Cuộc chiến nợ công (kỳ 2): Vụ xiết nợ kinh điển

Cách nay hơn 10 năm, Công ty Elliott VIN ở Hà Lan đã trở thành cái tên được biết đến rộng rãi khi được xử thắng 58 triệu USD trong vụ kiện đòi nợ Cộng hòa Peru, một sự kiện chưa có tiền lệ trong quá trình giải quyết nợ quốc tế. Và cũng với hình thức đòi nợ này, ngày 1-11-2011, Elliott đã khởi kiện Vinashin của Việt Nam và các công ty con ra Tòa Thượng thẩm ở London, Anh.

Cách nay hơn 10 năm, Công ty Elliott VIN ở Hà Lan đã trở thành cái tên được biết đến rộng rãi khi được xử thắng 58 triệu USD trong vụ kiện đòi nợ Cộng hòa Peru, một sự kiện chưa có tiền lệ trong quá trình giải quyết nợ quốc tế. Và cũng với hình thức đòi nợ này, ngày 1-11-2011, Elliott đã khởi kiện Vinashin của Việt Nam và các công ty con ra Tòa Thượng thẩm ở London, Anh.

> Cuộc chiến nợ công (kỳ 1): Đòi nợ bằng chiến tranh

Điều gì đã xảy ra?

Vào tháng 10-1995, Chính phủ Peru công bố thỏa thuận trái phiếu Brady (loại trái phiếu được đảm bảo bằng trái khoán không có lãi của Hoa Kỳ với những kỳ hạn khác nhau), sau khi Ủy ban Cố vấn Ngân hàng (BAC) đồng ý tái cấu trúc các khoản vay ngân hàng thương mại bị vỡ nợ của Peru.

3 tháng sau, Elliott Associates, một quỹ đầu tư trục lợi ở Hoa Kỳ bắt đầu mua Thư thỏa thuận năm 1983 về 2 ngân hàng “Banco de la Nacion” (BN) và “Banco Popular del Peru” được Chính phủ Peru bảo đảm.

Từ tháng 1 đến tháng 3-1996, Elliott thâu tóm tổng cộng 20,7 triệu USD (giá trị mặt) các khoản vay ngân hàng thương mại đó. Số nợ này được mua lại với giá rẻ mạt 11,4 triệu USD. Cần lưu ý rằng việc mua lại của Elliott diễn ra sau khi thỏa thuận Brady được thông qua.

Ngay sau khi hoàn tất việc thâu tóm nợ và trong khi Peru còn đang đàm phán với BAC về các điều khoản trong thỏa thuận Brady, Elliott bắt đầu đòi Peru phải trả hết nợ.

Lần đầu tiên một chính phủ bị một công ty kiện đòi nợ. (Trong ảnh: Thủ đô Lima của Peru).

Lần đầu tiên một chính phủ bị một công ty kiện đòi nợ. (Trong ảnh: Thủ đô Lima của Peru).

Sau nhiều năm kiện tụng, ngày 22-6-2000 tòa án quận Nam New York xử Elliott thắng kiện và xác nhận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các vụ kiện nợ công. Tòa án cho rằng việc mua nợ sắp phá sản và kiện chính quyền để trục lợi không vi phạm luật.

Bởi theo đạo Luật Miễn trừ nợ công nước ngoài của Hoa Kỳ tất cả tài sản có thể bị xiết nếu thuộc về một cơ quan đầu tư của chính quyền, có hoạt động thương mại ở Hoa Kỳ. Dù đạt được các phán quyết thuận lợi, Elliott vẫn khó đòi nợ bởi cả Peru và BN (xem như một cơ quan đầu tư của Chính phủ Peru) đều không có tài sản có thể xiết được ở Hoa Kỳ.

Trước tình huống đó, Elliott cố gắng can thiệp và xiết các quỹ của Peru đang chuyển khoản quốc tế để trả cho các chủ nợ.

Nỗ lực đầu tiên của Elliott là đòi Cơ quan Tài chính New York (NYFA) ra lệnh cho Chase Manhattan Bank phải giữ lại bất cứ khoản tiền nào được Peru chuyển sang để trả cho các trái chủ Brady. Vấn đề là ngân hàng này chỉ đơn thuần là một cơ quan của Peru, vì vậy các trái chủ vẫn là chủ của những khoản tiền lẽ ra được chuyển khoản.

Tuy nhiên, những vụ chuyển khoản như vậy đã không bao giờ xảy ra vì Peru biết được lệnh cấm của NYFA. Trước tình huống đó, Elliott tìm kiếm một lệnh tương tự từ Tòa án Bỉ để ngăn cản Euroclear (một trong 2 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ (clearing) lớn nhất thế giới) nhận tiền từ Peru để trả các trái chủ Brady.

Yêu cầu của Elliott lúc đầu bị Tòa án Thương mại Bỉ (BCC) khước từ, nhưng sau đó được Tòa Thượng thẩm Brussels nhanh chóng thông qua, buộc Peru phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với các chủ nợ Brady, Chính phủ Peru không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều đình với Elliott.

Tác động

Mặc dù không có ý kiến rõ ràng về những ảnh hưởng thực sự của quyết định Brussels và hậu quả của nó đối với vấn đề giải quyết nợ công, người ta ngờ rằng điều này sẽ gia tăng lợi thế cho các chủ nợ holdout (những chủ nợ kiên quyết không chấp nhận các điều kiện tái cấu trúc nợ và đòi được trả hết nợ).

Các chủ nợ holdout là một vấn đề lớn cho tái cấu trúc nợ công kể từ đầu thế kỷ 19, khi các cấu trúc tài chính quốc tế trong vấn đề vay nợ công thay đổi từ các khoản vay ngân hàng sang trái phiếu chính phủ.

Để giải quyết vấn đề do các chủ nợ holdout gây ra, Ecuador đã đi tiên phong trong việc đưa vào những điều khoản bổ sung cụ thể, trong đó quan trọng nhất là điều khoản “hành động đa số”.

Theo đó, nếu 75% số người sở hữu trái phiếu đồng ý thì có thể thay đổi các điều khoản không liên quan đến tài chính của trái phiếu cũ. Đa số biểu quyết cho các điều khoản bổ sung cho trái phiếu cũ sẽ làm trái phiếu ít hấp dẫn hơn đối với những người có thể gây cản trở cho quá trình này.

Điều khoản này cũng tương tự việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đang cố gắng bổ sung nó vào hợp đồng nợ quốc gia để buộc các chủ nợ phải cùng thực hiện giải pháp sắp xếp lại nợ đã được đa số (hoặc đại đa số hay 2/3) tán thành.

Tuy nhiên, vấn đề là rất khó thêm những điều khoản như vậy vào các hợp đồng đang có hiệu lực (như trường hợp của Peru là dựa trên Thư thỏa thuận có từ năm 1983). Ngoài ra, việc giải quyết theo kiểu đa số như vậy tốn thời gian để đàm phán, bởi thời gian càng kéo dài, lãi suất mà nước con nợ phải trả càng nhiều.

Bên cạnh đó, việc xác định chủ nợ quan trọng cũng là một vấn đề. Nếu như chỉ có một cấp chủ nợ, các ý kiến có thể dễ dàng quyết định bằng lấy biểu quyết đa số. Nhưng nếu có nhiều cấp khác nhau sẽ rất khó để phân biệt các lá phiếu của chủ nợ cái nào quan trọng và cái nào ít quan trọng hơn.

Vì những khó khăn này, đa số nhà phân tích tin rằng giải quyết theo pháp luật là cách tốt hơn. Tuy nhiên, sử dụng luật phá sản của một nước thường dẫn đến những tranh chấp căng thẳng. Có ý kiến cho rằng nên có 1 tòa án phá sản quốc tế để phân xử.

Tuy nhiên, nếu một nước vỡ nợ và các chủ nợ quyết định tăng tốc độ thanh toán, các chủ nợ sẽ có ít lựa chọn bởi các quốc gia thường chỉ có 2 loại tài sản chính ở nước ngoài, gồm các quỹ dự trữ quốc tế và các đại sứ quán. Cả 2 loại này đều được miễn không bị tịch biên theo luật miễn trừ quốc gia.

---------

Kỳ 3: Săn nợ rẻ Hy Lạp

Các tin khác