Công ty tài chính sẽ nở rộ?

Mảng bán lẻ đang được nhiều NHTM hướng đến như một lối thoát trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn bởi không những dư địa lớn, trong khi tỷ suất sinh lời rất hấp dẫn. Tuy nhiên, ngành NH đang xôn xao trước thông tin dự thảo thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC), theo đó NHTM muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC.

Mảng bán lẻ đang được nhiều NHTM hướng đến như một lối thoát trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn bởi không những dư địa lớn, trong khi tỷ suất sinh lời rất hấp dẫn. Tuy nhiên, ngành NH đang xôn xao trước thông tin dự thảo thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC), theo đó NHTM muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC.

Làm khó NHTM

NHNN đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có quy định NHTM thực hiện cho vay tiêu dùng theo 3 hình thức cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng phải thành lập CTTC.

Theo NHNN, hoạt động tín dụng tiêu dùng của NHTM và CTTC đan xen lẫn nhau, đều cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng như cho vay trả góp để mua phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình, cho vay tiền mặt phục vụ đời sống... cho đối tượng khách hàng phi chuẩn (khách hàng đại chúng).

Nếu buộc NH phải có CTTC mới được cho vay tiêu dùng sẽ gây vướng cho NH. Bởi lẽ phát triển bán lẻ thông qua CTTC rất khó do bán lẻ cần có mạng lưới. Lâu nay, NH vẫn cho vay tiêu dùng, đó là một mảng trong NH, đó là mảng tốt nên NH không báo cáo riêng, không tách ra.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn,
Tổng giám đốc SCB

Cách thức tiếp cận qua điểm giới thiệu dịch vụ tương tự mô hình CTTC tiềm ẩn rủi ro lớn do nhận tiền gửi của dân, hoạt động đa năng, trong khi NHTM chưa có hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp phù hợp với phân khúc khách hàng đại chúng. Do đó, thông tư được xây dựng với định hướng tách biệt và hạn chế rủi ro đối với NH khi cho vay tiêu dùng khách hàng phi tiêu chuẩn.

Ban soạn thảo thông tư này cho rằng việc cho phép tổ chức tài chính nước ngoài, NHTM trong nước mua lại CTTC để chuyển đổi thành CTTC tín dụng tiêu dùng là giải pháp khả thi để tái cơ cấu CTTC. Mặt khác, đây cũng là giải pháp nhằm đáp ứng được nhu cầu thành lập CTTC tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tài chính nước ngoài, NHTM và đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu tổ chức tín dụng phi NH.

Theo lãnh đạo một NHTM tại TPHCM, hiện nay các CTTC của Nhà nước cần tái cơ cấu rất nhiều do hoạt động yếu kém. Các CTTC này trực thuộc tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nhưng công ty mẹ lại thoái vốn khỏi các CTTC. Có 2 cách để thoái vốn: phá sản hoặc được bán cho đơn vị khác.

Vì vậy, nếu theo quy định dự thảo thông tư trên, NHTM đứng trước 2 lựa chọn, hoặc thành lập mới hoặc mua lại các CTTC nhà nước đang được thoái vốn. Với những cách này kỳ vọng sẽ dọn dẹp được các CTTC, chuyển thành công ty cho vay tiêu dùng.

Thực tế, NH có mạng lưới nhưng đã không phát huy hết tác dụng, trong khi vẫn được phép mở thêm chi nhánh. Dự thảo thông tư có xu hướng thu hẹp phạm vi hoạt động của NH. Hơn nữa, về nguyên tắc, nếu lập CTTC công ty đó sẽ độc lập với NH, trong khi mảng bán lẻ cần quản lý nhưng công ty đó không có mạng lưới nên sẽ phải dựa vào NH.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định dự thảo thông tư đưa ra quy định này có thể do NHNN lo sợ việc tăng nợ xấu của NHTM. Bởi lẽ hiện nay các NHTM cạnh tranh đầu ra, đổ xô cho vay tiêu dùng, người vay có thể chi tiêu vung tay quá trán sau đó chây ì không trả nợ do lãi suất vay tiêu dùng cao, nên NHNN muốn gói khoản đó lại.

Nhưng nếu thành lập CTTC, nguồn đó phải lấy từ vốn chủ sở hữu sẽ gây khó cho NH. TS. Lịch cũng cho rằng đây có thể là giải pháp hướng đến 2 mục tiêu. Thứ nhất không tăng nợ xấu. Thứ 2, do doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn khỏi CTTC nên để NH mua lại, nhưng thực tế những CTTC đó không thể cho vay tiêu dùng bởi đó đang là những “con bệnh” do đang ôm nợ xấu cao.

Có nên thực thi?

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, nhìn nhận theo quy định của dự thảo thông tư, có 2 yêu cầu đặt ra đối với NHTM. Theo đó, hoặc NH không phát triển mảng bán lẻ, hoặc phải xem xét kinh doanh bán lẻ là mảng riêng biệt có rủi ro đặc thù. Nếu định hướng phát triển mảng này NH phải mua CTTC hoạt động tốt trên thị trường hoặc thành lập mới.

Việc thành lập mới đòi hỏi NH phải xây dựng từ bước đầu nhưng chủ động được. Trong khi đó việc mua lại một CTTC phụ thuộc vào mối lương duyên, vì không phải CTTC nào cũng có hoạt động cho vay tiêu dùng và không phải NH cũng muốn mua là được.

Vị tổng giám đốc này cho rằng có nhiều NH muốn mua lại CTTC nhưng hiện trên thị trường không quá 10 CTTC hoạt động tích cực mảng cho vay tiêu dùng trong số khoảng 100 CTTC đang hoạt động. Do đó, có thể sẽ tồn tại những CTTC độc lập không xuất phát từ NH sau khi thông tư được ban hành.

Thời gian qua, làn sóng các NH mua lại CTTC diễn ra khá rầm rộ. Chẳng hạn, HDBank mua lại CTTC Việt Société Générale, VPBank mua lại CTTC Than Khoáng sản. Một mô hình khác về sự kết hợp giữa CTTC và NH, như PVCombank hợp nhất từ PVFC và Western Bank. Thị trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm các thương vụ tương tự nếu SHB tìm kiếm được đối tác để mua lại, như chủ trương lãnh đạo NH này đưa ra trong đại hội cổ đông năm nay.

Vào thời điểm các thương vụ mua bán này diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng việc các NH mua CTTC nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc nhằm cứu cả 2 (như trường hợp PVFC và Western Bank). Vài năm trở lại đây, mảng bán buôn - cho vay gói lớn dành cho doanh nghiệp - đã không khả quan như trước và nợ xấu trở thành gánh nặng trong hệ thống NH. Theo số liệu NHNN, đến cuối năm 2013 cả nước có tổng số lượng thẻ phát hành của các NHTM đạt hơn 66,2 triệu thẻ, trong đó thẻ tín dụng chiếm 3,67%. Đây là hình thức cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Theo dự thảo thông tư mới chỉ có CTTC mới được phát hành thẻ này. Như vậy, sau khi thông tư này có hiệu lực, 2,5 triệu thẻ tín dụng do các NH phát hành sẽ phải “chết” hoặc chuyển đổi. Một chuyên gia trong ngành tài chính chia sẻ, ông rất bất ngờ với những quy định của thông tư này. Bởi hầu hết NH phải thay đổi chiến lược kinh doanh và sẽ phải trải qua một quá trình hết sức khó khăn.

Trong khi đó, những lý do chính đáng cho việc cấm NH không được cho vay tiêu dùng như ý kiến của ban soạn thảo rất kém thuyết phục. Chuyên gia này cho rằng nếu thông tư mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn và thêm các điều kiện cho vay tiêu dùng đối với CTTC thì có thể ủng hộ. Còn việc các NHTM thực hiện cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC tính chất của thông tư hoàn toàn khác.

Cho đến thời điểm này, vẫn còn quá sớm để dự báo một làn sóng NH ồ ạt thành lập CTTC cho vay tiêu dùng hoặc mua lại CTTC để đáp ứng những quy định mới. Tuy nhiên, nhiều NH cho biết nếu như thông tư này được thực thi, NH sẽ lựa chọn giải pháp thành lập mới thay vì mua lại các CTTC.

Các tin khác