Hàng quán lấn chiếm vỉa hè nhiều quá thể nào chủ quán cũng gãi đầu, gãi tai: Tết mà! Nhân viên đi làm trễ, học sinh quên làm bài, cho đến giá cả hàng hoá dịch vụ tăng đột ngột đều có thể hoá giải một cách dễ dàng bằng câu thần chú: Tết mà!
Người nói cứ nói, người nghe dù có tức anh ách không đồng ý vẫn phải chấp nhận vì tự nhủ: “Thôi, Tết mà!”. Ngày Tết tự nhiên người ta dễ dãi, rộng lượng và thứ tha hơn, dù muốn hay không.
Nhưng câu đó giờ cũng xưa rồi, sắp tới có câu thần chú mới, hay ho hơn, “trendy” hơn: Covid mà! Cụm từ đó bây giờ nghe dễ cảm thông, thấu hiểu nhau hơn, vì ai cũng thấy hoàn cảnh của chính mình trong đó. Covid bùng nổ đã tạo ra một cú sốc bất định nhất trong lịch sử kinh tế học cho đến bây giờ.
Không có chính sách nào là hoàn toàn đúng hoặc sai trong bối cảnh Covid, không Chính phủ nào có đủ kinh nghiệm để biết phải làm gì và làm như thế nào. Covid không chỉ tác động lên cả phía cung lẫn cầu của nền kinh tế, nó còn gây ra một tác hại ghê gớm hơn, gieo rắc sự sợ hãi.
Người lao động sợ mất miếng cơm manh áo, người khá giả hơn thì sợ nhiễm bệnh, đe dọa mạng sống. Doanh nghiệp vừa sợ bị quy trách nhiệm để dịch bệnh lây lan, không thực hiện giãn cách nghiêm túc, nhưng cũng sợ toàn bộ cơ ngơi làm lụng cả đời tan tành trong phút chốc nếu như chấp nhận dừng hoặc hạn chế hoạt động. Chính quyền các cấp loay hoay giữa y tế và kinh tế.
Sự nguy hiểm của dịch bệnh đã quá rõ, nhưng cách ly xã hội để chống dịch thì những tổn thất về kinh tế đôi khi còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh. Ở cấp cao nhất, Chính phủ lo sợ một ngân sách eo hẹp và một hệ thống y tế công cộng không quá tốt sẽ rất mạo hiểm, nếu lựa chọn đương đầu với đại dịch Covid-19. Và cuối cùng, sự sợ hãi đã chiến thắng.
Chính vì sợ hãi mà chúng ta đã chống dịch rất thành công. Chúng ta đã chấp nhận tạm dừng hệ thống kinh tế một cách nhanh chóng và dứt khoát trong khi cả thế giới còn đang nao núng, phân vân. Chúng ta đã tin rằng chống dịch thành công, bảo vệ được mạng sống cộng đồng rồi sẽ xây dựng lại một nền kinh tế tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn.
Và cụm từ “trạng thái bình thường mới” đã được sử dụng để nuôi dưỡng hy vọng và lòng tin trong sợ hãi. Trong khi chẳng ai biết cái trạng thái bình thường mới đó thực sự là gì! (?)
Thật ra thì cụm từ “bình thường mới” (new normal) đã được các nhà kinh tế người Mỹ đề cập lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, để ngụ ý rằng người Mỹ nên quen với một hiện thực là từ nay các hoạt động kinh tế sẽ chậm lại, tăng trưởng thấp và thất nghiệp sẽ luôn duy trì ở mức cao hơn so với điều kiện trước khi khủng hoảng xảy ra.
Đến năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa dùng cụm từ này để nói rằng, nền kinh tế Trung Quốc từ nay sẽ hoạt động ở một trạng thái bình thường mới khi tăng trưởng GDP của năm 2014 chỉ có 7%, so với mức tăng trưởng luôn duy trì ở hai con số trong giai đoạn trước đó.
Vậy hóa ra, bình thường mới là một cái gì đó tệ hơn, kém thuận lợi hơn so với “bình thường cũ”, và mọi người được kêu gọi hãy làm quen với hoàn cảnh khó khăn thực tại và cố gắng hơn chứ không phải cứ nuối tiếc một thời hoàng kim đã qua đi.
Trong khi đó chúng ta đã lắt léo từ ngữ khi kêu gọi mọi người hãy thiết lập trạng thái bình thường mới như thể sau dịch sẽ là một tương lai tốt đẹp hơn. Không biết có mấy ai quan tâm đến cụm từ “trạng thái bình thường mới” hay không, trong khi cơm-áo-gạo-tiền bủa vây tứ phía, dịch bệnh thì vẫn còn ám ảnh và các hoạt động kinh tế cho đến lúc này vẫn còn chưa được như lúc “bình thường cũ”.
Trong khi đó, những gói kích thích kinh tế, hỗ trợ người lao động yếu thế, giúp đỡ doanh nghiệp... nghe nói chỉ có trên tivi!
Trong khi đó, mặc dù toàn dân được kêu gọi thiết lập trạng thái bình thường mới thì cơ chế, chính sách và các hoạt động thực thi vẫn còn rất cũ. Các trụ cột và giải pháp thúc đẩy kinh tế tuy được thiết kế nhanh chóng, toàn diện và quyết liệt, nhưng đến khi thực hiện vẫn phải chờ hướng dẫn, thủ tục ban hành.
Vẫn còn nguyên đó căn bệnh sợ trách nhiệm và lợi ích nhóm. Mua sắm tài sản công, thậm chí trong lúc dầu sôi lửa bỏng vẫn bị kê giá, đội giá và nảy sinh tiêu cực. Sự thiếu nhất quán trong tham mưu và hoạch định chính sách giữa các bộ, ngành vẫn tiếp tục gây phiền hà và thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nên thay vì thiết lập trạng thái bình thường mới, người dân tự an ủi nhau: Covid mà! Nghe dễ hiểu và gần gũi hơn. Chắc chắn không phải vì bình thường mới mà người ta thành lập các điểm phát gạo miễn phí mà bởi vì để cho bà con nghèo không bị đói. Doanh nghiệp cũng đã tự tìm cách hỗ trợ người lao động và giải pháp để thích nghi trước khi các gói cứu trợ đến nơi và Chính phủ kêu gọi chuyển đổi số.
Tết đến rồi, không biết có còn ai nhớ đến cụm từ bình thường mới đó nữa hay không? Chỉ biết sang năm con Trâu, người ta bảo nhau phải cày bừa nhiều hơn để bù đắp cho những mất mát trong năm cũ. Người người làm việc, nhà nhà bươn chải nên nếu lỡ có va chạm hay xung đột thì cũng vì câu “Covid mà” để hiểu và tha thứ cho nhau, nương tựa vào nhau.
Và cũng chỉ mong sao những chính sách tác động trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh của bà con lao động cũng thấu hiểu và đồng cảm như câu nói trên để khoan thư sức dân nhiều hơn, để những cái giúp dân, có ích cho dân không chỉ thấy trên tivi ngày Tết!