Các nước nghèo cần 2.500 tỷ USD
Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 30-3 đã phát đi lời kêu gọi gói hỗ trợ khủng hoảng Covid-9 trị giá 2.500 tỷ USD cho các nước đang phát triển. "Với 2/3 dân số thế giới sống ở các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) phải đối mặt với thiệt hại kinh tế chưa từng có từ cuộc khủng hoảng Covid-19, LHQ kêu gọi gói hỗ trợ 2.500 tỷ USD cho các quốc gia này để biến sự đoàn kết quốc tế thành hành động có ý nghĩa toàn cầu" - LHQ cho biết.
Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 30-3 đã phát đi lời kêu gọi gói hỗ trợ khủng hoảng Covid-9 trị giá 2.500 tỷ USD cho các nước đang phát triển. "Với 2/3 dân số thế giới sống ở các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) phải đối mặt với thiệt hại kinh tế chưa từng có từ cuộc khủng hoảng Covid-19, LHQ kêu gọi gói hỗ trợ 2.500 tỷ USD cho các quốc gia này để biến sự đoàn kết quốc tế thành hành động có ý nghĩa toàn cầu" - LHQ cho biết.
Theo LHQ, hậu quả của đại dịch kết hợp với suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là thảm họa đối với nhiều nước đang phát triển, ngăn chặn tiến trình của họ trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Tổng thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), ông Mukhisa Kituyi, cho biết sự sụp đổ kinh tế từ cú sốc đang diễn ra và ngày càng khó dự đoán với nhiều dấu hiệu rõ ràng rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Báo cáo cho thấy trong 2 tháng kể từ khi virus lan rộng toàn cầu, các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng rất lớn về dòng vốn, chênh lệch trái phiếu ngày càng tăng, khấu hao tiền tệ và mất thu nhập xuất khẩu, kể cả từ giá hàng hóa giảm và doanh thu du lịch giảm.
Dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế mới nổi đã chảy máu 59 tỷ USD trong vòng 1 tháng từ giữa tháng 2. Con số này cao gấp đôi số tiền rút ra từ cùng các quốc gia đó sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (26,7 tỷ USD).
Giá trị nội tệ của các nước đang phát triển so với USD cũng giảm 5-25% kể từ đầu năm nay - nhanh hơn so với những tháng đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (xem biểu đồ). Giá cả nhiều loại hàng hóa, vốn là nguồn ngoại hối chính của nhiều nước đang phát triển, cũng đã giảm nhanh chóng kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Mức giảm giá chung đã là 37% trong năm nay, theo báo cáo.
Chiến lược 4 hướng
UNCTAD ước tính nền kinh tế thế giới sẽ đi vào suy thoái trong năm nay, với dự đoán thu nhập toàn cầu mất tới hàng ngàn tỷ USD. Điều này sẽ gây ra rắc rối nghiêm trọng cho các nước đang phát triển. Với các điều kiện toàn cầu xấu đi, các hạn chế về tài chính và ngoại hối chắc chắn sẽ thắt chặt hơn nữa trong suốt năm. UNCTAD ước tính trong 2 năm tới các nước đang phát triển sẽ đối mặt với thiếu hụt tài chính 2.000-3.000 tỷ USD. Vì thế, Richard Kozul-Wright, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu hóa và Phát triển của UNCTAD, cho rằng các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết về "phản ứng toàn cầu trên tinh thần đoàn kết", nên cần phải có hành động tương xứng với 6 tỷ người sống bên ngoài các nền kinh tế G20.
Trước cơn "sóng thần tài chính" đã hiển hiện, UNCTAD đề xuất một chiến lược gồm 4 phần để biến sự đoàn kết quốc tế thành hành động cụ thể. Đầu tiên, khoản 1.000 tỷ USD sẽ được tung ra. Đây là một dạng "tiền trực thăng" dành cho những người bị bỏ lại phía sau, thông qua việc tái phân bổ Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) hiện có tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thứ hai, khoảng 1.000 tỷ USD nợ của các nền kinh tế đau khổ sẽ được xóa bỏ trong năm nay. Theo đó, việc đóng băng nợ sẽ được tiến hành ngay đối với các khoản thanh toán nợ có chủ quyền và sau đó là giảm nợ đáng kể. Việc này được một cơ quan độc lập giám sát.
Thứ ba, kế hoạch Marshall để phục hồi sức khỏe cho các nền kinh tế mới nổi sẽ được tài trợ từ một số hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã được hứa hẹn từ lâu nhưng chưa được các đối tác phát triển thực hiện. UNCTAD ước tính điều này sẽ giúp có thêm 500 tỷ USD, phần lớn dưới dạng các khoản tài trợ, được dành cho các dịch vụ y tế khẩn cấp và các chương trình cứu trợ xã hội liên quan. Cuối cùng, việc kiểm soát vốn nên được đặt vào vị thế hợp pháp ở bất kỳ chế độ nào để ngăn chặn sự gia tăng của dòng vốn, giảm bán tháo ở các thị trường đang phát triển và để ngăn chặn sự sụt giảm của giá tiền tệ và tài sản.
Nhà giàu cũng khóc
Nhà giàu cũng khóc
Tuy nhiên, các nước giàu hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng "ốc không mang nổi mình ốc". Ở nhiều quốc gia - bao gồm Canada, Mỹ, Đức và Anh - các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra các chương trình kích thích lớn để giúp duy trì các nền kinh tế bị tấn công bởi Covid-19. Để tài trợ cho hơn 5.000 tỷ USD trong các gói cứu trợ, các chính phủ đang phát hành các khoản nợ rất lớn.
Theo ông Gavyn Davies, Chủ tịch của Fulcrum Asset Management tại London, tỷ lệ nợ công trên GDP toàn cầu sẽ tăng 10-20%. Ở Canada, một động thái lớn như vậy sẽ đẩy nợ chung của chính phủ, bao gồm cả vay liên bang và tỉnh, lên khoảng 100% GDP, trong khi ở Mỹ tăng trên 120%.
Câu hỏi đặt ra là liệu thế giới có thể đủ khả năng cho các khoản vay mới này? Câu trả lời tại thời điểm này là có. Chừng nào lãi suất vẫn còn thấp và các nền kinh tế có thể hoạt động lại gần mức bình thường trong vòng vài tháng, các nước phát triển có thể chịu đựng được.
Hầu hết sẽ vẫn còn ít nợ hơn so với Nhật Bản, nơi trong nhiều năm qua đã duy trì mức độ vay mượn công cộng ở mức cao, với nợ chính phủ vượt quá 200% GDP. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu thế giới không trở lại bình thường trong vòng 6 tháng? Nếu vậy, các chính phủ sẽ phải tiếp tục chi tiêu lớn để cung cấp oxy cho nền kinh tế hôn mê vì đại dịch. Nếu điều đó xảy ra, các quốc gia có đủ khả năng nhận thêm nợ?
Các nhà phân tích tại Bank of America mô tả gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3 chỉ là mức "tối thiểu". Scott Minerd, Giám đốc đầu tư tại Guggenheim Partners, cho rằng sẽ cần nhiều hỗ trợ hơn cho nền kinh tế Mỹ.
Với Canada cũng vậy khi việc giãn cách xã hội đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, hơn 2 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong nửa cuối tháng 3. Trong khi đó, tại Mỹ gần 10 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp trong 2 tuần cuối tháng 3. Các nhà dự báo khu vực tư nhân tin rằng sản lượng kinh tế trong quý II sẽ giảm 15-35% so cùng kỳ ở Canada và Mỹ. Đây sẽ là đợt suy thoái sâu hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Capital Economics cảnh báo sự suy giảm toàn cầu sẽ mạnh và sâu nhất kể từ thế chiến thứ 2. Nhà kinh tế học của Đại học Harvard, ông Kenneth Rogoff, thậm chí còn đi xa hơn khi nói chiều sâu của suy thoái toàn cầu có thể tồi tệ hơn bất cứ điều gì trong thế kỷ rưỡi qua. Thí dụ, tại Mỹ, thâm hụt liên bang sẽ đạt 13% GDP trong năm nay.
Con số này vượt xa kỷ lục 9,8% xảy ra trong những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Trong khi tại Canada, các chương trình tài chính đã được chính phủ công bố lên tới 13% GDP. Stephen Brown, chuyên gia kinh tế cao cấp của Canada tại Capital Economics, cho biết có tới 10% trong số 13.330 nhà hàng Canada trả lời cuộc khảo sát gần đây nói họ sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 3 và hơn 18% cho biết có khả năng sẽ ngừng hoạt động trong tháng 4.
UNCTAD ước tính nền kinh tế thế giới sẽ đi vào suy thoái trong năm nay, với dự đoán thu nhập toàn cầu mất tới hàng ngàn tỷ USD, đẩy thế giới vào vòng xoáy nợ. |