Các mặt hàng cung cấp năng lượng cho nhà ở và nhiên liệu cho ô tô đều tăng cao trong những tháng gần đây. Và, thông báo bất ngờ trong tuần trước về việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã gây chấn động thị trường, nhưng triển vọng chung hầu như không thay đổi đáng kể.
Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược châu Á tại Mizuho Bank cho biết, ngay cả khi giá dầu tăng lên 100 USD/thùng vào đầu năm 2024, thì áp lực lạm phát chung dựa trên giá dầu sẽ giảm bớt do giá dầu trong năm ngoái thậm chí còn ở mức cao hơn. Giá dầu đã ở mức trung bình 97,90 USD/thùng trong quý I/2022, cao hơn nhiều so với mức 82,16 USD/thùng trong quý I/2023.
Giá dầu Brent và WTI hồi phục mạnh trong thời gian gần đây. |
Trước khi OPEC+ cắt giảm sản lượng, giá dầu đã ghi nhận tháng giảm thứ năm liên tiếp và cũng là mức giảm mạnh nhất trong quý đầu tiên kể từ năm 2020, do cuộc khủng hoảng ngân hàng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đè nặng lên các hợp đồng tương lai. Giá khí đốt tự nhiên cũng đã giảm, trong khi giá của các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và điện cũng giảm tương tự.
Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của S&P Global Ratings cho biết: “Năm nay, giá năng lượng tăng sẽ ít trở thành vấn đề hơn so với năm ngoái, đồng thời ít gây thêm áp lực đối với lạm phát và sức mua rộng lớn hơn”.
Tại châu Á, các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn và kiểm soát lạm phát tốt hơn trong năm nay và năm tới. Nếu loại trừ Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo lạm phát của khu vực châu Á là 6,2% trong năm nay và 4,5% vào năm 2024, giảm từ mức 6,7% vào năm 2022. Các nền kinh tế phát triển cũng đang có xu hướng tương tự, với lạm phát của Hàn Quốc và Nhật Bản đang chậm lại. Lạm phát ở châu Âu cũng đang giảm bớt tương tự, ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine hiện đã bước sang năm thứ hai.
“Chi phí năng lượng thường đóng góp từ 5%-15% vào lạm phát chung. Khi giá dầu tăng lên mức kỷ lục mới sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, tỷ lệ đó đã tăng hơn gấp đôi đối với nhiều quốc gia”, Giovanni Bruni, người đứng đầu nhóm nghiên cứu chuyên sâu về năng lượng của McKinsey & Co. tại châu Á từ cho biết.
Nhưng một yếu tố quan trọng trong phương trình lạm phát là không có mối quan hệ trực tiếp giữa giá dầu tiêu chuẩn quốc tế và số tiền thực tế mà người tiêu dùng phải trả. Chẳng hạn, giá nhiên liệu cho phương tiện giao thông của Mỹ đang giảm trở lại so với đà phục hồi của dầu sau khi OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng do những bất ổn về nhu cầu đè nặng lên thị trường trước mùa lái xe mùa hè.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã báo hiệu quan điểm đó trong tuần qua và khi được hỏi về động thái của OPEC+, ông cho biết: “Mọi chuyện sẽ không tệ như bạn nghĩ đâu”. Đó là một sự thay đổi so với tháng 10, khi chính quyền Biden chỉ trích Ả Rập Xê Út vì đã ủng hộ việc cắt giảm sản lượng vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, ngay cả khi giá năng lượng nói chung giảm so với mức cao nhất của năm ngoái, vẫn có nhiều khía cạnh khác của lạm phát khiến việc tăng giá trở nên khó khăn.
Chiến lược gia Vishnu Varathan cho biết, chi phí cho các dịch vụ có xu hướng “cố thủ và tự củng cố” hơn rất nhiều, trong bối cảnh các doanh nghiệp có tâm lý miễn cưỡng điều chỉnh giảm giá. Chi phí lao động cũng làm tăng thêm áp lực về giá, trong khi giá thực phẩm và hàng hóa lâu bền vẫn là một phần của phương trình tính lạm phát.
Ngoài ra là rủi ro gián tiếp có thể gây áp lực lên giá cao hơn.
“Nếu giá dầu mỏ tiêu chuẩn tăng lên, các doanh nghiệp có thể tăng giá để bù đắp cho sự không chắc chắn”, chiến lược gia Vishnu Varathan cho biết.
Vào thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ lạm phát có thể đi về đâu trong dài hạn nếu giá dầu tăng cao hơn dự kiến. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) St. Louis, James Bullard cho biết vào tuần trước rằng đó là một “câu hỏi mở” liệu việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có tác động lâu dài hay không.
Kỳ vọng về việc tăng giá dầu đã hình thành trên thị trường trước cú sốc cắt giảm từ OPEC+, một phần dựa trên tác động từ việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới từ bỏ chính sách Zero Covid vào cuối năm ngoái.
Thành công hay thất bại của Trung Quốc trong việc khởi động lại tăng trưởng kinh tế cuối cùng có thể ảnh hưởng lớn hơn đến việc cắt giảm của OPEC+ với tư cách là động lực lớn nhất của lạm phát do năng lượng.
“Nếu chúng ta xem xét một số mặt hàng, chúng ta có thể gặp phải tình trạng thắt chặt thị trường và biến động giá cả khi Trung Quốc mở cửa trở lại dẫn đến nhu cầu cao hơn”, chiến lược gia Giovanni Bruni cho biết.