Cuộc "cách mạng thuế" doanh nghiệp toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức

(ĐTTCO) -  Mặc dù có tới 130 quốc gia đã đồng ý đại tu cách đánh thuế của các công ty đa quốc gia, nhưng vẫn còn con đường dài tiền ẩn nhiều thách thức ở phía trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tất cả 139 quốc gia tham gia vào các cuộc đàm phán tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào tuần trước đã ủng hộ kế hoạch áp dụng các quy định mới về cách đánh thuế lợi nhuận của các công ty với thuế suất ít nhất là 15%.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm thứ Ba (6/7) cho biết, sẽ rất thất vọng nếu các quốc gia EU không nhất trí ủng hộ thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu.

“Sẽ rất thất vọng nếu một số nước thành viên EU phản đối một thỏa thuận quan trọng như vậy”, ông cho biết.

Các bộ trưởng tài chính G20 dự kiến sẽ thông qua thỏa thuận này tại các cuộc họp vào thứ Sáu (9/7) và thứ Bảy (10/7) tại Venice, tạo thêm động lực cho một sáng kiến toàn cầu về thuế mà các quốc gia G7 đang thúc đẩy.

Các quy tắc mới xuất hiện từ hiệp định OECD dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2023, nhưng để điều đó xảy ra thì các quốc gia phải đạt được các thoả thuận còn lại trước tháng 10 để những vấn đề về thuế có thể được sửa đổi vào năm tới.

Điều đó cho thấy việc thực hiện năm 2023 là khả quan do nhiều quốc gia đã mất nhiều năm để phê chuẩn một sửa đổi trước đó đối với các hiệp ước thuế quốc tế.

Ở Liên minh châu Âu, phương tiện tốt nhất để thực thi các quy tắc sẽ là luật chung của EU.

Tuy nhiên, giống như tất cả các quyết định về thuế ở EU, điều đó sẽ đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí từ các quốc gia thành viên và không có nước nào trong số các quốc gia có mức thuế thấp như Estonia, Hungary và Ireland ủng hộ thỏa thuận OECD.

Theo thỏa thuận này, các công ty đa quốc gia có thể bị buộc phải trả mức thuế tối thiểu là 15% ở bất cứ nơi nào họ hoạt động, thay vì chỉ đóng phần lớn thuế tại các quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính. Điều này đã cho phép các công ty khổng lồ chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất rất thấp hoặc có các ưu đãi kế toán khác.

Ireland được biết đến với việc đưa ra mức thuế doanh nghiệp thấp với mức 12,5% và hiệp định thuế toàn cầu gần đây có khả năng thách thức điều đó. Hungary cũng ở vị trí tương tự với mức thuế doanh nghiệp là 9%.

Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán về thuế cho biết: “Sẽ có áp lực buộc ba nước còn lại phải thay đổi lập trường của họ”.

Theo Peter Vale, đối tác thuế quốc tế tại văn phòng kế toán Grant Thornton ở Dublin cho biết, cuối cùng thì các quốc gia như Ireland có thể làm rất ít điều để giữ mức thuế ban đầu tiếp tục duy trì.

"Hy vọng sẽ là Ireland và các quốc gia khác, bao gồm cả một số người đã đồng ý với thoả thuận có thể tạo ra một số ảnh hưởng và tác động đến tỷ lệ đó để có thể giới hạn ở mức 15%. Đó là điều mà Ireland có thể sống chung", ông cho biết.

Phê duyệt của Mỹ

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đưa ra kế hoạch trong tháng này về mức thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số, đây là điều cần thiết để tài trợ cho quỹ phục hồi sau đại dịch 750 tỷ euro (890 tỷ USD) của EU nhưng có nguy cơ gây bất lợi cho Washington.

Là một phần của thỏa thuận lớn hơn, chính quyền Mỹ muốn các quốc gia bãi bỏ các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số ở một số quốc gia hiện hành mà họ coi là nhắm mục tiêu không công bằng vào các công ty ở Thung lũng Silicon.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang nỗ lực hết sức để ban hành đề xuất tăng thuế của Tổng thống Joe Biden và bao gồm cả mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% tại Mỹ.

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Brian Deese cho biết, thực tế 130 quốc gia đã ký kết thoả thuận sẽ xoa dịu các lập luận của Đảng Cộng hòa rằng việc tăng thuế doanh nghiệp có thể gây hại cho Mỹ nếu các khu vực pháp lý thuế thấp không tuân theo.

Chính quyền Biden dường như sẽ ban hành các kế hoạch thuế của mình bằng cách sử dụng một biện pháp lập pháp chỉ dành cho Đảng Dân chủ, nhưng không rõ liệu Washington có cần thay đổi bất kỳ hiệp ước thuế song phương nào hay không khi yêu cầu phải nhận được sự tán thành đa số 2/3 tại Thượng viện.

Các tin khác