Gần 2/3 số người được hỏi, trong đó có 57% là người Mỹ, cho rằng nhiệm vụ cần được ưu tiên của chính phủ hiện nay là phục hồi kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.
Cơ hội và chi phí
Phát triển bền vững thông qua những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu có lẽ là một trong số những điều tốt mà dịch Covid-19 đã mang lại cho nhân loại. Theo các nhà khoa học dự án Carbon toàn cầu (GCP), những ngày tháng 4 và 5 vừa qua là thời điểm đáng nhớ, khi mà các quốc gia chiếm tới 89% lượng khí thải nhà kính trên thế giới đều ở trong tình trạng giãn cách xã hội.
Lượng carbon dioxide (CO2) phát thải trong ngày cao điểm phong tỏa đó thấp hơn 17% so với mức trung bình của năm 2019. Đó là sự khác biệt rất lớn, giúp giảm hơn 11 triệu tấn CO2. Một con số không tưởng đối với các nhà hoạt động môi trường, nếu như không có đại dịch Covid-19.
Nhưng với việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng, văn phòng và nhà máy, đóng cửa biên giới, ngăn chặn dòng người đi du lịch… khiến cái giá phải trả là quá đắt, trong khi lượng giảm phát thải này mặc dù rất lớn vẫn không đủ để thay đổi căn bản tình trạng nóng lên toàn cầu. Hơn thế nữa, các biện pháp được áp dụng để đối phó với Covid-19 trong giai đoạn ngắn không tác động nhiều đến chiến dịch chống biến đổi khí hậu cần chung sức hàng thập niên.
Nhưng những giải pháp về tài chính chống dịch Covid-19 mang lại những gợi ý cho các nhà hoạt động môi trường. Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chỉ ra rằng trong một khoảng thời gian rất ngắn, các chính phủ đã có thể huy động và điều hướng hàng ngàn tỷ USD chống dịch. Nếu chỉ một phần nhỏ trong số đó dành cho ứng phó biến đổi khí hậu, cục diện môi trường đã khác.
Ý tưởng này không phải là mới. Những đề nghị tương tự đã được nêu ra từ cách đây hàng chục năm, khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng đưa thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2007-2009. Khoảng 1/8 số tiền trong gói kích thích kinh tế được giải ngân theo Đạo luật Tái thiết và Tái đầu tư (ARRA) của Mỹ, tương đương khoảng 90 tỷ USD, đã được dành cho các khoản vay đầu tư vào năng lượng sạch.
Khoản đầu tư này có cả thành công lẫn thất bại. Thất bại điển hình như khoản tiền 535 triệu USD được rót vào Solyndra, một công ty chuyên về pin mặt trời hình trụ. Công ty này bị phá sản ngay sau đó. Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay còn lại đã được hoàn trả, trong đó có khoản tài trợ cho nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Tesla.
Nhờ quả “trứng mồi” ban đầu đó, 150 tỷ USD đầu tư tư nhân tiếp tục chảy vào lĩnh vực năng lượng sạch từ 2009-2012, tạo nên những “vụ mùa bội thu” cho ngành năng lượng gió của Mỹ và mở đường cho những tiến bộ lớn về sau này.
Lợi điểm “xanh hóa”
Lợi điểm “xanh hóa”
Mặc dù, lượng khí thải của Mỹ không tăng nhanh như dự kiến không bởi những nỗ lực “xanh hóa”, mà phần lớn nhờ áp dụng công nghệ fracking dầu mỏ (công nghệ nứt vỡ thủy lực, chiết xuất khí thiên nhiên từ đá phiến), một thay thế có lợi hơn nhiệt điện than. Nhưng năng lượng tái tạo đã bắt đầu tỏ ra có ưu thế trong những năm sau đó. Nó đã giúp kiềm chế lượng phát thải toàn cầu trong giai đoạn 2014-2016 và 2018-2019.
Năng lượng tái tạo hiện nay rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch ở nhiều khu vực trên thế giới. Thêm vào đó, công nghệ lưu trữ năng lượng đã được cải thiện đáng kể. Pin của xe chạy điện là một thí dụ. Nhờ tính ứng dụng cao của các thế hệ pin mới, chính phủ Anh đang cân nhắc triển khai một mạng lưới khổng lồ các cơ sở sạc điện dành cho xe hơi.
Giờ đây, trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp gia tăng như một hậu quả không mong muốn của dịch Covid-19, năng lượng tái tạo lại có thêm một điểm cộng. Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dành nhiều ưu ái cho các công ty năng lượng hóa thạch hơn là năng lượng tái tạo, một loạt các Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa của các bang có ngành công nghiệp năng lượng sạch (nhất là điện gió) đã thuyết phục được Bộ Tài chính Mỹ xem xét mở rộng các chương trình ưu đãi thuế cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo đang bị đình trệ vì dịch bệnh.
Ở Pakistan, những người thất nghiệp đang được huy động làm việc cho một chương trình trồng cây vốn đã được phát động từ trước cuộc khủng hoảng. Tác động đến biến đổi khí hậu của chương trình này có thể không cao; nhưng đó là một cách làm hay, có thể áp dụng cho rất nhiều nhân công trong các ngành dịch vụ trên khắp thế giới đang mất việc hoặc thiếu việc làm mà không cần mất nhiều thời gian và chi phí đào tạo.
Thật mừng là năng lượng tái tạo đã được quan tâm hơn. Thỏa thuận Paris năm 2015 yêu cầu các bên ký kết xây dựng kế hoạch giảm phát thải có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng đặt mục tiêu cao hơn nữa tại một hội nghị thượng đỉnh lớn khác, do Anh và Italia đồng tổ chức, dự kiến ban đầu diễn ra trong năm nay, nhưng do dịch Covid-19 nên đã lùi sang năm 2021.