Hậu đại dịch cùng với xung đột Ukraine, khiến cho thế giới kinh doanh đang nhìn vào một vài quốc gia khu vực châu Á với một giải pháp thay thế khác “không phải Trung Hoa”. Trong bối cảnh thế giới kinh doanh chuyển từ tập trung vào hiệu quả sang tập trung vào an ninh, Việt Nam với thể chế chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, phải lựa chọn như thế nào?
Các khu vực địa lý tài chính mới châu Á sau khủng hoảng tài chính 2008
Nhiều thập niên qua, chúng ta chứng kiến tầm quan trọng ngày càng tăng nguồn lực tài chính, có thiên hướng di chuyển theo khu vực địa lý để định hình các nền kinh tế và xã hội các quốc gia. Thường chúng ta có thói quen nói về hệ thống tài chính như một định chế trung gian, chuyển tiền từ người tiết kiệm sang nhà đầu tư.
Rất ít nghiên cứu địa tài chính với tư cách cục diện địa kinh tế-chính trị, các quy định điều tiết mới dẫn đến các quyết định tài trợ, phân bổ vốn, sự phát triển của thị trường và trung tâm tài chính dưới các hình thái không gian và địa điểm. Thay vì chỉ là chất bôi trơn trung gian trong hệ thống kinh tế, địa tài chính hàm ý cách chúng định hình quỹ đạo phát triển của các quốc gia, vùng lãnh thổ và địa phương. Trong đó, châu Á ngày càng nổi lên như nhân tố chủ chốt định hình mạng lưới tài chính toàn cầu.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trong các mạng lưới tài chính toàn cầu, thậm chí còn trở nên rõ rệt hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Minh chứng là trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đầu tư thu hẹp ở các nước phát triển, các ngân hàng đầu tư Nhật Bản, Trung Quốc lại có những tăng trưởng đáng kể.
Cùng với sự phát triển các dịch vụ tài chính và tăng trưởng ấn tượng ở các nền kinh tế mới nổi, ngày càng có nhiều thành phố châu Á tham gia vào cuộc cạnh tranh giành vị thế trung tâm tài chính (TTTC). Các TTTC như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình địa lý tài chính toàn cầu.
Đáng nói nhất là Sáng kiến vành đai con đường (BRI) của Trung Quốc. Các ngân hàng hay các định chế do họ làm chủ cuộc chơi như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ con đường tơ lụa và nhiều hình thức đầu tư quan hệ đối tác công tư (PPP) đa dạng khác, đã mang lại những cơ hội cũng như những thách thức địa chính trị cực lớn cho các nước châu Á.
Chỉ mới ra đời năm 2018, TTTC Quốc tế Nur-Sultan của Kazakhstan ngay lập tức trở thành cổng vào vô cùng quan trọng của nguồn tài chính BRI, để từ đó chảy vào các nước Trung Á và lan tỏa toàn cầu.
Tuy nhiên, những điều khoản dễ dãi của BRI đang đặt ra những quan ngại xoay quanh tương lai chủ quyền, bẫy nợ và an ninh tiền tệ của những quốc gia liên đới. Để đối trọng BRI, các quốc gia thuộc nhóm G7 đã khởi sự B3W, ước trị giá 40. 000 tỷ USD, để cung cấp cơ sở hạ tầng tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển. Những diễn biến trên cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của tài chính và sự lựa chọn của các quốc gia trong việc định hình các quá trình kinh tế, chuyển đổi đô thị và phát triển khu vực.
Điều thú vị là trong khi thị trường và các quy định điều tiết ngành tài chính các nước châu Á vẫn giữ bản sắc riêng, hệ thống tài chính lại ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với các nền kinh tế phát triển. Thập niên gần đây, sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) hầu như định hình lại nhiều cụm dịch vụ tài chính mới, kéo theo các mạng lưới kinh doanh mới ở các nước châu Á. TTTC Quốc tế Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải luôn nằm trong top đầu toàn cầu về fintech.
Fintech không chỉ dựa vào khả năng tài chính và sự trưởng thành của thị trường vốn, mà còn được định hình bởi độ sâu và mức độ trưởng thành của các công ty và tác nhân trong các ngành liên quan, như truyền thông, viễn thông, cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý hỗ trợ các hoạt động đổi mới, quyền sở hữu trí tuệ.
Hệ sinh thái fintech ban đầu phát triển rất nhanh chóng tại các TTTC của Singapore và Hồng Kông, rồi lan dần sang nhiều thành phố của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Fintech ngày càng thể hiện nhiều tiềm năng cho sự đổi mới tài chính và thay đổi cục diện địa-kinh tế khu vực.
Brexit và sự dịch chuyển địa chính trị các TTTC châu Á
Vai trò của London với tư cách là TTTC quốc tế hàng đầu ở châu Âu trong dài hạn có thể bị đe dọa từ những hậu quả của Brexit. Do London đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới tài chính toàn cầu tại nhiều TTTC châu Á, như Hồng Kông và Singapore, nên Brexit có khả năng làm thay đổi đáng kể địa tài chính khu vực. Mặt khác, phản ứng đối với Brexit của Hồng Kông, Singapore, quan trọng nhất là Trung Quốc, cũng sẽ là “nhân tố đẩy” dẫn đến sự hình thành và phát triển của nhiều TTTC khu vực.
Sau 20 năm tăng trưởng mạnh mẽ và toàn cầu hóa tài chính, nhiều ngân hàng lớn tầm quốc tế giờ trở nên “kém toàn cầu” hơn, khi tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi tại thị trường nội địa, giảm nhanh các tài sản không cốt lõi, tìm cách tăng tỷ lệ an toàn vốn và thâm nhập vào các thị trường mới. Và quá trình củng cố mạng lưới và hoạt động ngân hàng như thế, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các TTTC nhỏ ở châu Á, như Bangkok, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Mumbai, và mang lại cơ hội nhiều hơn cho các TTTC lớn.
Singapore và Hồng Kông, vốn đã đóng vai trò quan trọng như các trụ sở chính trong khu vực để điều phối, phân tích thị trường, giao dịch tài chính và mạng lưới khách hàng trên khắp châu Á, ngày càng có nhiều ưu thế khi các ngân hàng tận dụng tối đa ưu thế địa lý của mình trong mạng lưới tài chính toàn cầu.
Nhiều đánh giá cho thấy, Trung Quốc có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi địa tài chính toàn cầu. Bởi Trung Quốc vốn có quan hệ kinh tế sâu rộng với Anh, Brexit có khả năng định hình lại những mối quan hệ này. Trong số các quốc gia châu Âu, Anh có lượng đầu tư lớn nhất từ Trung Quốc, với số lượng chi nhánh ngân hàng đông đúc nhất. Hậu Brexit, các công ty Trung Quốc có thể sẽ suy nghĩ kỹ về chiến lược định vị khi thâm nhập thị trường châu Âu.
Để tránh những bất ổn của Brexit, các định chế tài chính và doanh nghiệp lớn Trung Quốc có thể lựa chọn các TTTC khác ở châu Âu và châu Á. Điều này chẳng những tạo cơ hội lớn hơn cho Frankfurt, Luxemburg, Paris mà còn cho các thành phố khác ở châu Á. Sự cạnh tranh của các trung tâm nhân dân tệ hải ngoại ở châu Âu trở nên gay gắt hơn. Nhiều thành phố ở châu Âu như Luxembourg, Frankfurt, Paris đã và đang cố gắng nâng cao vai trò của họ như là trung tâm nhân dân tệ hải ngoại.
Đến lượt mình, các TTTC Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến vì vậy ngày càng có tầm quan trọng về sự đa dạng của mình trong quá trình kết nối với các TTTC khác khu vực châu Á với Trung Quốc, và từ đó đi ra nhiều TTTC châu Âu.
Tác động của Brexit đối với Hồng Kông trực tiếp hơn. Là một TTTC hàng đầu khu vực, Hồng Kông từ lâu đã trở thành cổng vào quan trọng cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc cũng như các công ty Trung Quốc ra nước ngoài. Với vị thế độc đáo của Hồng Kông trong việc kết nối nền kinh tế Trung Quốc với London, những điều không chắc chắn về Brexit có thể tác động tiêu cực đến chức năng cửa ngõ của Hồng Kông, nếu khả năng có nhiều định chế khổng lồ tài chính toàn cầu rời London đến các thành phố châu Âu khác.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các TTTC Trung Quốc, cũng làm cho vai trò TTTC Hồng Kông ngày càng bị đe dọa. Brexit vì vậy đang góp phần đẩy nhanh việc tái cấu hình các hoạt động ngân hàng và dịch vụ tài chính ở Đông Á. Điều này đang tạo cơ hội cho nhiều TTTC mới nổi trong khu vực.
Lựa chọn cho Việt Nam như thế nào?
Hậu đại dịch cùng với xung đột Ukraine khiến cho thế giới kinh doanh đang nhìn vào một vài quốc gia khu vực châu Á cho một giải pháp thay thế khác “không phải Trung Hoa”. Sáng kiến BRI của Trung Quốc tuy đang gây lo ngại về an ninh cho nhiều quốc gia khu vực, nhưng sáng kiến B3W (và nhiều sáng kiến khác) của Mỹ và phương Tây cho khu vực cũng ngày càng cho thấy sự mơ hồ của chúng.
Trong bối cảnh không thể chọn bên, với thể chế chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, chúng ta đang cho thấy mình ở một vị trí chiến lược mới thu hút nguồn lực tài chính toàn cầu cho chiến lược chuyển sự tập trung vào hiệu quả sang tập trung vào an ninh, chẳng những của các nhà đầu tư nước ngoài mà còn cho chính Việt Nam.
Bối cảnh địa tài chính hiện nay, chí ít cũng thật phù hợp để tập trung vào chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay về việc hình thành TTTC tầm cỡ khu vực cho Việt Nam. Hầu như mọi tranh luận hiện xoay quanh vào việc xác định hình hài của TTTC quốc tế với những trụ cột chính như ngân hàng, thị trường chứng khoán, fintech và sàn giao dịch hàng hóa phái sinh. Nhưng hầu như chưa có bất kỳ chú ý nào về khía cạnh địa tài chính khu vực và quốc tế về sự cần thiết cho việc ra đời của TTTC quốc tế, nhằm tận dụng cục diện địa kinh tế-chính trị mới từ chính nước Nhật và một số sáng kiến của họ.
Tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản lên tới 365.000 tỷ yen, lớn nhất thế giới. Nhật đã giữ vị trí này trong ba thập niên qua. Ngoài ra, các dữ liệu cho thấy, các công ty Nhật Bản đã nhanh chóng mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu của mình, với hơn một nửa doanh thu nhận được bên ngoài nước Nhật. Nhật hiện nằm trên một “núi tiền mặt” lên đến 1.008.000 tỷ yen (9.250 tỷ USD). Các hộ gia đình Nhật giữ 54% tài sản dưới dạng tiền mặt, trong khi chỉ có 14% đối với các hộ gia đình ở Mỹ hoặc 35% của các hộ gia đình khu vực các nước liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù vậy, các khoản tiết kiệm khổng lồ này đang được các định chế tài chính có trụ sở tại Tokyo luân chuyển ra toàn cầu, thay vì để lại trong nước. Sở dĩ như thế là do Nhật có mức thuế cao nhất trên thế giới, những người có thu nhập cao nộp gần 60% toàn bộ thu nhập kiếm được.
Hơn nữa, tài sản thừa kế bị đánh thuế ở mức cao tới 55%, điều này không khuyến khích các nhà đầu tư ở lại lâu dài, thậm chí người Nhật cũng không có động lực tiết kiệm tại chính quốc. Trong bối cảnh các nhà đầu tư quốc tế ngày càng khó tiếp cận thị trường tài chính Trung Quốc, mới đây, Nhật, Australia, Ấn Độ, đã cùng nhau phát động Sáng kiến chuỗi cung ứng bền bỉ (SCRI), càng mang lại động lực cho các công ty của họ di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Nếu Việt Nam hình thành một TTTC quy mô khu vực hoặc các khu vực kinh tế-hành chính đặc biệt với những ưu đãi thuế thu nhập cận biên ở mức thấp, không có thuế đối với tài sản thừa kế, thu nhập vốn và cổ tức, sẽ là cơ hội để hấp thụ nguồn tiết kiệm khổng lồ từ các nước như Nhật, cũng như thu hút các công ty đa quốc gia hàng đầu đang tìm kiếm giải pháp “không phải Trung Hoa”.
Tại lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây tại Hà Nội, ông Kishida khẳng định “mối lương duyên” cá nhân ông với Việt Nam. Không như “hữu nghị” bằng lời nói sáo rỗng, hy vọng chúng sẽ biến thành “mối lương duyên địa-chính trị-tài chính” của 2 quốc gia và rộng hơn.
-------------
Tài liệu tham khảo:
1. New financial geographies of Asia https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/00343404.2019.1689549.
2. Brexit and shifting geographies of financial centres in Asia https://dro.dur.ac.uk/29372/.
3. Geographies of money and finance II: Financialization and financial subjects https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0309132511403889.
-------------
Tài liệu tham khảo:
1. New financial geographies of Asia https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/00343404.2019.1689549.
2. Brexit and shifting geographies of financial centres in Asia https://dro.dur.ac.uk/29372/.
3. Geographies of money and finance II: Financialization and financial subjects https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0309132511403889.