Cung giảm so với dự báo, thị trường đậu nành kỳ vọng tăng giá

(ĐTTCO) - Theo số liệu công bố trong tháng 4 của Tổng cục Hải quan, lũy kế 3 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu 498.647 tấn đậu nành với trị giá hơn 346 triệu USD.

Giá nhập khẩu trung bình khoảng 695USD/tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 3,7% so với cùng kỳ 2022, nhưng số lượng nhập giảm 4,9%, phản ánh bối cảnh sức tiêu thụ vẫn yếu do kinh tế trì trệ và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Theo số liệu công bố trong tháng 4 của Tổng cục Hải quan, lũy kế 3 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu 498.647 tấn đậu nành với trị giá hơn 346 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình khoảng 695USD/tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 3,7% so với cùng kỳ 2022, nhưng số lượng nhập giảm 4,9%, phản ánh bối cảnh sức tiêu thụ vẫn yếu do kinh tế trì trệ và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Tình hình trên nói lên tính chất của vấn đề lạm phát từ năm 2022 đến nay có phần tác động bởi yếu tố nguồn cung nhiều hơn so với nguyên nhân đến từ nhu cầu tiêu thụ.

Nguồn cung giảm so với dự báo

Báo cáo ban hành trong tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cho thấy thời tiết thất thường đã ảnh hưởng tới sản lượng của Argentina và Uruguay. Theo đó, quốc gia vô địch World Cup bóng đá thế giới 2022 dự kiến chỉ đạt sản lượng 27 triệu tấn đậu nành, giảm 18% so với con số đưa ra hồi trước đó chỉ 1 tháng, và giảm tới 47% so với con số dự báo từ hồi đầu mùa vụ 2022-2023.

Nếu so với mùa vụ trước, sản lượng của Argentina giảm 38,5%, tương đương giảm 17 triệu tấn. Nguyên nhân do tình trạng khô hạn liên tục dẫn tới năng suất được đánh giá giảm 15% xuống chỉ còn 1,8 tấn trên mỗi ha. Ngoài ra, diện tích thu hoạch cũng giảm 0,5 triệu ha xuống còn 15 triệu ha. Đây được xem là mức thấp nhất của quốc gia này kể từ mùa vụ đậu nành 1999-2000.

Argentina đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng trong lịch sử vào mùa trồng trọt này. Mặc dù lượng mưa đã tích cực trong tháng 3, có lợi cho các vụ gieo muộn, nhưng nó không giúp ích gì cho những vụ mùa được trồng sớm, vì nhiệt độ cao đã làm cạn kiệt độ ẩm của đất. Vụ đậu nành trồng đầu tiên chiếm gần 75% sản lượng tổng diện tích đã trồng và đã bước vào giai đoạn trưởng thành.

Tương tự, điều kiện khô hạn cũng kéo dài ở Uruguay. Tính đến cuối tháng 3, các tỉnh trồng đậu nành lớn chỉ nhận được 50% lượng mưa bình thường. Kết quả, diện tích và năng suất thu hoạch đậu nành đều giảm. USDA ước tính năng suất đậu nành giảm 27% trong tháng 4 xuống còn 1,33 tấn trên mỗi ha. Sản lượng dự kiến đạt 1,2 triệu tấn, giảm 42,9% so với dự báo chỉ 1 tháng trước đó.

Sản lượng thu hoạch của Mỹ (lớn thứ 2 sau Brazil) cũng dự kiến chỉ đạt 116,4 triệu tấn, giảm 5,2 triệu tấn so với mùa vụ trước, tương ứng giảm 4,2%. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới được bù đắp bởi sản lượng tăng tốt ở Brazil. Cụ thể, quốc gia có sản lượng lớn nhất thế giới này dự kiến thu hoạch 154 triệu tấn đậu nành, tăng tới 23,5 triệu tấn so với vụ trước, tương ứng tăng 15,3%. Do đó, tổng lượng thu hoạch đậu nành của thế giới mùa vụ 2022-2023 dự kiến đạt 369,6 triệu tấn, tăng khoảng 2,7% so với vụ trước.

Tuy nhiên, con số này hoàn toàn bất ngờ đối với thị trường đậu nành, bởi con số dự báo ở thời điểm đầu mùa vụ lên tới 394,7 triệu tấn, cao hơn 25 triệu tấn so với số liệu trong tháng 4 vừa qua.

Nhu cầu được kỳ vọng

Mặc dù số liệu nhập khẩu đậu nành lũy kế 3 tháng đầu năm của Việt Nam cho thấy hiện trạng thiếu tích cực của nhu cầu. Và nó cũng phản ánh phần nào bối cảnh trì trệ của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, điều đó do ảnh hưởng của giai đoạn suy yếu kể từ tháng 4-2022 đến nay bởi kết hợp 2 yếu tố vĩ mô: làn sóng tăng lãi suất và Trung Quốc phong tỏa kinh tế. Con số dự báo cho nhu cầu đậu nành thế giới năm 2023 vẫn cho thấy sự tăng trưởng, và động lực vẫn đến từ Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ đậu nành lớn nhất với tỷ trọng hơn 30% toàn cầu.

Cụ thể, tiêu thụ cho công nghiệp của Trung Quốc ước tính đạt 91 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với mùa vụ trước. Tuy nhiên, đây là ước tính tiêu thụ của mùa vụ hiện tại 2022-2023 (bắt đầu từ tháng 5-2022 đến tháng 4-2023). Nghĩa là đã hết mùa vụ, trong đó nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc được đánh giá gặp nhiều tác động tiêu cực do vấn đề phong tỏa suốt gần 2 quý trong năm 2022.

Vì vậy, đối với triển vọng nhu cầu sắp tới, con số dự báo tiêu thụ đậu nành mùa vụ 2023-2024 sẽ được USDA ban hành tuần thứ 2 của tháng 5 có vai trò quan trọng và dự kiến mang tính tích cực nhiều hơn.

Hầu hết tổ chức nghiên cứu kinh tế đều đang dự báo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 đạt hơn 5%, đó là con số tối thiểu trong bối cảnh thiếu vắng các gói kích thích kinh tế của nước này. Tăng trưởng GDP của thế giới vẫn được dự báo quanh mức 2%, cho thấy các điều kiện vĩ mô hiện tại chưa dẫn tới suy thoái kinh tế. Nhất là khi cuộc khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã được giải quyết bằng giải pháp cứu trợ từ ngân hàng trung ương.

Do đó, nhu cầu tiêu thụ đậu nành trong khoảng thời gian còn lại của năm nay có nhiều yếu tố tích cực. Điều đó tốt cho triển vọng của giá đậu nành thế giới, trong bối cảnh sản lượng mùa vụ hiện tại dự kiến giảm do thời tiết. Ngoài ra, các cơ quan dự báo khí tượng cũng đang nâng nguy cơ xảy ra hiện tượng El Nino trong năm nay. Nếu điều này xảy ra đó là sự kéo dài của hạn hán, càng ảnh hưởng tiêu cực lên sản lượng đậu nành thu hoạch vụ 2023-2024 sắp tới.

Các tin khác