Chuyển hướng nhóm đối tượng trẻ em
Sau khi tập trung tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho nhóm đối tượng người trưởng thành, cuộc chạy đua tiêm chủng trên toàn cầu đã chuyển hướng sang nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Độ tuổi có thể được tiêm phòng vaccine Covid-19 khác nhau ở nhiều quốc gia. Nhiều nước áp dụng chính sách tiêm phòng cho trẻ em từ 16 tuổi trở lên. Một số quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi đã triển khai hoặc đang xem xét việc trẻ em từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng. Trung Quốc và UAE đang lên kế hoạch cho nhóm đối tượng trẻ em 3-17 tuổi. Nhóm độ tuổi nhỏ nhất đang được Cuba và Ấn Độ nghiên cứu từ 2 tuổi trở xuống.
Giữa các châu lục, tình hình tiêm chủng cũng có sự khác nhau. Ở châu Âu, Đan Mạch, Pháp, Đức, Áo, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hy Lạp, Anh, Thụy Sĩ, Na Uy, San Marino, Phần Lan đang triển khai hoặc đã phê duyệt việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Hungary đã triển khai chiến dịch này từ tháng 5-2021 đối với nhóm 16-18 tuổi. Ở châu Mỹ, Canada và Mỹ có kế hoạch triển khai vaccine sớm nhất. Hồi đầu tháng 5, các nước này đã cho phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Đến nay, Canada đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho hơn 80% dân số thuộc nhóm đối tượng trên, con số này ở Mỹ hơn 75%, tính đến cuối tháng 7. Mới đây, vào ngày 26-10, Hội đồng cố vấn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu chấp thuận vaccine Covid-19 của Pfizer cho nhóm đối tượng 5-11 tuổi. Tuy vậy, việc tiến hành tiêm chủng vẫn đang chờ được FDA cấp phép.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên đã được triển khai tiêm, hoặc phê chuẩn tiêm phòng ở Singapore, Nhật Bản, Jordan, Australia, New Zealand, Hồng Kông, Philippines. Ấn Độ hiện vẫn khuyến khích tiêm vaccine nội địa cho trẻ 2-18 tuổi. Mặc dù có sự khác biệt về tốc độ và hình thức tiêm chủng trên trẻ em, có 2 lý do để các quốc gia đưa ra quyết định này nhằm bảo vệ cộng đồng và mở cửa trường học an toàn.
Vào tháng 6, Trung Quốc đã cho phép vaccine Sinovac được tiêm phòng trên trẻ em 3-17 tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine đối với nhóm đối tượng nhỏ tuổi. Quốc gia này đặt ra mục tiêu phủ vaccine 80% trên tổng 1,4 tỷ dân trước cuối năm nay. Ở Mỹ, cuộc chạy đua vaccine cho trẻ em bắt đầu khi nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm do biến thể Delta. Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số trẻ em nhập viện vì Covid-19 cao hơn 3,4-3,7 lần ở những bang có độ phủ vaccine thấp. Một số trường học ở Mỹ ủng hộ việc tiêm phòng bắt buộc đối với trẻ em, bất chấp sự phản đối từ phụ huynh.
Cán cân lợi ích và rủi ro
Cuộc tranh luận về việc có nên tiêm vaccine cho trẻ em hay không đã nổ ra tại nhiều quốc gia. Các cơ quan đứng đầu đã phải đặt lên bàn cân giữa việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và những rủi ro khi tiêm phòng. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Anh, Na Uy khuyến nghị chỉ tiêm 1 liều vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, vì lo ngại trẻ em sau khi tiêm sẽ mắc bệnh viêm cơ tim. Theo chính phủ các quốc gia này, 1 liều là đủ để ngăn chặn một phần nguy cơ nhiễm bệnh, đủ để bảo vệ trẻ em khỏi rủi ro sau khi tiêm mũi thứ 2.
Tuy vậy, FDA hồi tháng 8 đã đưa ra kết luận rằng lợi ích của vaccine mang lại cho nhóm tuổi này lớn hơn rủi ro có thể xảy ra. FDA xác định tỷ lệ viêm cơ tim tiềm ẩn sau khi tiêm vaccine Covid-19 là 1/5.000 đối với trẻ em nam 12-18 tuổi. Còn theo báo cáo mới nhất của CDC cuối tháng 10, tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em 12-17 tuổi sau khi tiêm vaccine là 6/100.000. Các cố vấn của FDA cho rằng số ca nhập viện có thể ngăn ngừa được bằng vaccine sẽ lớn hơn nhiều lần so với số ca mắc viêm cơ tim vì tiêm chủng. TS. Amanda Cohn, chuyên gia về vaccine cho trẻ em tại CDC, thành viên bỏ phiếu của hội đồng FDA, cho biết: “Covid-19 là nguyên nhân gây chết người ở trẻ em cao thứ 8 trong năm qua tại Mỹ. Do vậy, vaccine sẽ ngăn ngừa được tình trạng tử vong hay nhập viện”.
Theo dữ liệu của Viện Nhi khoa Mỹ, trẻ nhỏ không phải nhóm nguy cơ cao tử vong khi mắc Covid-19 (nếu so trẻ em với các nhóm đối tượng khác). Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng trẻ em vẫn có thể chuyển nặng hoặc gặp tình trạng triệu chứng kéo dài. PGS. bệnh truyền nhiễm nhi tại Đại học Y khoa Baylor, Flor Munoz-Rivas, nhận định: “Tỷ lệ người lớn chuyển nặng nhiều hơn, nhưng không có nghĩa trẻ em không bị ảnh hưởng. Trẻ em vẫn là vật chủ trung gian truyền bệnh. Do vậy, ngăn ngừa khả năng trẻ bị lây nhiễm cũng là cách để làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng”. CDC khuyến cáo, nếu con bạn đã tiêm liều đầu tiên vaccine Pfizer hoặc Moderna, bạn nên cho con đi tiêm liều thứ 2, trừ khi có chống chỉ định từ bác sĩ riêng.
Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới nhìn chung đã có xu hướng giảm, có thể là dấu hiệu “an toàn giả” đối với nhiều gia đình có con nhỏ. Syra Madad, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm, nói với tờ Guardian: “Bây giờ là thời điểm quan trọng nhất để tiêm phòng, vì vaccine có thể ngăn ngừa những đợt bùng phát mới”. Theo báo cáo từ một tổ chức phi chính phủ ở Anh, chỉ 1/3 phụ huynh có kế hoạch cho con của họ được tiêm chủng, 1/3 phụ huynh muốn chờ xem việc triển khai sẽ diễn ra như thế nào. Do vậy, thách thức hiện nay ngoài việc đảm bảo cơ sở hạ tầng để triển khai vaccine, là đảm bảo các bậc cha mẹ cảm thấy thoải mái và an toàn khi cho con mình tiêm chủng.
TS. Saad Omer, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, cho biết: “Đảm bảo tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi được tiêm chủng là yêu cầu tối thiểu để chấm dứt đại dịch. Quy tắc đầu tiên để kiểm soát bất kỳ đợt bùng phát nào là phải đón đầu nó. Bởi khi chúng ta đi theo sau nó, nó sẽ bật ngược lại ta”.