Tính đến thời điểm này có 26 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch tại 3 sàn chứng khoán, tăng 6 ngân hàng so với năm 2020. Tổng giá trị vốn hóa của các ngân hàng trên sàn chứng khoán tại thời điểm 28/5, gấp đôi so với đầu năm trước, giá trị hơn 1,8 triệu tỷ đồng.
Đáng nói, nếu như vài năm trước, bảng xếp hạng vốn hóa ngân hàng khá trật tự thì trong vòng 1 năm qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2021, bảng xếp hạng vốn hóa ngân hàng có nhiều xáo trộn, nhất là trong top 10 do giá các cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng với tốc độ khác nhau.
Thống kê mới đây, trong top 7 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn trên sàn chứng khoán thì có đến 3 ngân hàng là Vietcombank (mã VCB), VietinBank (mã CTG) và BIDV (mã BID). Trong top 10 ngân hàng có mức vốn hóa lớn nhất, 3 cái tên dẫn đầu đương nhiên là Vietcombank, VietinBank và BIDV; tiếp đó là Techcombank (mã TCB), MB (mã MBB) và ACB (mã ACB).
Trong khi 3 thứ hạng tiếp theo liên tục có sự thay đổi với cuộc đua của HDBank (mã HDB), VIB (mã VIB), SHB (mã SHB), Sacombank (mã STB), TPBank (mã TPB) tranh suất. Trong đó VIB tỏ ra khá nổi trội trong nhóm này khi giá cổ phiếu của ngân hàng này đạt 52.800 đồng/cổ phiếu.
Hiện bảng xếp hạng vốn hóa ngân hàng hứa hẹn với nhân tố mới khi giá cổ phiếu LPB của LienVietPostBank, từ mức 8.700 đồng/cổ phiếu thì kết phiên ngày 11-6 đã tăng lên 31.250 đồng/cổ phiếu… LienVietPostBank đang dự kiến tăng vốn điều lệ lên 15.700 tỷ đồng gấp 3 lần vốn điều lệ hiện tại.
Với sự gia nhập của các ngân hàng mới trên sàn chứng khoán, nhóm cuối trong bảng xếp hạng vốn hóa liên tục xáo trộn giữa các ngân hàng như VietCapital Bank, ABBank, KienLongBank...
Mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh trong thời gian qua, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn tới. Vì ngân hàng là ngành trụ cột vững nhất trong nền kinh tế của giai đoạn khó khăn.
Cùng quan điểm, IVS nhận định P/E, P/B toàn Ngành vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với VN-Index. So với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hơn hiện tại hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung.
Có chung quan điểm trên, Dragon Capital cho biết, dù đã tăng liên tục trong những tháng gần đây, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn khá rẻ so với các thị trường trong khu vực, nhờ vào tốc độ tăng trưởng cao và lợi nhuận vượt trội. Năm 2022 có khả năng đà tăng trưởng sẽ chậm lại, tuy vậy Dragon Capital cho rằng, định giá nhóm ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn.
Đó cũng là lý do mà sau khi cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn, khối ngoại ào ạt gom vào. Điển hình nhóm cổ phiếu được mua ròng nhiều phải kể đến cổ phiếu của VietinBank, HDBank, MB, Sacombank, LienVietPostBank, OCB, MSB và Vietcombank.
Hiện Vietcombank là ngân hàng duy nhất có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng, và là ngân hàng hai năm nay đạt lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD.
VietinBank tiếp tục khẳng định vị trí thứ hai khi vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỷ đồng lên trên 48 nghìn tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017, 2018, và phần lợi nhuận còn lại của năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức bằng tiền mặt.
Dù vốn điều lệ của VietinBank thấp hơn so với BIDV (48.524 nghìn tỷ đồng) nhưng giá cổ phiếu lại cao hơn. Kết thúc phiên ngày 11-6 giá cổ phiếu CTG chốt ở mức 52.900 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu BID là 45.200 đồng/cổ phiếu.
Đối với các ngân hàng còn lại trong top 5, top 10 hứa hẹn có những bất ngờ. VPBank được đánh giá là nhân tố bí ẩn nhất trong cuộc đua thứ hạng ngân hàng.
Hiện trong khối NHTMCP tư nhân, VPBank là ngân hàng có doanh thu lớn nhất, vượt mặt cả Techcombank. Song với thương vụ M&A đình đám bán 49% vốn tại FE Credit mang về gần 1,4 tỷ USD, cùng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần vào năm 2022, VPBank đang hứa hẹn tạo đột phá về lợi nhuận.
Với mức vốn điều lệ dự kiến tối thiểu 75.000 - 80.000 tỷ đồng vào năm 2022, VPBank sẽ trở thành quán quân vốn điều lệ toàn hệ thống. Đó là chưa kể, thương vụ bán cổ phần cho đối tác chiến lược theo kế hoạch diễn ra vào cuối năm 2021, cũng dự kiến mang về cho ngân hàng này một khoản không hề nhỏ, vì giá cổ phiếu ngân hàng này đang ở mức khá cao 71.700 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên 11-6-2021.
Khi ngân hàng này mở khóa room ngoại, VPB sẽ hấp dẫn hơn nữa.
Với hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược ngoại của nhiều ngân hàng như LienVietPostBank, OCB, VPBank... hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền như HDBank, LienVietPostBank sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn tới.
“Mặt bằng giá cổ phiếu tăng trưởng tốt cùng với việc thu hút sự quan tâm lớn các NĐT, kế hoạch tăng vốn khủng của các ngân hàng trong năm nay được đánh giá sẽ rất thuận lợi”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.
Thị giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng mạnh phá đỉnh, với lợi thế riêng có của từng ngân hàng, chắc chắn cuộc đua thứ hạng thời gian tới sẽ ngày càng gay cấn. Thị trường sẽ không chỉ chứng kiến sao đổi ngôi trong cuộc đua tăng vốn, mà còn chứng kiến sự thay đổi thứ hạng về giá trị vốn hoá của ngân hàng.