Kết quả kinh doanh bết bát
Kết thúc quý II, công ty tài chính (CTTC) duy nhất giao dịch trên sàn chứng khoán VietCredit công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên tự lập, trong đó ghi nhận lãi trước thuế hơn 17 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Thế nhưng sau khi kiểm toán vào cuộc, kết quả kinh doanh chuyển từ lãi thành lỗ.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của VietCredit sau soát xét đã giảm 16% so với báo cáo tự lập, từ mức 582 tỷ đồng giảm xuống còn 488 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của VietCredit chuyển từ lãi hơn 17 tỷ đồng thành lỗ 73,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, một CTTC có thị phần lớn nhất thị trường ghi nhận lỗ sau thuế 2.996 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 144 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2022 lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2019, Shinhan Card được NHNN cho phép mua lại toàn bộ CTTC Prudential Việt Nam và hoạt động dưới thương hiệu Shinhan Finance. Trong 3 năm liền trước, Shinhan Finance liên tục có lãi. Cụ thể năm 2020 lãi hơn 384 tỷ đồng, năm 2021 lãi hơn 234 tỷ đồng và năm 2022 lãi sau thuế 312 tỷ đồng. Song 6 tháng đầu năm 2023, Shinhan Finance đã trượt dài trong khó khăn khi ghi nhận mức lỗ 246 tỷ đồng.
Một số CTTC khác cũng gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Năm 2022, Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei (Mcredit) đạt top 3 thị phần về quy mô (12%), sau FE Credit và Home Credit và lãi sau thuế 960 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2021. Sang nửa đầu năm 2023, Mcredit chỉ đạt 328 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 32% so cùng kỳ năm trước.
Sau nhiều năm bùng nổ, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC bắt đầu trượt dốc từ cuối năm 2022 đến nay, do rủi ro cho vay lĩnh vực này ngày càng lớn.
Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam, cho biết lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm chỉ đạt gần 211,5 tỷ đồng.
Trước đó năm 2022, lợi nhuận của công ty đạt kỷ lục với 1.189 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 2021. CTTC Cổ phần Điện lực (EVNFinance) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 160 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4 tỷ đồng, tương đương 2,4% so với cùng kỳ 2022.
Bên trong muốn thoái, bên ngoài muốn mua
Sau nhiều năm bùng nổ, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC bắt đầu có xu hướng trượt dốc trong những tháng cuối năm 2022 đến nay. Quá trình phục hồi sau Covid chậm hơn nhiều so với dự kiến, cộng với các cú bồi từ kinh tế thế giới, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp càng khó khăn.
Điều này ảnh hưởng lớn tới tài chính của các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của các CTTC, đã đẩy nợ xấu tăng mạnh. Cuối năm 2022, nợ xấu của các CTTC được cấp phép chính thức tăng 23,09% so với cuối năm 2021 và dự báo vẫn có xu hướng tăng cao.
Tình hình vẫn kém khả quan trong 6 tháng đầu năm 2023. Tại VietCredit, dư nợ tín dụng nửa đầu năm giảm 8% kéo giảm thu nhập lãi thuần. Cùng lúc, các hoạt động phi tín dụng như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán và hoạt động khác đều ghi nhận lợi nhuận giảm.
Ngược lại, nợ xấu phình to, tăng 56% so với đầu năm lên hơn 819 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 20,17%. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng hơn 2 lần, lên gần 486 tỷ đồng. Thu nhập giảm, trong khi chi phí hoạt động vẫn đi ngang, ở mức gần 275 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 6% lên hơn 397 tỷ đồng, đã đẩy CTTC này vào tình trạng lỗ. Báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của FE Credit cũng cho thấy, nguyên nhân thua lỗ do tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.
Đáng chú ý, nợ xấu của các CTTC còn có nguyên nhân do tỷ lệ khách bùng nợ ngày càng cao. Cụ thể, theo Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), chế tài với khách vay tiêu dùng chưa có, trong khi việc khởi kiện khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Đồng thời, hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTC.
Nợ xấu dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ, bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Và theo quy định, các CTTC bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Thế nên gần đây các CTTC cũng thận trọng hơn trong hoạt động cho vay tiêu dùng.
CTTC không còn “đẻ trứng vàng” dẫn đến việc NH giảm cổ phần, thậm chí thoái vốn hoàn toàn khỏi các CTTC ngày càng gia tăng. Gần đây nhất, SHB đã chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHBFinance cho NH TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản), và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký. MSB cũng đang thực hiện kế hoạch thoái vốn khỏi CTTC TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM).
Nguyên nhân của xu hướng trên được một chuyên gia tài chính chỉ ra là rủi ro về cho vay tiêu dùng cá nhân càng ngày lớn, vì phần lớn không có tài sản bảo đảm nhưng người vay chưa được chấm điểm tín dụng như các nước phát triển. Tình hình kinh doanh của các nhà băng cũng khó khăn, nợ xấu gia tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận…
Vì vậy, một số NH muốn giảm áp lực nợ xấu từ các CTTC, cũng như củng cố năng lực tài chính để tập trung vào hoạt động cốt lõi nhiều hơn.
Tuy nhiên, thị trường này lại đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử, mới đây thị trường lan truyền thông tin KBank, NH lớn thứ hai Thái Lan, đang đàm phán mua lại Home Credit Việt Nam với giá lên đến 1 tỷ USD. Sở dĩ có xu hướng bên trong muốn thoái, bên ngoài muốn mua vì nhà đầu tư nước ngoài vẫn cảm thấy dư địa phát triển thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn hấp dẫn.
Các định chế tài chính nước ngoài tự tin có công nghệ tài chính phù hợp để kiểm soát được rủi ro, và có nguồn vốn lớn đủ sức trám được sự thiệt hại nếu rủi ro tín dụng tiêu dùng tăng.