Như một quy luật “đến hẹn lại lên” trong những năm gần đây, tín dụng thường tăng đột biến vào thời điểm cuối năm trong khi những tháng đầu tăng trưởng rất thấp. Năm nay, NHNN cũng tự tin tăng trưởng tín dụng sẽ cán đích mục tiêu đề ra 12-14%. Thực tế, trong những tháng gần đây tín dụng đã tăng tốc trở lại, nhưng những con số này có đi vào doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh?
Trông chờ cuối năm
Theo số liệu từ NHNN, tính đến 30-9-2014, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế tăng 7,26% so với cuối năm 2013. Trước đó, trong phiên họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong năm 2014 hoàn toàn có thể đạt được.
Theo lý giải của Thống đốc, quý cuối năm của các năm gần đây tín dụng đều tăng tốc vì đây là thời điểm nền kinh tế đang cần vốn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất hàng hóa. Thống đốc cũng dự đoán tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm 2014 hoàn toàn có thể đạt mức 6,2%, phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đạt 5,8%.
Như vậy, gần một nửa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm đang trông cậy vào một quý cuối năm. Trong khi đó, những tháng gần đây tăng trưởng tín dụng cũng “nhảy” liên tục và mức tăng trưởng 7,26% được xem là khá “đẹp” nếu so sự ì ạch ở đầu năm. Đơn cử là tính đến tháng 4, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 1,31% và hết 6 tháng đầu năm cũng chỉ nhích nhẹ lên 2,3%. Chỉ tính riêng trong quý III-2014 tín dụng đã tăng trưởng hơn 4%.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng năm nay xem ra cũng không khác so với năm 2013. Mục tiêu được đề ra đầu năm là 12%, tuy nhiên kết thúc 5 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,98% và được cải thiện lên 4,5% đến hết tháng 6-2013. Trong tình hình đó, NHNN đã phải ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động NH trong những tháng cuối năm 2013.
Mặc dù nhiều chuyên gia khi đó nhận định tín dụng khó hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu, nhưng tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc và về đích một cách ngoạn mục ở thời điểm cuối năm. Kịch bản năm 2011 cũng xảy ra tương tự khi NHNN công bố tín dụng đến tháng 11 mới chỉ đạt 5,4%, một tháng sau thì đạt 6,45% và đến cuối năm tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức 8,91%.
Nhưng vốn có chảy vào DN?
Các DN vẫn cho rằng họ đang khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NH. Giải thích cho việc tín dụng trong những tháng vừa qua tăng trưởng thấp, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng hiện phần lớn DN thờ ơ với vay vốn. Nguyên nhân theo ông là lãi suất dù đã thuận lợi nhưng họ vẫn phải vay khoảng 10%/năm, bởi lãi suất huy động của các NH đã ở mức 6-7%/năm. Đây vẫn là mức lãi suất cao so với sức chịu đựng của nhiều DN.
Cùng chung quan điểm đó, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng hiện các NH cũng là một DN và chắc chắn họ cũng đang ráo riết tìm kiếm DN để cho vay. Tuy nhiên, phần lớn các DN nhỏ hiện đã tự túc được đồng vốn. Còn những DN làm ăn kém hiệu quả không trả được nợ trước đó rất khó để vay thêm.
Do đó, mục tiêu đặt ra cũng phải vừa tầm với để phấn đấu bởi nỗi lo không từ NH hay ở DN mà là sức mua trên thị trường và hàng tồn kho chưa hết khó khăn. Ông Mười đưa ra nhận định nếu tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 9 hơn 7% thì niềm tin hoàn thành mục tiêu 12% khó đạt được.
Nếu từ nay đến cuối năm để tín dụng tăng 10%, nền kinh tế phải hấp thụ khoảng 100.000 tỷ đồng. Nếu để đạt chỉ tiêu 12-14%, mức hấp thụ vốn phải cao hơn nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh NH dành hạn mức vài ngàn tỷ đồng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn không giải ngân được, để tín dụng tăng trưởng như mục tiêu NH sẽ phải tìm hướng đi khác như chứng khoán, bất động sản. TS. TRẦN DU LỊCH, |
Về mặt lý thuyết, một khi lãi suất giảm DN và người dân sẽ vay nhiều để đầu tư mới và tiêu dùng do chi phí vốn rẻ. Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là lãi suất đang giảm xuống mức khá thấp và NHTM tìm mọi cách đẩy vốn ra nền kinh tế nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch.
Lý giải nghịch lý này, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng hiện nay rất nhiều DN cần vốn nhưng họ phải cân nhắc giữa việc vay và khả năng chi trả. Nền kinh tế suy yếu khiến nhiều DN dù có khả năng vay nợ nhưng để giảm thiểu rủi ro họ vẫn không muốn vay.
Một trong những lý do khiến tín dụng tăng chậm được nhiều người nhắc đến là nợ xấu thực tế hiện vẫn quá lớn. Đây chính là “cục máu đông” làm nghẽn dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế và chính Thống đốc NHNN cũng từng thừa nhận hiện có gần 240.000 tỷ đồng đã đảo nợ.
Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều DN đang gặp khó khăn không thể trả được nợ. Về lý thuyết đây được xem như nợ xấu và DN khó có khả năng vay nợ mới. Những số liệu này cũng phù hợp với số liệu một thống kê gần đây cho thấy có đến hơn 60% DN đang thua lỗ và không đóng thuế.
Theo chia sẻ của một số NH, hạn mức tín dụng dành cho DN rất lớn nhưng không có đầu ra. Điển hình như VietCapital Bank đã cấp hạn mức 2.000 tỷ đồng cho các DN có sức khỏe tốt nhưng chưa giải ngân được, Eximbank dành đến 20.000 tỷ đồng cho những DN tốt và có dự án khả thi nhưng cũng trong tình trạng tương tự do DN không sử dụng, Vietcombank cấp hạn mức 200 tỷ đồng cho Vissan với mức lãi suất ưu đãi nhưng Vissan cũng không dùng hết hạn mức này.
Trong khi DN tốt được cấp hạn mức tín dụng dồi dào không sử dụng thì các DN nhỏ và vừa đang khát vốn lại không được sự ưu ái của các NH.
Tăng ép
Trở lại với vấn đề tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Bên cạnh những con số thực là do chu kỳ kinh tế, do nhu cầu vốn lưu động thường tăng vào cuối năm, rất nhiều người cho rằng một phần là con số ảo. Cán bộ chi nhánh của một NH lớn tiết lộ một số “chiêu” kích tăng trưởng tín dụng cuối năm.
Theo ông, các NH thường giao chỉ tiêu cho các chi nhánh. Do vậy có trường hợp nếu đến cuối năm không đạt chỉ tiêu tín dụng họ thường nhờ các DN ký hợp đồng tín dụng vay vốn lưu động sau đó hết năm sẽ trả lại cho NH. Như vậy con số chốt sổ vào cuối năm vẫn sẽ khá đẹp nhưng thực tế tín dụng không tăng.
Thống kê cho thấy, dòng vốn NH hiện nay bơm vào các kênh như DN sản xuất, bất động sản, chứng khoán và trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, so với các lĩnh vực phi sản xuất và trái phiếu chính phủ, lĩnh vực sản xuất kinh doanh lép vế hơn trong việc hút vốn NH. Mặc dù theo các báo cáo của NHNN, nguồn vốn tín dụng của NH chủ yếu bơm vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế việc tiếp cận vốn của lĩnh vực này rất hạn chế.
Đại diện Hiệp hội DN TPHCM chia sẻ, vốn luôn là một trong những khó khăn lớn nhất của DN, phía hiệp hội luôn quan tâm khảo sát tìm cơ hội tiếp cận vốn từ nhiều kênh cho DN nhưng chưa bao giờ thấy DN thờ ơ như hiện nay. Có khi hiệp hội tiến hành các cuộc khảo sát, phát 1.000 phiếu lấy ý kiến DN thu lại chỉ vài phiếu.
Ảnh minh họa: LONG THANH |
Thống kê của NHNN cũng cho thấy, tốc độ cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên thời gian qua có tăng trưởng nhưng vẫn thua kém lĩnh vực bất động sản. Đến giữa tháng 9, tín dụng đối với bất động sản tăng trưởng hơn 12%. Song song đó, trên thị trường chứng khoán, mặc dù còn thận trọng nhưng trước nhu cầu vốn của nhà đầu tư đang tăng trở lại, một số NH cũng đã tiến hành cho vay trực tiếp thông qua các công ty chứng khoán liên kết.
Thực tế cho thấy một hiện tượng lặp đi lặp lại trong những năm gần đây là những tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng đều khá nhanh, bởi một số NH công bố thành tích đầy ấn tượng. Tuy vậy, những tháng đầu năm lại tăng trưởng chậm hoặc âm. Một chuyên gia tài chính nhận định tín dụng tăng 10%, 12% hay 14% thực tế đối với nền kinh tế không quá quan trọng.
Điểm quan trọng là tín dụng phải chảy vào được những nơi có hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế phát triển hoặc phải hóa giải được khó khăn của DN.