Ra ngõ gặp CHTL
Gần một năm qua, số lần đi chợ hàng ngày của chị Lan Hương (quận Gò Vấp, TPHCM) đã giảm hẳn, chị cũng ít đi các siêu thị lớn, mà thay vào đó chọn mua sắm ở các CHTL ngay xung quanh nhà. Chỉ trong bán kính chừng vài km với 3 cung đường Lê Văn Thọ - Nguyễn Văn Khối - Phạm Văn Chiêu có đến cả chục CHTL của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước như Coopfood, Coop smile, Bách hóa Xanh, Vissan, Satra food, Familymart, Vinmart…
Thậm chí các nhà bán lẻ trong nước còn mở 2-3 CHTL rất gần nhau trong 3 cung đường này. Theo chia sẻ của chị Hương, ngoài việc “tiện” do chỉ bước ra ngõ có thể vào ngay bất cứ cửa hàng nào vào bất cứ thời điểm nào, thì một yếu tố “lợi” không kém phần quan trọng chính là mua ở đây cảm thấy an tâm về chất lượng, đặc biệt trong CHTL nước ngoài có những món hàng nhập mà cửa hàng bách hóa hay chợ thường không bán.
Tăng trưởng độ phủ rất khác với tăng trưởng lợi nhuận. Trong khi điểm đến cuối cùng của nhà kinh doanh vẫn là lợi nhuận, nếu thua lỗ quá nhiều thì họ sẽ không tiếp tục nhảy vào. Đó là chưa muốn nói khi phải đóng cửa bớt cửa hàng của mình thì cũng phần nào ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của nhà bán lẻ đó trong mắt người tiêu dùng. Ông PHẠM VIỆT ANH, Chủ tịch HĐTV Công ty Left Brain Connectors |
Thực tế nếu có đi dạo nhiều con đường ở TPHCM, dễ thấy cảnh nhiều CHTL cùng mọc lên san sát. Như tại đường Bùi Viện-Đề Thám (quận 1) có tới 3 cửa hàng Circle K và khá nhiều các tên tuổi khác như Familymart, B’mart, Mini Stop… Đi xa khỏi quận 1 tới các quận như Bình Thạnh ở khu vực đường D2, nơi tập trung nhiều trường đại học cũng có rất nhiều các CHTL với thực đơn phong phú, thay đổi theo ngày thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên.
Hay qua quận 7, khu dân cư Phú Mỹ Hưng cũng là điểm đến của nhiều nhà bán lẻ với các chuỗi CHTL không cách nhau bao xa. Những cái tên mới như 7-Eleven hay GS25 với vốn lớn sẵn sàng thuê mặt bằng với giá cao ở các quận trung tâm.
Lý giải vì sao có những con đường trở thành “miền đất hứa” với các chuỗi CHTL, chuyên gia thương hiệu Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Left Brain Connectors, chia sẻ: “Nguyên tắc đặt điểm bán lẻ phụ thuộc vào các yếu tố như mật độ dân cư, hành vi mua sắm của người tiêu dùng tại những khu vực đó.
Ví như tại khu vực Bùi Viện-Đề Thám, số lượng khách du lịch nước ngoài đông, đây lại là lượng khách thích mua hàng tại các CHTL vì sự minh bạch và thân thiện, nên số lượng cửa hàng sẽ nhiều. Hay như tại đường D2 tập trung nhiều khách hàng trẻ, tiềm năng thích trải nghiệm không gian mua sắm, ăn uống tại các CHTL.
Tương tự, mật độ dân cư ở Gò Vấp hiện cũng đang tăng nhanh chóng, nên đây cũng là nơi sẽ có mặt thêm nhiều CHTL, nhưng chủ yếu theo dạng cửa hàng thực phẩm tiện lợi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khu vực này.
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, nếu như cuối năm 2014, TP mới chỉ có 326 CHTL thì đến tháng 3 năm nay con số này đã tăng gấp 3,5 lần, lên 1.144 cửa hàng, con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao trong những thời gian tới, vì các nhà bán lẻ cả nội lẫn ngoại đều đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng, và TPHCM vẫn là nơi tập trung đến 70% chuỗi CHTL trên cả nước.
Thảm đỏ trải nhưng vào không dễ
Thảm đỏ trải nhưng vào không dễ
Tham vọng của nhà bán lẻ nào cũng lớn, những con số vài trăm đến vài ngàn cửa hàng khiến cho bức tranh tưởng như chỉ toàn những gam màu sáng. Song thực tế, đến thời điểm hiện tại không phải doanh nghiệp nào cũng hoạt động hiệu quả, đã có những nhà bán lẻ phải thu hẹp chuỗi, có doanh nghiệp không muốn đầu tư thêm bởi lỗ quá nhiều, cũng có cả “ông lớn” đang đi những bước chậm hơn trong kế hoạch mở chuỗi của mình. Đơn cử như chuỗi bán lẻ Vissan đã phải đóng cửa 60 cửa hàng trong số 100 CHTL mà doanh nghiệp này đang sở hữu.
Mua nhanh, mua tiện, mua bất cứ khi nào sẽ là mong muốn của người tiêu dùng tương lai. Do vậy, nhà bán lẻ nào còn tiếp tục trụ vững sau những thách thức sẽ được hưởng quả ngọt. Bởi giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD vào năm 2020. Dự báo của Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) |
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, lý do phải đóng cửa nhiều vì hoạt động không hiệu quả, khách đến mua không nhiều. Mặt khác, mặt bằng của những cửa hàng này đi thuê nên khi tái ký chủ nhà tăng giá cao nên công ty phải đóng cửa. Một nhà bán lẻ nội khác cũng phải giảm bớt kế hoạch của mình xuống còn một nửa chính là Bách Hóa Xanh.
Trước đó, kế hoạch của doanh nghiệp này mở 1.000 điểm bán trong năm 2018. Với kinh nghiệm mở hàng loạt khi kinh doanh các mặt hàng điện thoại, điện máy nhiều người cũng đặt niềm tin chuỗi này có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Song chỉ ít lâu sau, kế hoạch đã được rút xuống còn 500.
Doanh nghiệp trong nước gặp khó, doanh nghiệp nước ngoài cũng không khá hơn dù luôn được đánh giá giàu tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm bán lẻ tại nhiều quốc gia, đã có các chuỗi thành công…
Cụ thể như Familymart - một thương hiệu bán lẻ lớn của Nhật Bản, từng đặt mục tiêu có 1.000 CHTL ở Việt Nam vào năm 2020, nhưng đến nay chưa tới 200 cửa hàng tại TPHCM và các tỉnh/thành khác. Lãnh đạo tập đoàn bán lẻ này còn cho hay sẽ không tiếp tục đầu tư vì thua lỗ do chi phí mặt bằng cao, khách hàng ít, họ phải đóng cửa một số cửa hàng tại Việt Nam do thua lỗ.
CHTL đang là cuộc cạnh tranh giữa các đại gia nội - ngoại, và yếu thế sẽ dần bị loại.
Một nhà bán lẻ nữa cũng được nhắc nhiều trong thời gian qua chính là 7- Eleven. Còn nhớ ngày cửa hàng 7-Eleven đầu tiên khai trương, khách phải xếp hàng dài chờ vào mua. Chuỗi này cũng hướng tới việc có 100 cửa hàng trong 3 năm đầu tiên, nhưng đến nay sau hơn 1 năm có mặt số cửa hàng chưa chạm mốc 20, và cũng không nghe nói các kế hoạch tiếp sau sẽ như thế nào.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, trong ngành bán lẻ các doanh nghiệp phải trường vốn, chấp nhận lỗ trong vài năm đầu tiên để mở rộng chuỗi, nhất là trong cuộc đua hiện nay để có được mặt bằng đẹp phải chấp nhận giá cao hơn. Song không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận được việc thua lỗ kéo dài nên mới có trường hợp các doanh nghiệp phải đóng cửa bớt, hoặc chậm lại tốc độ mở cửa hàng mới.
Ông Phạm Việt Anh nhìn nhận, hầu hết các chuỗi mới khi xâm nhập thị trường đều có mục tiêu khá tham vọng, tuy nhiên theo thời gian tốc độ sẽ chậm dần, bởi họ phải tính hiệu quả trên từng điểm bán.
Xu hướng tương lai
Xu hướng tương lai
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, CHTL là mô hình của tương lai, thời điểm này người tiêu dùng đang bắt đầu dịch chuyển xu hướng mua sắm, và chắc chắn vài năm tới sự dịch chuyển này sẽ mạnh mẽ hơn. Cụ thể với những mô hình gia đình trẻ, người phụ nữ vừa phải đảm đương việc nhà, vừa lo việc cơ quan sẽ ưu tiên các hình thức mua sắm tiện lợi, an toàn.
Rồi một thế hệ tiêu dùng mới 9x, 10x cũng sẽ là lượng khách hàng tiềm năng của CHTL. Đó là chưa kể du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển, khách quốc tế đến ngày một nhiều hơn. Họ cũng chính là những khách hàng đầy triển vọng của các CHTL tương tự như các mô hình ở Thái Lan, Đài Loan… nơi khách du lịch có thể mua mọi thứ trong CHTL.
Một nghiên cứu khác của Hãng tư vấn A.T.Kearney (Hoa Kỳ), cũng chỉ ra rằng Việt Nam vẫn đang đứng thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, trong đó CHTL và siêu thị mini vẫn đang có mức tăng trưởng nóng.
Tuy nhiên, để có thể phát triển mạnh mẽ, các CHTL phải tiện lợi đúng nghĩa. Ngoài việc có mặt trên nhiều cung đường giúp người mua cảm thấy tiện lợi khi có thể ghé vào bất cứ khi nào, bất cứ thời điểm nào trong ngày, cũng như tạo những không gian thoải mái cho khách hàng, thì còn rất nhiều yếu tố khác cần được tính tới.
Như chuyện giá cả, hiện đây chính là một trong những rào cản mà người tiêu dùng còn ngần ngại khi lựa chọn giữa cửa hàng tạp hóa hay CHTL. Nếu bán giá cao hơn phải đảm bảo được yếu tố chất lượng và tính phong phú của hàng hóa. Nếu điều này đảm bảo tốt sẽ thu hút được nhiều người tiêu dùng trẻ hơn, người ta có thể chấp nhận chi ra một khoản tiền cao hơn để mua được món đồ không phải chỗ nào cũng bán.
Ngoài ra, thái độ phục vụ của nhân viên cũng là yếu tố quyết định thành bại của chuỗi CHTL. Khi khách hàng thực sự được coi là “thượng đế” chẳng lý gì họ lại chọn mua chỗ khác…
Saigon Coop đặt mục tiêu mở thêm 170 Coop food; 150 Coop Smile; 50 Cheers trong năm 2018. Bách Hóa Xanh cũng hướng tới 500 cửa hàng trong năm nay. Các chuỗi ngoại nhất là những cái tên mới, cũng không nằm ngoài cuộc đua mở chuỗi này với những kế hoạch dài hơi, như 7-Eleven hướng tới 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới, hay GS25 ngay khi vào Việt Nam đã chia sẻ kế hoạch có 2.500 cửa hàng trong 10 năm nữa…. |