SCIC thắng lớn
Cùng thời điểm này năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần VCG (tương đương 22% vốn điều lệ) nhưng không thành công, do NĐT chỉ đặt mua 5,3 triệu cổ phần, tương đương 5,56% số cổ phần mang ra chào bán.
Thất bại của đợt đấu giá này, cộng với sự kiện 1 NĐT bất ngờ rút khỏi phiên đấu giá của SCIC, đã khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng thành công đợt đấu giá của SCIC được tổ chức ngày 22-11 vừa qua. Thế nhưng, bất ngờ đã xảy ra khi toàn bộ số cổ phần mang ra đấu giá đều được đặt mua, thậm chí giá đặt mua cao hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Theo HNX, 254,9 triệu cổ phần VCG (tương đương 57,71% vốn điều lệ) của SCIC có 3 NĐT đặt mua trọn lô, với mức giá lần lượt 21.300 đồng, 22.300 đồng và 28.900 đồng/cổ phần. Như vậy, NĐT đặt mua với mức giá cao nhất nhất 28.900 đồng/cổ phần đã trúng thầu toàn bộ số cổ phần trên với tổng giá trị 7.367 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố 21.300 đồng/cổ phần.
Không may mắn như SCIC, phiên đấu giá 94 triệu cổ phần VCG (tương đương 21,28% vốn điều lệ) của Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), được thực hiện ngay sau đó với giá đặt mua tương đương mức giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần. Với mức giá thành công 21.376 đồng/cổ phần, NĐT phải bỏ ra tổng số tiền 2.002,4 tỷ đồng để sở hữu 21,28% cổ phần tại VCG.
Được biết, Viettel mua 35 triệu cổ phần VCG năm 2009 với số tiền 700 tỷ đồng. Sau đó Viettel tiếp tục chi 214 tỷ đồng và 376 tỷ đồng để mua thêm cổ phần trong các đợt tăng vốn của VCG năm 2010 và 2011. Như vậy, Viettel đã chi ra tổng cộng 1.290 tỷ đồng để sở hữu 94 triệu cổ phần VCG, ghi nhận mức lãi 712 tỷ đồng sau phiên đấu giá vừa qua.
Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) thuộc VCG đươc xem là sức hút khi thoái vốn.
Ông chủ mới của VCG?
Sự kiện NĐT chấp nhận “mua hớ” hơn 2.000 tỷ đồng để sở hữu 57,71% cổ phần tại VCG khiến giới đầu tư ngỡ ngàng. Theo tìm hiểu của ĐTTC, NĐT này là Công ty TNHH An Quý Hưng (AQH), doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 360 tỷ đồng.
AQH được được góp vốn bởi 2 cá nhân gồm ông Nguyễn Xuân Đông (nắm 70% cổ phần) và bà Đỗ Thị Thanh, vợ của ông Đông (nắm 30% cổ phần). Tổng tài sản của AQH đến 31-12-2017 đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn 450 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của AQH đạt lần lượt 956 tỷ đồng và 62,4 tỷ đồng. Năm 2015, AQH từng tham gia đấu giá cổ phần tại CTCP Du lịch Kim Liên nhưng đã thất bại trước Thai Group.
Lý do khiến AQH chấp nhận bỏ ra số tiền hơn 7.367 tỷ đồng để nắm quyền chi phối tại VCG, được cho đến từ quỹ đất tổng công ty này đang sở hữu. Theo thống kê, VCG hiện sở hữu quỹ đất rất lên đến 3,2 triệu m2, bao gồm 131.786m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Trong đó phải kể tới 320.696m2 đất tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Khu đất này đang được VCG triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).
Giai đoạn 1 đã triển khai xây dựng gần 47ha với các công trình 317 căn biệt thự, 236 căn liền kề và 496 căn hộ chung cư. Chủ đầu tư của dự án này là CTCP An Khánh JVC, trong đó VCG nắm 50% cổ phần. Cuối năm 2017, doanh nghiệp này có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông, khi CTCP Địa ốc Phú Long nhận chuyển nhượng 50% vốn từ Posco E&C và trở thành đơn vị cùng VCG hợp tác triển khai dự án.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của VCG với doanh thu đạt 4.491 tỷ đồng (tăng nhẹ so với kết quả năm 2017), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 491 tỷ đồng (giảm 64% so với kết quả năm 2017). |