Đó là kết quả của sự thay đổi chiến lược trong công tác phòng chống dịch của lãnh đạo thành phố, là sự “chung sức, đồng lòng” của người dân trong những tháng ngày giãn cách xã hội kéo dài.
Người ngoài tỉnh làm việc tại cụm công nghiệp Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TPHCM) được tổ tiêm lưu động đến tiêm chủng vaccine Covid-19 ngay nơi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mở rộng vùng xanh
Trong những ngày tháng dịch Covid-19 hoành hành, lãnh đạo TPHCM đã phát động phong trào thi đua “mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”. Ngay lập tức, các khu dân cư thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đều đồng loạt tham gia. Những “vùng xanh” ngày càng được lập ra, do chính tổ dân phố tự quản lý, được xem như các pháo đài chống dịch hiệu quả trên khắp thành phố. Chỉ sau gần 2 tháng thi đua, diện tích vùng xanh tại thành phố liên tục được mở rộng và giữ vững. Tại các vùng xanh, mô hình “Tổ dân phố an toàn”, “Ấp an toàn”... được xây dựng.
Thống kê của Sở Y tế TPHCM, nếu cuối tháng 9 số ca mắc mới mỗi ngày của thành phố vẫn ở mức gần 3.000 trường hợp, thì từ đầu tháng 10 đến nay đã giảm xuống dưới 2.000 trường hợp và hiện chỉ còn trên dưới 1.000 trường hợp/ngày. Số lượng ca tử vong do Covid-19 cũng đi xuống theo phương thẳng đứng. Ở thời điểm cuối tháng 9, mỗi ngày thành phố có trên 100 ca tử vong, thì đến nay con số tử vong đã ở mức 2 con số. Nhờ thế, các bệnh viện dã chiến cũng dần vắng bệnh nhân và đã có những bệnh viện đóng cửa, hoàn thành sứ mệnh của mình; các bệnh viện tách đôi, điều trị cũng đang dần thu hẹp lại khu vực Covid-19, mở rộng hơn các khoa, phòng tiếp nhận điều trị bệnh nhân thông thường.
Ngày 15-10, Bệnh viện Dã chiến số 4 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) đã tiễn những bệnh nhân cuối cùng xuất viện. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên hoàn thành sứ mệnh của mình sau hơn 100 ngày tham gia cuộc chiến. Bệnh viện này bắt đầu nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 7-7. Đến ngày 14-10, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 16.129 bệnh nhân; trong đó có 2.523 trẻ em dưới 16 tuổi, 706 người trên 65 tuổi và có 61 trường hợp tử vong (0,38%), chuyển viện tầng trên 551 trường hợp (3,4%). Ở thời điểm đỉnh dịch, ngày đông nhất, Bệnh viện Dã chiến số 4 có đến 4.089 bệnh nhân; trong đó bệnh nhân nặng cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn là 176 người.
Sau Bệnh viện Dã chiến số 4, lần lượt các bệnh viện dã chiến khác như Bệnh viện Dã chiến số 1 (ký túc xá của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), Bệnh viện Dã chiến số 7 (TP Thủ Đức) cũng đóng cửa, trả lại cơ sở vật chất cho các ký túc xá trường học, các khu tái định cư… chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Song song đó, các bệnh viện cũng bắt đầu phục hồi công năng khám chữa bệnh thông thường sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều trị Covid-19 như Bệnh viện Quận 7, 1, 4, 11, 12, Tân Phú, Lê Văn Việt, Bình Thạnh, Bình Chánh…
Theo lộ trình của Sở Y tế, từ nay đến cuối năm 2021, các bệnh viện dã chiến sẽ được giải thể, còn các bệnh viện điều trị Covid-19 cũng sẽ trở về trạng thái “bình thường mới” với mục đích đảm bảo cho các bệnh viện thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, đó là: vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân thành phố và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.
Vaccine - chìa khóa đẩy lùi dịch bệnh
Ngay từ đầu, vaccine được lãnh đạo TPHCM coi là chìa khóa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”. Chính vì thế, TPHCM cũng là địa phương thực hiện thí điểm tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên trong cả nước. Ngày 8-3-2021, TPHCM tiêm những mũi vaccine đầu tiên cho các lực lượng tuyến đầu. Sau đó, từ tháng 6, một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử TPHCM đã được tiến hành một cách thần tốc. Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, hàng chục ngàn mũi vaccine đã được tiêm cho người dân khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức. Ngoài lực lượng tuyến đầu, thành phố cũng ưu tiên vaccine cho đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý nền để gia tăng sức đề kháng trước đại dịch, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.
Tiếp theo đó, TPHCM tiếp tục tổ chức các chiến dịch tiêm chủng chưa từng có trong lịch sử, nhằm gia tăng độ bao phủ của vaccine trong cộng đồng. Cùng với chiến dịch tiêm chủng, TPHCM cũng là địa phương có nhiều hoạt động đẩy mạnh tìm kiếm, vận động nguồn vaccine cung ứng cho nhu cầu của thành phố. Trong đó có thể kể đến hoạt động gây quỹ vaccine phòng chống Covid-19 được nhiều tầng lớp nhân dân thành phố ủng hộ. UBND TPHCM cũng đã thành lập Tổ công tác đàm phán và mua vaccine Covid-19 gồm 12 thành viên do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ thay mặt UBND TPHCM chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới để giới thiệu cho các đơn vị có chức năng thực hiện nhập khẩu vaccine Covid-19 cho thành phố; tham mưu UBND TPHCM trong việc đàm phán giá mua vaccine, phương thức thanh toán phù hợp các quy định hiện hành.
Theo Th.S Nguyễn Minh Nhựt - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để chiến lược vaccine đạt hiệu quả cao nhất, thành phố phải có bước chuẩn bị để hoàn thiện hệ thống logistics vaccine và quản lý dữ liệu tiêm chủng toàn dân. Đây là 2 thách thức lớn để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử. Thành phố nên linh hoạt giữa các thứ tự ưu tiên theo từng thời điểm. Cụ thể là khi đã đạt được mức độ bao phủ khoảng 30% dân số, cần từng bước mở rộng phạm vi và đối tượng tiêm chủng, không nên cứng nhắc theo thứ tự ưu tiên nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đối với những người từ chối, hoặc không đủ điều kiện để tiêm vaccine, cần phải chấp hành nguyên tắc 5K kỹ hơn. Chính quyền các địa phương không nên cực đoan hạn chế quyền tự do đi lại của những người không có “hộ chiếu vaccine trong nước” mà cần linh hoạt với những bộ tiêu chí an toàn khác.
Với điều kiện tiên quyết là tiêm an toàn, dù trong trạng thái khẩn cấp vẫn cần bảo đảm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Sau khi rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm trước, thành phố cần sắp xếp thời gian và số lượng người ở các buổi tiêm khoa học hơn để bảo đảm giãn cách, tiết kiệm thời gian và không làm quá tải lực lượng phục vụ tiêm chủng. Hơn nữa, các biện pháp an toàn tại điểm tiêm phải được thực hiện nghiêm ngặt để người đi tiêm chủng không có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Ngoài ra, thành phố cần truyền thông đúng về hiệu quả dự phòng của các loại vacicne, vì vaccine không phải là hàng rào duy nhất để ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Nói cách khác, trong điều kiện nào, các khuyến cáo 5K vẫn luôn phải được tuân thủ. Người được tiêm đủ 2 mũi vaccine không được chủ quan, lơ là. Thay vào đó, hãy nên chia sẻ kinh nghiệm tiêm chủng an toàn và biện pháp chăm sóc sức khỏe cho những người tiêm sau.
Tính đến hết ngày 15-11, TPHCM đã tiêm được 13.828.220 mũi vaccine; trong đó, 7.857.524 người được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ bao phủ 99,82% và 5.970.696 người được tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ bao phủ 82,53%. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 27-10, TPHCM tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi. Đến 15-11, đã có 663.109 trẻ trong độ tuổi này được tiêm vaccine. Theo kế hoạch của UBND TPHCM, đến 31-12-2021, thành phố sẽ hoàn thành công tác tiêm chủng cho người dân. Vaccine được xem như “chìa khóa” kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và mở ra trạng thái “bình thường mới”, đưa cuộc sống, sinh hoạt người dân trở lại dòng chảy nhộn nhịp thường ngày.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định, trong giai đoạn đầu, thành phố có những lúc lúng túng trong việc ứng phó với dịch, chưa thể theo kịp diễn biến của dịch bệnh. Mặc dù mỗi ngày có hàng chục ngàn ca mắc mới, trong đó 80% là bệnh nhẹ, không triệu chứng, nhưng lại chỉ tập trung vào cách ly để ngăn chặn dịch lây lan, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân. Sau đó, chiến lược điều trị đã có sự thay đổi linh hoạt bằng cách thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà với các bài thuốc A, B và C; chuyển chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng với phương châm tiếp cận sớm, phát hiện sớm, can thiệp sớm đã thực sự làm giảm số ca chuyển nặng, tử vong. |