Dệt may chưa thể lạc quan
Nhiều năm liền dệt may luôn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch tăng trưởng đều qua mỗi năm. Thế nhưng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may chỉ dự kiến đạt khoảng 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với 2019, tương đương giảm gần 10%.
Đầu năm khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Khi có nguyên liệu doanh nghiệp lại tắc đầu ra do dịch bùng phát ở những thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dịch bùng phát mạnh, thu nhập giảm, người tiêu dùng ưu tiên mua thực phẩm, thuốc men hơn là quần áo, giày dép. Những sản phẩm chiến lược của ngành dệt may như sơ mi, veston giảm tới 80% sức tiêu thụ. Để xoay chuyển nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua làm khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế… nhưng cũng chủ yếu để duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động trong ngành.
Bước qua năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở các thị trường chính là Mỹ, châu Âu, ngành dệt may chưa thể lạc quan. Giả sử dịch có thể được kiểm soát sớm nhờ vaccine, nhưng với mức thu nhập chưa ổn định người tiêu dùng sẽ chưa ưu tiên cho các mặt hàng thời trang. Đó là lý do ngành dệt may đưa ra dự báo kim ngạch khá khiêm tốn khoảng 37-38 tỷ USD (tương đương năm 2019).
Dù vậy cũng có những điểm sáng của năm 2021 để doanh nghiệp kỳ vọng. Theo chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, Việt Nam có thuận lợi trong việc kiểm soát dịch bệnh tốt nên khách hàng cũng yên tâm hơn, nên khi thị trường phục hồi sẽ ưu tiên dành đơn hàng nhiều hơn cho Việt Nam. Đến nay các đơn hàng cho quý I-2021 tương đối ổn.
Nói về những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà gần nhất là FTA Việt Nam với EU (EVFTA), ông Hồng cho rằng dù Việt Nam và Hàn Quốc đã triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải nhưng cũng không nên quá lạc quan. Lý do Việt Nam hiện nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc chưa nhiều, giá cả nguyên liệu cũng cao hơn nên giá thành bán ra có thể sẽ khó cạnh tranh, dù được giảm thuế theo cam kết.
Còn với RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực), ngành dệt may có thể mở ra thị trường lớn với mức cam kết ít khắt khe hơn. Tuy nhiên, hiện RCEP mới chỉ được ký kết còn chờ các quốc gia phê chuẩn trước khi có hiệu lực, nên cơ hội có thể chưa đến ngay trong năm 2021.
Thủy sản kỳ vọng tăng trưởng 10%
Thủy sản kỳ vọng tăng trưởng 10%
Theo báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản trong quý I và II-2020 liên tục giảm so với cùng kỳ 2019; trong đó giảm sâu nhất trong tháng 3 với mức giảm 48% và tháng 5 là 16% - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu và Mỹ.
Dịch không chỉ làm nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm còn khiến việc xuất khẩu tắc nghẽn ở một số thị trường vì kiểm dịch. Thí dụ tại Trung Quốc, hàng năm từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 1 là thời điểm doanh nghiệp nước này tăng nhập khẩu hàng thủy sản chuẩn bị cho tết âm lịch, nhưng năm nay số lượng đơn hàng sang Trung Quốc giảm đáng kể.
Nước này đang siết chặt kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu với lý do ngăn dịch, đã khiến chi phí lưu công, kiểm hàng lên tới 2.000-3.000USD/container, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu.
Hiện xuất khẩu tôm đang có mức tăng trưởng ổn định, dự báo năm 2020 toàn ngành sẽ về đích với mức 8,58 tỷ USD (tương đương năm 2019). Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm 2021 tăng 10%, đạt trên 9,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng trưởng nhanh nhất (tăng 15% đạt 4,4 tỷ USD); cá tra sẽ phục hồi (với mức tăng 5% đạt khoảng 1,6 tỷ USD); các mặt hàng hải sản dự báo đạt 3,4 tỷ USD (tăng 6%).
Theo đánh giá mức tăng trưởng này có được một phần nhờ vào các FTA, trong đó có EVFTA. Để tận dụng tốt nhất cơ hội từ hiệp định này, ngành thủy sản nói chung và các mặt hàng chủ lực như tôm cần nỗ lực nhiều để đáp ứng điều kiện nguyên liệu đạt chuẩn.
Dưới góc nhìn của doanh nhân gắn bó nhiều năm với con tôm xuất khẩu, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, cho rằng “niềm vui khi EVFTA được ký kết của các doanh nghiệp tôm sẽ trọn vẹn hơn khi có sự đồng hành của Chính phủ và các bộ ngành liên quan”. Bên cạnh đó, thách thức của ngành thủy sản trong năm 2021 là thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ, hay những vụ việc liên quan đến thuế chống bán phá giá tôm và cá tra ở Mỹ vẫn nhiều phức tạp.
Ngành gỗ phấn đấu đạt 14,5 tỷ USD
Ngành gỗ phấn đấu đạt 14,5 tỷ USD
Theo ước tính, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong top 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có bước chuyển động khá nhanh trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể, trong bối cảnh không thể kết nối với khách hàng quốc tế thông qua các hội chợ, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Hawa đã tạo ra nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE phục vụ tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đã kết nối được với khách hàng quốc tế thông qua nền tảng này. Được biết, HOPE không chỉ là giải pháp trong dịch mà là hướng đi lâu dài đón đầu sự thay đổi trong cách tiếp thị, kinh doanh của ngành gỗ.
Năm 2021, ngành gỗ và lâm sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 14-14,5 tỷ USD tăng 12% so với 2020. Xa hơn ngành gỗ kỳ vọng sẽ mang về 18-20 tỷ USD vào năm 2025. Dù vậy, ngành gỗ đang đối mặt với không ít vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Hàn Quốc…
Gần đây nhất, cơ quan đại diện thương mại Mỹ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan chức năng phải nỗ lực minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, có cơ sở dữ liệu các sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường, tìm hiểu kỹ chính sách của nước nhập khẩu…