Cuộc chiến thẻ tín dụng

(ĐTTCO) - Các NHTM, công ty tài chính (CTTC) đang chạy đua trong mảng thẻ tín dụng thông qua hàng loạt ưu đãi dành cho phát hành mới lẫn thẻ hiện hữu. Cuộc đua này tạo điều kiện cho nhiều phân khúc khách hàng được sở hữu thẻ tín dụng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng lợi bất cập hại, vì thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt bằng xu hướng này dễ tạo ra rủi ro cho người dùng và cả NH.

Cạnh tranh phát hành
Ngày 18-12, Vietcombank và American Express hợp tác sản phẩm thẻ Vietcombank Cashplus Platinum American Express, với tỷ lệ hoàn tiền cao nhất thị trường đến 1,5%, áp dụng cho giao dịch trong và ngoài nước, không giới hạn số lượng giao dịch tối thiểu và giá trị hoàn tiền tối đa.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank cho biết, phân khúc khách hàng được hướng đến là trung lưu đến thu nhập cao, dự kiến phí thường niên khoảng 800.000 đồng/năm.
 Các NH hiện nay quản lý theo KPI, tức là giao chỉ tiêu huy động, cho vay, phát hành thẻ. Theo đó, các nhân viên cũng chạy đua để đạt chỉ tiêu, nhưng không tư vấn rõ về các khoản phí dẫn đến nhiều chủ thẻ bị phạt lãi rất nặng. Đối với các NH, khi người dân không trả được nợ đầy đủ, sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, vì khoản cho vay của NH trong thẻ đó vẫn được tính vào khoản cấp tín dụng của NH.
TS. Bùi Quang Tín
Thủ tục đăng ký gồm bảng lương, chứng minh thư, NH sẽ tính toán hạn mức tín dụng. Trước đó vài ngày, VIB đã cùng lúc giới thiệu 5 dòng thẻ tín dụng mới gồm VIB Happy Drive, VIB Travel Élite, VIB Cashback, VIB Rewards Unlimited và VIB Financial Free, đáp ứng nhu cầu của khách hàng có nhu cầu về tiền mặt. Hay ABBank mới đây cũng giới thiệu thẻ thanh toán không tiếp xúc ABBank Visa Contactless với công nghệ hiện đại, chỉ cần đặt gần, lướt hoặc vẫy nhẹ lên máy POS để thanh toán thay vì quẹt như cách truyền thống.
Không chỉ sôi động ở nhóm NH, mảng thẻ tín dụng gần đây cũng là mảnh đất màu mỡ được nhiều CTTC chú trọng khai thác. Hồi giữa năm 2018, Home Credit đã đưa hàng loạt hồ sơ khách hàng có lịch sử tín dụng tốt vào diện khách hàng ưu tiên mở thẻ tín dụng, để có thể vay vốn nhanh chóng thuận tiện hơn so với cách thức vay truyền thống. Cách thức mở thẻ rất tiện lợi. Khi nhân viên Home Credit liên hệ thông báo, khách hàng đồng ý mở thẻ, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, sau đó đến cửa hàng gần nhất để ký tên mẫu đăng ký.
Trong vòng 7 ngày, thẻ tín dụng sẽ được gửi về tận nhà qua đường bưu điện. Những khách hàng không nằm trong nhóm này, muốn mở thẻ cũng được hỗ trợ xét duyệt trong vòng 30 phút, thay vì 2-3 ngày như mở thẻ tín dụng tại các NHTM. 
Ngày 18-12 vừa qua, CTTC Lotte Việt Nam (Lotte Finance) chính thức đi vào hoạt động, cũng là lúc công ty phát hành thẻ tín dụng Hàn Quốc đầu tiên có giấy phép phát hành tại Việt Nam. Bước đầu, Lotte Finance sẽ cho vay tiêu dùng tín chấp, và dự kiến trong nửa đầu năm 2019 sẽ ra mắt thẻ tín dụng. 

Chạy đua ưu đãi
Không chỉ nóng ở cuộc đua phát hành, các TCTD cũng đang mạnh tay ưu đãi dịch vụ khi sử dụng thẻ. Chẳng hạn 5 dòng thẻ mới của VIB đều kèm theo những lợi ích, như thẻ VIB Happy Drive được hoàn 30% phí bảo dưỡng tại các Trung tâm bảo dưỡng xe ôtô; dòng thẻ cao cấp Travel Élite hoàn tiền 3 triệu đồng khi chi tiêu từ 7 triệu đồng trong 37 ngày đầu mở thẻ, phí giao dịch ngoại tệ chỉ 1,75%; thẻ VIB Financial Free miễn phí thường niên trọn đời khi chi tiêu tối thiểu một giao dịch/tháng, được rút tiền mặt 100% hạn mức tín dụng được cấp, lãi suất 0% trong 3 kỳ sao kê đầu tiên cho giao dịch qua thẻ và rút tiền mặt… 
Cuộc chiến thẻ tín dụng ảnh 1
Vietcombank mới đây cũng thông báo giảm lãi thẻ tín dụng về khoảng 15-18%/năm, phí giao dịch ngoại tệ chỉ 2%, miễn phí phạt khi thanh toán chậm. Sacombank cũng công bố giảm lãi suất thêm 0,1-0,2% đối với các khoản thanh toán qua thẻ tín dụng trễ hạn, lãi suất thanh toán qua thẻ tín dụng của Sacombank chỉ còn dao động từ 1,6 - 2%/tháng. BIDV điều chỉnh lãi suất thẻ tín dụng về mức 15-18%/năm. Nhiều NH cũng đang liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ để áp dụng lãi suất 0% khi thanh toán qua thẻ tín dụng.
Các CTTC “tiếp chiêu” với các NHTM bằng cách áp dụng phí thường niên và mức thanh toán tối thiểu thấp hơn. Đơn cử, Home Credit miễn phí phát hành, hoàn phí thường niên năm đầu (200.000 đồng) nếu chi tiêu trung bình 3 triệu đồng/tháng. Phí rút tiền mặt 3%/giá trị giao dịch. Phí phạt trễ hạn 0,05-0,15%/ngày/số tiền chậm thanh toán.
FE Credit cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng cá nhân rất cao, lên đến 60 triệu đồng với phí thường niên chỉ 99.000 đồng, phí rút tiền mặt 1,5% số tiền ứng trước, lãi suất trong hạn của thẻ thông thường là 4,08%/tháng, nhưng thẻ hạng vàng chỉ 3,08%/tháng. Khi đến hạn, chủ thẻ chỉ phải thanh toán tối thiểu 3% dư nợ gốc (tối thiểu 50.000 đồng), cùng với tổng phí và lãi suất phát sinh trong kỳ khoản trả góp hàng tháng.

Rủi ro hiện hữu
Sự sôi động của cuộc đua giành thị phần của các TCTD đang khiến sở hữu thẻ tín dụng ngày càng dễ dàng hơn. Các TCTD cho rằng, đây là giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến cuối tháng 9-2018, tổng số lượng thẻ đã phát hành lũy kế lên tới 147,3 triệu thẻ, nhưng thẻ ghi nợ chiếm đến 90%, các loại thẻ khác bao gồm thẻ tín dụng nằm trong 10% còn lại, nghĩa là số lượng thẻ tín dụng vẫn còn rất ít. 
Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ các TCTD đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng vì đây là miếng bánh lợi nhuận rất lớn, thể hiện qua mức lãi suất cho vay qua thẻ luôn cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Ngoài ra, nguồn thu từ phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn… cũng rất cao, đóng góp cho sự phát triển của thu dịch vụ. TCTD thông báo ưu đãi, nhưng những khoản ưu đãi cho khách hàng như trên chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn để hút khách hàng, sau đó sẽ trở về như cũ.
Chính vì lợi nhuận hấp dẫn nên không chỉ các NH lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Sacombank, Techcombank… cạnh tranh khốc liệt, mà các NH nhỏ, các CTTC, định chế tài chính nước ngoài tìm cách nhập cuộc, thậm chí hiện nay thẻ tín dụng của một vài CTTC còn hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng.
Song bên cạnh lợi ích khi thẻ tín dụng gia tăng, nhiều vấn đề còn đáng lo, vì hiện nay các TCTD đua phát hành trong khi việc tư vấn kiến thức về sử dụng thẻ tín dụng của người dùng vẫn chưa đủ, dẫn đến nhiều thiệt hại. Chị Kim Thư (quận 7) kể, trước đây đã mở 2 thẻ tín dụng của một NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và chi tiêu khá nhiều để đủ điểm nhận khuyến mại tặng vé máy bay khứ hồi đi Hồng Công.
Tuy nhiên, khi đủ điều kiện, muốn nhận vé máy bay, chị lại phải trả thêm một khoản phí cho vé máy bay bằng ngoại tệ, khoản phí này lại cộng thêm 4% phí chuyển đổi ngoại tệ. Còn 1 thẻ chưa kích hoạt do chị quên sử dụng, sau hơn 1 năm kiểm tra lại nhận thấy khoản phải trả là phí thường niên 300.000 đồng, cùng với tiền phạt trễ hạn tổng cộng lên đến gần 1 triệu đồng. 
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, các TCTD tăng cường phát hành thẻ tín dụng sẽ thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng ngược lại chạy đua phát hành thẻ tín dụng cũng sẽ dễ dẫn đến việc người dân sử dụng quá tay. Vì hiện nay mỗi người nằm trong diện được cấp thẻ tín dụng không chỉ sở hữu 1 thẻ mà có đến 2-3 thẻ tín dụng.
Trong khi đó, NH chỉ hỗ trợ không tính lãi suất tối đa 30-45 ngày. Vượt quá thời hạn này, lãi suất phạt quá hạn rất lớn, có NH áp dụng lãi phạt lên đến 30-40%/năm, điều này càng ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả nợ gốc. 

Các tin khác