Cuộc chiến giữa Big Tech và báo chí

(ĐTTCO)-Facebook và Google hôm 17-2 đã có những phản ứng trái ngược đối với một dự luật của Australia, nhằm chuyển một phần lợi nhuận khổng lồ của 2 công ty vào túi các nhà xuất bản tin tức trong nước. Diễn biến ở Australia đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, một số người coi cách làm của Australia như hình mẫu để thiết lập lại bài toán kinh tế của tin tức trực tuyến.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Google “nhượng bộ”
Dự luật hiện đang được Quốc hội Australia xem xét. Theo đó, dự luật buộc các nền tảng như Google và Facebook phải trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ báo chí địa phương. Google đã đồng ý một loạt thỏa thuận cấp phép với các công ty truyền thông của Australia, bao gồm Nine, một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất của Australia và là nhà xuất bản của tờ Sydney Morning Herald. 
Trước đó, Google từng đe dọa sẽ rút khỏi Australia nếu bị buộc phải tuân thủ theo bộ luật của Australia. Gã khổng lồ này cho rằng việc buộc họ phải trả tiền cho các liên kết đến các trang web khác từ công cụ tìm kiếm của mình sẽ gây nguy hiểm cho “tính miễn phí” và “web mở”.
Tuy nhiên, Aron Pilhofer, Trưởng bộ phận kỹ thuật số của The Guardian (báo Anh), cho biết thỏa thuận với News Corp (Tập đoàn tin tức toàn cầu của tỷ phú Murdoch) đã giúp Google tránh bị mắc kẹt.
Theo đó, Google sẽ trả tiền để cấp phép nội dung cho dịch vụ có tên News Showcase và trên YouTube. Và News Corp sẽ nhận được phần lớn hơn trong doanh thu quảng cáo chảy vào đó, thông qua các dịch vụ công nghệ quảng cáo của Google.
Liệu thỏa thuận này có trở thành hình mẫu cho phần còn lại của ngành công nghiệp tin tức và nó sẽ tác động như thế nào đến lĩnh vực thanh toán hoặc báo chí, vẫn còn rất khó đánh giá. Trong khi đó, tình trạng căng thẳng ở Australia đã làm dấy lên suy đoán giữa các nhà xuất bản về các khoản tiền liên quan, và những gì đế chế Murdoch đã hứa sẽ đổi lại. Nhưng có sự đồng thuận về một điểm: nó sẽ vượt xa những gì đã thương lượng và có thể được nhân bản ở các nước khác.
Bộ luật Thương lượng Truyền thông của Australia đã buộc Google phải nâng mức chi trả cho các tập đoàn tin tức. Trong khi một thỏa thuận khung gần đây ở Pháp trả 22 triệu EUR mỗi năm cho 120 nhà xuất bản, chỉ riêng Nine của Australia cũng được đảm bảo khoản tiền tương tự. 
Tuy nhiên, cho dù Google có chi trả rộng rãi hơn, vẫn chưa rõ liệu số tiền đó có giúp cải thiện được tình trạng báo chí. News Corp và các nhà xuất bản khác đã không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào về việc số tiền tăng thêm sẽ được chi tiêu như thế nào. Pilhofer nói: “Chúng ta sẽ không thấy bất kỳ tác động nào từ các thỏa thuận giúp nâng cao khả năng tiếp tục hoạt động của các tổ chức tin tức địa phương và giữ chân các nhà báo”.

Facebook “cứng đầu”
Ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ về hành vi của các công ty BigTech, họ cho rằng họ quyền lực hơn cả các chính phủ. 
Trong khi Google chịu trả tiền, Facebook đã tiến hành bước đi cứng rắn: hạn chế chia sẻ miễn phí toàn bộ danh mục thông tin. Facebook cho rằng luật mới của Australia dựa trên giả định sai lầm rằng các công ty internet thu lợi từ việc sử dụng miễn phí nội dung của nhà xuất bản.
Thay vào đó, gã khổng lồ mạng xã hội tuyên bố chính các nhà xuất bản hưởng lợi từ lưu lượng truy cập nhận được từ các công ty internet, và những “lượt giới thiệu miễn phí” này trị giá 350 triệu USD chỉ riêng ở Australia vào năm ngoái.
Ngày 17-2, Facebook đã chặn tất cả người dùng Australia khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nền tảng của mình. Các nhà xuất bản tin tức của Australia bị hạn chế đăng tin tức của họ lên Facebook. Trong khi đó, người dùng Facebook ở Australia sẽ không xem được tin bài từ các nhà xuất bản quốc tế hay các bài báo người dùng Facebook trên toàn thế giới chia sẻ. Thậm chí, một số tài khoản chính phủ Australia hậu thuẫn đã bị Facebook xóa sạch vào sáng 18-2.
Vào thời điểm gã khổng lồ truyền thông xã hội đang bị ảnh hưởng bởi sự lan truyền thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu trên các dịch vụ của họ, hành động chặn tin tức nhanh chóng thu hút các chỉ trích. Jason Kint, CEO của Hiệp hội các nhà xuất bản trực tuyến Digital Content Next tại Mỹ, cho biết: “Việc Facebook không sẵn sàng bồi thường một cách công bằng cho các tổ chức tin tức đáng tin cậy, cho thấy họ chỉ nói dối về các cam kết bảo vệ nền dân chủ”.
Cách đây 5 năm, Facebook đã tích cực thu hút ngành công nghiệp tin tức với lời hứa sẽ giúp họ tìm được lượng khán giả rộng lớn hơn và khuyến khích các công ty tin tức sản xuất nhiều nội dung video hơn, nhưng sau đó lại đột ngột thay đổi định hướng và điều chỉnh thuật toán để loại các nội dung tin tức.
Nhưng cho dù vậy, các nhà xuất bản cũng không tưởng tượng việc gã khổng lồ mạng xã hội sẽ chặn hoàn toàn việc chia sẻ tin tức. Tác động đối với các hãng báo chí sẽ khác nhau, với những nhà xuất bản phụ thuộc nhiều vào quảng cáo sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào chia sẻ xã hội, do đó sẽ dễ bị tổn thương hơn. GS. Bell cho rằng Facebook đã có bề dày lịch sử thiếu tôn trọng với các hãng tin tức, khi liên tục phủi tay các lời hứa.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng việc Facebook ngang ngược chặn người dân Australia tiếp cận tin tức càng cho thấy rõ "lo ngại của nhiều quốc gia rằng các công ty Big Tech đang quyền lực hơn cả chính phủ và các quy tắc không thể được áp dụng lên họ".
Ông viết trên trang cá nhân: "Hành động hủy kết bạn với Australia của Facebook bao gồm việc cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp cho thấy họ vừa ngạo mạn vừa đáng thất vọng. Những hành động như vậy cho thấy rõ những lo ngại ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ về hành vi của các công ty Big Tech, những người cho rằng họ quyền lực hơn cả các chính phủ. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi BigTech và sẽ trình Quốc hội bỏ phiếu cho Bộ luật Thương lượng Truyền thông quan trọng của chúng tôi".
Cho đến nay Chính phủ Australia đã tổ chức các cuộc hội đàm với CEO Facebook là Mark Zuckerberg. “Chúng tôi sẽ xem xét cách giải quyết tốt nhất” - Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết và nhấn mạnh Chính phủ Australia sẽ vẫn thúc đẩy dự luật gây tranh cãi để buộc Facebook và Google phải chia sẻ lợi nhuận với các nhà xuất bản trong nước. Luật dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tuần tới.
“Thị trường quảng cáo trực tuyến trị giá 7 tỷ USD hoàn toàn do Google và Facebook thống trị. Chúng tôi đang cố gắng tạo ra sân chơi bình đẳng" - Bộ trưởng Frydenberg nói.  

Các tin khác