Hiện tại, mục tiêu này cũng đang diễn ra rầm rộ khiến thứ hạng trên bảng xếp hạng vốn điều lệ (VĐL) liên tục thay đổi và dự kiến cuộc đua sẽ còn tiếp diễn.
NH tư nhân “tăng tốc”
Ngày 28-6, Techcombank công bố đã phát hành 3,52 tỷ cổ phiếu (CP) với tỷ lệ 1:1, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 CP được nhận thêm 1 CP mới. Sau đợt phát hành, tổng số CP tăng từ 3,5 tỷ CP lên 7,05 tỷ CP, tương ứng VĐL từ 35.225 tỷ đồng tăng lên 70.450 tỷ đồng.
Do vậy, VĐL của Techcombank nhảy vọt từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 2 trong số 28 NHTM. Thời điểm hiện tại, VĐL của Techcombank chỉ đứng sau VPBank (79.339 tỷ đồng), vượt qua 3 ông lớn trong nhóm Big4 là BIDV (57.004 tỷ đồng), Vietcombank (55.891 tỷ đồng) và VietinBank (53.700 tỷ đồng).
Cuối năm 2023, VPBank cũng đã chính thức tăng VĐL lên 79.339 tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu hệ thống sau khi hoàn thành thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Đáng chú ý, gần như các nhà băng không nằm ngoài xu hướng đua nhau tăng VĐL. Chẳng hạn, ACB phát hành 582,6 triệu CP tăng vốn lên 44.667 tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ 6 toàn hệ thống.
Tháng 3 vừa qua, MB hoàn thành kế hoạch chào bán 73 triệu CP cho Viettel và SCIC, nâng VĐL từ hơn 52.140 tỷ đồng lên hơn 52.870 tỷ đồng. Ngoài ra, MB đang có kế hoạch tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng CP và phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu CP tăng VĐL lên 61.643 tỷ đồng.
HDBank gia nhập đường đua tăng vốn trong năm 2024 với kế hoạch tăng thêm 4.569 tỷ đồng, lên mức 33.645 tỷ đồng thông qua phát hành CP trả cổ tức. LPBank dự kiến phát hành CP để tăng VĐL lên 33.576 tỷ đồng, kế hoạch đã được NHNN chấp thuận.
OCB đã được NHNN chấp thuận tăng VĐL từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng. VIB cũng có kế hoạch tăng VĐL từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng. SeABank dự kiến tăng VĐL lên 28.800 tỷ đồng sau khi hoàn thành phát hành CP.
NH nhà nước đang “âm thầm” nhập cuộc
Trong làn sóng tăng vốn ồ ạt của NH tư nhân, các NHTM có vốn nhà nước đã mất các vị trí dẫn đầu, nhưng cũng đang ấp ủ các kế hoạch lớn. Khi các kế hoạch này thành công như dự kiến, họ sẽ lập tức lấy lại vị trí quán quân trong bảng xếp hạng VĐL.
Cụ thể, Vietcombank đã công bố kế hoạch về việc chia cổ tức bằng CP từ 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022. Đồng thời, ĐHCĐ bất thường năm 2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018. Nếu các kế hoạch tăng vốn này thành công, VĐL của Vietcombank sẽ tăng lên hơn 102.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, NH này cũng đang xúc tiến kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần. Kế hoạch này được Vietcombank đưa ra từ năm 2019 song vẫn chưa thể hoàn tất. Cụ thể, NH dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu CP cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu CP) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu CP).
Phía BIDV cũng có kế hoạch phát hành tổng cộng hơn 1,36 tỷ CP để tăng vốn từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng. Ngoài ra, với lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ năm 2023 là hơn 15.491 tỷ đồng, NH này đề xuất chi 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng CP. Nếu được phê duyệt, BIDV sẽ ghi nhận mức VĐL hơn 86.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng CP. Đồng thời, sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phúc lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng.
Được biết, cổ đông của VietinBank đã thông qua phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức. Nếu các kế hoạch thuận lợi, VĐL sẽ tăng lên 79.148 tỷ đồng.
Ngoài ra, VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
“Đường đua” đầy gập ghềnh
Những tính toán kể trên cho thấy cuộc đua tăng VĐL vẫn đang rất khốc liệt. Thống kê trong năm 2023, đã có 21 nhà băng hoàn thành tăng vốn, tổng mức tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng. Năm nay, 23 nhà băng công bố kế hoạch tăng vốn, tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng.
Đà tăng VĐL này cũng chưa thể dừng lại trong các năm tới. Theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 5, hệ số an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 12%. Trong đó nhóm NHTM nhà nước đạt 9,98%, nhóm NHTM cổ phần đạt 11,98%, trong khi nhóm NH nước ngoài đạt 21,59%.
Mặc dù có cải thiện dần nhưng so với tiêu chuẩn quốc tế và mức trung bình của ngành NH trong khu vực, hệ số CAR của hệ thống NH còn khoảng cách khá xa. Chẳng hạn bình quân Philippines là 16,2%, Singapore 17,2%, Malaysia 18,3%, Thái Lan 18,9% và Indonesia 23,6%.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, tăng VĐL là nhu cầu bức thiết để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Kể từ ngày 1-10-2023, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH chính thức giảm xuống mức 30%.
Các NH đã và đang ồ ạt phát hành trái phiếu để giải tỏa áp lực nhưng thực tế cho thấy cuối tháng 5-2024, tỷ lệ này ở nhóm NHTM nhà nước là 24,45%, còn nhóm NHTMCP vẫn vượt xa quy định với mức 40,82%.
Như vậy, nhu cầu bổ sung vốn trung và dài hạn của các nhà băng vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó là áp lực nợ xấu bủa vây. Tính đến cuối quý I, số dư nợ xấu của 28 NH niêm yết đã tăng thêm 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV-2023.
Hiện chưa có số liệu mới về nợ xấu, nhưng tại khảo sát của Vụ Dự báo thống kê (NHNN), các tổ chức tín dụng cho biết tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tiếp tục có dấu hiệu tăng nhẹ trong quý II, thay vì giảm nhẹ như dự báo. Nợ xấu tăng không chỉ “ăn mòn” lợi nhuận mà còn có thể tác động đến vốn chủ sở hữu.
Nếu nợ xấu quá cao, một NH trích lập dự phòng đúng đủ có thể bị lỗ và sẽ trừ vào vốn chủ sở hữu. Khi vốn chủ sở hữu bị trừ sẽ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn. Tăng VĐL là giải pháp để NH có thêm nguồn lực ứng phó với rủi ro trước xu hướng gia tăng nợ xấu trong toàn hệ thống.