TS. VÕ TRÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế:
Ứng phó cú sốc tài chính
Hiện nay, Chính phủ giao cho một số bộ ngành có liên quan nghiên cứu kịch bản ứng phó để giảm thiểu rủi ro của nền kinh tế trước cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra, trong bối cảnh lạm phát và nhiều thay đổi khó lường của kinh tế thế giới. Với Việt Nam, tác động của cuộc chiến này có thể vẽ ra nhiều viễn cảnh.
Trước mắt, có thể tác động trực tiếp của cuộc chiến không lớn lắm. Bởi việc áp thuế vài chục tỷ USD đến 200-300 tỷ USD, không có nghĩa không có xuất khẩu thương mại từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ nữa. Chủ yếu Hoa Kỳ đánh vào Trung Quốc là mặt hàng công nghệ có liên quan rất lớn tới mạng sản xuất toàn cầu.
Trong hàng trăm mặt hàng ông Donald Trump đặt ra, ngay cả nhiều DN Hoa Kỳ cũng lo ngại sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đối với các hãng công nghệ lớn của Hoa Kỳ, nên Chính phủ Hoa Kỳ cũng thận trọng.
Song đáng chú ý, cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới gây ra tác động lớn hơn và đây là vấn đề của Ngân hàng Nhà nước. Đó là từ cuộc chiến thương mại sẽ chuyển sang cú sốc tài chính. Cú sốc tài chính xuất phát từ 2 điểm: một là gắn với chính sách tiền tệ của các nước lớn, hai là với cuộc chiến thương mại, các nước bắt đầu tính toán lại vì giá trị và lãi suất đồng USD tăng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam muốn giữ thế cạnh tranh phải phá giá VNĐ, và phá giá VNĐ sẽ gây ra áp lực.
Một tác động nữa đến tài chính đó là dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thay đổi lại danh mục đầu tư, tìm kiếm thị trường mới như Việt Nam với nền kinh tế vĩ mô ổn định, hội nhập sâu rộng để ứng phó trước cuộc chiến thương mại. Đây là một yếu tố có lợi.
Tuy nhiên, về lâu dài cũng là rủi ro, vì cuộc chiến thương mại không chỉ là câu chuyện của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà là của kinh tế toàn cầu. Nếu cuộc chiến leo thang, các nước tăng cường bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng nặng đến Việt Nam, vì kinh tế Việt Nam có độ mở cùng tỷ trọng xuất khẩu cao, đặc biệt là phụ thuộc lớn vào các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này tạo ra sự bất định.
Một vấn đề nữa là hiện chúng ta chưa biết Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ làm thế nào. Họ nói sẽ tăng lãi suất đồng USD 4 lần trong năm nay, nhưng cũng có thể chỉ tăng 3 lần, vì quý II-2018 kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu chững lại, không còn đẹp như năm ngoái.
Việc FED có tăng lãi suất đúng theo lộ trình hay không cũng là điểm bất định. Một bất định nữa là khu vực châu Âu vừa chấm dứt gói hỗ trợ Ngân hàng Trung ương mua trái phiếu, kéo theo những tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi mức độ bất định gia tăng, thương mại sẽ giảm đi. Sự bất định cộng với chu kỳ kinh tế thế giới được dự báo cuối năm 2019 giảm, nay lại bồi thêm cú sốc này nữa, trong khi chúng ta chưa biết cuộc chiến này sẽ đi đến đâu, nên cũng phải đặt ra nhiều kịch bản để ứng phó, vì Việt Nam ở thế dễ bị tổn thương.
TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH, Trường Đại học Fulbright Việt Nam:
Ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế
Hoa Kỳ đã tăng thuế thêm 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức mặt hàng chịu thuế 0% sẽ áp thuế 25%, còn mặt hàng chịu thuế 1% với thuế mới là 26%. Đây là phát súng đầu tiên thể hiện Hoa Kỳ không nhượng bộ, đến thời điểm áp thuế sẽ áp thuế và Trung Quốc cũng trả đũa tương tự. Tuy nhiên, trường hợp cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ dừng lại ở 34 tỷ USD, tác động sẽ rất thấp.
Vấn đề là nếu cuộc chiến này leo thang, tức thực hiện bước tiếp theo áp thuế 200 tỷ USD và 300 tỷ USD nữa sẽ có tác động rất lớn. Khi đó, việc áp thuế của Hoa Kỳ lên mặt hàng công nghệ hiện sẽ lan rộng trên toàn cầu và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, vì các sản phẩm công nghệ của Việt Nam một phần là lắp ráp cuối cùng và xuất trực tiếp sang Hoa Kỳ.
Vì vậy, chúng ta vẫn đang hy vọng 2 bên sẽ có sự thỏa hiệp để cuộc chiến thương mại không leo thang. Nhưng nếu nhìn vào Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, có thể thấy ông nói là làm nên khả năng leo thang hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu như cuộc chiến thương mại leo thang đến mức đấy, một loạt sản phẩm sẽ chịu mức thuế cao hơn và sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng, bởi hàng hóa xuất sang Hoa Kỳ khó hơn, nên hàng Việt Nam xuất sang cũng khó hơn.
Thứ hai, hàng Trung Quốc sẽ vào Việt Nam, gắn nhãn mác Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ. Khi cuộc chiến leo thang, Hoa Kỳ phát hiện việc này có thể Việt Nam sẽ bị trừng phạt kinh tế.
Thứ ba, thực ra hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc cũng đã cạnh tranh nhau rất nhiều trong xuất khẩu, và khi cuộc chiến thương mại xảy ra, Việt Nam là nước được hưởng tác động tích cực trong trong việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc khi xuất vào Hoa Kỳ, nhất là đối với những mặt hàng thâm dụng lao động như dệt may. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm dệt may vẫn chưa mở rộng sản xuất nên vẫn chưa tận dụng được lợi thế này.
Nhìn chung cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc là rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2018 cũng như năm 2019. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tính toán việc Hoa Kỳ tăng thuế 25% đối với hàng hóa của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ ra sao, và trong đó kim ngạch đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ bao nhiêu.
Ngân hàng Standard Chartered đặt giả thiết nếu cuộc chiến thương mại làm ngưng hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng 1% GDP.