào lợi nhuận hợp nhất. Điều này phần nào giải tỏa các lo ngại liên quan đến triển vọng tăng trưởng của công ty con FE Credit thời điểm đầu năm 2019.
Với việc thanh lý các khoản vay doanh nghiệp ra khỏi dư nợ cho vay, tăng trưởng cho vay tài chính tiêu dùng của FE Credit đạt 16,5% tính từ đầu năm 2019. Việc ghi nhận mức tăng trưởng này từ mức cơ sở dư nợ tương đương 2 tỷ USD thời điểm cuối năm 2018, rất đáng khích lệ khi thời hạn cho vay các khoản vay tài chính tiêu dùng khá ngắn.
NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh cực kỳ khả quan, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 2.211 tỷ đồng (tăng 7,2%). Đây là con số cao nhất từ trước tới nay trong nửa đầu năm của NH, với đóng góp không nhỏ của công ty con HD Saison.
Các hệ số sinh lời trên tài sản (ROA) và sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 1,7% và 20%. NIM hợp nhất tăng lên 4,4%, thuộc top dẫn đầu toàn ngành. Cụ thể, top 5 NH có NIM cao nhất 6 tháng đầu năm có sự góp mặt của 3 NH đang sở hữu CTTC, là VPB (8,9%), MBB (4,7%) và HDB.
Định giá lại CP
Định giá lại CP
Xu hướng tiêu dùng của người Việt dần thay đổi theo hướng chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua NH và sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho các CTTC do áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, cùng với động thái siết chặt tín dụng vào BĐS của NHNN. |
Dự báo, lợi nhuận của VPB gia tăng khi điều chỉnh tăng giả định tăng trưởng cho vay tại FE Credit do hệ số sinh lời của NH này hiện đang cao hơn so với các NH khác. Cụ thể, P/B dự phóng 2019 đạt 1x so với trung vị các NH khác là 1,3x. Thực tế đã phần nào phản ảnh đúng kỳ vọng của NĐT khi VPB có được những đợt sóng tăng lên vượt mốc 2.0 sau khi rớt khỏi mốc này từ tháng 4, trái ngược với sự ảm đạm của thị trường chung.
MBB cũng được các CTCK điều chỉnh tăng giá mục tiêu từ mức 23.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại lên 35.300 đồng/CP với tổng mức sinh lời 67,4%. Lý do chính là MBB điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận các năm 2020-2023 thêm lần lượt 6,8%, 13,5%, 12,8% và 10,2%.
Trong đó, MCredit sẽ là yếu tố hỗ trợ lợi suất cho vay hợp nhất, dù dự báo đóng góp của cho vay tiêu dùng dưới 5% tổng cho vay hợp nhất trong giai đoạn dự báo để kiểm soát chi phí tín dụng. Tương tự, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng chính là lực đẩy giúp HDB giao dịch khởi sắc hơn và có thời điểm CP này vượt mốc 27.000 đồng/CP.