Cuộc đua vaccine vì siêu lợi nhuận

(ĐTTCO) - Trước thực tế virus corona gây ra dịch Covid-19 không ngừng có biến thể mới, các nhà khoa học đặt mục tiêu phát triển loại vaccine đa nhiệm, có thể chống lại tất cả virus corona trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Nếu thành công, siêu vaccine này được kỳ vọng mang lại siêu lợi nhuận cho các Big Pharma khắp thế giới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vaccine “tất cả trong 1”
Ngày 28-6, tờ Financial Times (FT) dẫn lời Giám đốc nghiên cứu và phát triển vaccine Melanie Saville tại Liên minh Đổi mới đối phó dịch bệnh (CEPI) đưa ra lời kêu gọi tạo ra loại vaccine có khả năng chống lại tất cả dòng virus Beta Corona và có khả năng bảo vệ trước bất kỳ chủng mới có thể lây từ động vật sang con người trong tương lai. 
Tại sao là Beta Corona? Theo FT, virus dòng này đã gây ra 3 đợt lây nhiễm lớn trên toàn cầu trong vòng 20 năm qua. Chúng bao gồm Sars-Cov-1 đã giết chết hơn 700 người chủ yếu ở Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2003; Mers-Cov lần đầu tiên được xác định ở Ả Rập Xê-út, dẫn đến cái chết của hơn 850 người kể từ năm 2012.
Và hiện tại là Sars-Cov-2 đã giết chết gần 4 triệu người trong 18 tháng qua. Giả sử Sars-Cov-2 không phải là loại virus corona cuối cùng lây nhiễm sang người, và trong bối cảnh nó tiếp tục đột biến nhanh hơn dự kiến, việc phát triển loại vaccine có khả năng bảo vệ chống lại tất cả dòng virus corona sẽ cực kỳ giá trị cả về y học lẫn kinh tế. 
Công ty Higham, có trụ sở tại Helsinki và Đại học Oxford dự kiến có vaccine đa nhiệm để thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay. Nếu thuận lợi, vaccine này có thể được sử dụng cho công chúng vào năm 2022. Tuy nhiên, việc phát triển thành công loại vaccine chống lại nhiều loại virus trong một họ như họ corona sẽ vô cùng khó khăn.
Nhà nghiên cứu Dennis Burton tại Viện nghiên cứu Scripps ở California, giải thích: “Các virus càng khác nhau về thành phần, về trình tự gen, càng khó tìm ra các kháng thể hoạt động chống lại chúng”. Theo ông, Sars-1 và Sars-2 khá giống nhau nên có rất nhiều kháng thể sẽ hoạt động chống lại cả 2 loại virus. Nhưng để mở rộng khả năng tấn công của vaccine đến cả Mers, chưa nói đến các virus corona trong tương lai, sẽ khó hơn nhiều.

Nhiều “tay đua”
Bà Melanie Saville tin rằng việc tìm ra các epitop có khả năng bảo vệ chống lại các chủng loại virus trong họ corona sẽ đòi hỏi phải sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Giám đốc điều hành John Lewis tại Entos Pharmaceuticals cho biết công ty của ông đã áp dụng cách tiếp cận học máy (machine learning) cho vaccine đa nhiệm của mình. Họ hợp tác với một công ty chuyên về AI với phần mềm cho phép xác định 34 biểu mô khác nhau từ các protein virus corona khác nhau để tạo ra phản ứng tế bào T mạnh nhất của con người.
OSE Immunotherapeutics, một công ty công nghệ sinh học của Pháp, đã sử dụng một thuật toán AI đã được triển khai để phát triển một loại vaccine ung thư. Công nghệ cho phép xác định 12 epitop nhắm vào 11 protein, hầu hết nằm trong virus, không phải trên bề mặt của nó. Alexis Peyroles, CEO của OSE, giải thích: “Vì nằm trong virus nên chúng không đột biến hoặc chúng biến đổi rất ít”. Hiện công ty đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 trên người và sẽ có kết quả dự kiến vào tháng 9. OSE đã lập kế hoạch cho thử nghiệm giai đoạn 2 và có thể thử nghiệm giai đoạn 3 vào năm 2022. 
Trong khi đó, VBI Vaccines, có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, có cách tiếp cận khác. Giống như các vaccine Covid-19 hiện tại, mũi tiêm của VBI jab nhắm mục tiêu vào protein đột biến nhưng có thể tạo ra phản ứng miễn dịch rộng hơn. Giám đốc khoa học David Anderson cho biết: “Khi chủng ngừa cho động vật, chúng tôi tạo ra các kháng thể có thể bảo vệ chống lại Covid-19, Sars và Mers. Các kháng thể này tạo ra hệ thống miễn dịch rất linh hoạt, có thể phát hiện và chống lại được các biến thể virus đột biến và xuất hiện theo thời gian”.
Chưa có tiền lệ cho phương pháp tiếp cận phổ rộng của công ty, nhưng Anderson rất lạc quan. Công ty đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ cả CEPI và chính phủ Canada, với việc thử nghiệm trên người dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm nay. Giám đốc điều hành Jeff Baxter của VBI cho biết có thể sẽ cùng các cơ quan quản lý xem xét trong vòng 12-14 tháng. 

Hứa hẹn lợi nhuận khủng
Các nhà chuyên môn cho rằng nếu phát triển thành công loại siêu vaccine có thể chủng ngừa cả họ virus, các hãng dược chắc chắn sẽ hốt bạc. Nhà phân tích dược phẩm kỳ cựu Josh Schimmer dự đoán tổng thị trường vaccine Covid-19 sẽ trị giá 100 tỷ USD doanh thu và 40 tỷ USD lợi nhuận sau thuế. Trong đó, công ty tiên phong Moderna sẽ chiếm khoảng 40% thị trường, Novavax 20% và các nhà phát triển vaccine khác sẽ chia phần còn lại. 
Còn CNN cho biết vaccine Covid-19 đã tạo ra ít nhất 9 tỷ phú mới sau khi cổ phiếu của các công ty sản xuất vaccine này tăng vọt. Đứng đầu danh sách này là CEO Stéphane Bancel của Moderna và Ugur Sahin, CEO của BioNTech, công ty đã sản xuất vaccine với Pfizer. Trong khi đó, các giám đốc điều hành cấp cao CanSino Biologics của Trung Quốc và các nhà đầu tư ban đầu vào Moderna cũng đã trở thành tỷ phú, khi cổ phiếu tăng chóng mặt, một phần do lợi nhuận thu được từ vaccine Covid. Giá cổ phiếu của Moderna đã tăng hơn 700% kể từ tháng 2-2020, trong khi BioNTech tăng 600%. Cổ phiếu của CanSino Biologics tăng 440% so với cùng kỳ. Vaccine Covid-19 một liều của công ty đã được phê duyệt sử dụng ở Trung Quốc vào tháng 2.
Pfizer, công ty chia đều chi phí và tỷ suất lợi nhuận với BioNTech, dự kiến doanh thu 15 tỷ USD vào năm 2021 dựa trên các giao dịch hiện tại. Con số cuối cùng có thể cao gấp đôi, vì Pfizer cho biết họ có thể cung cấp 2 tỷ liều trong năm nay. Nhà phân tích Carter Gould của Barclays dự đoán doanh số bán hàng của hãng 21,5 tỷ USD vào năm 2021, 8,6 tỷ USD vào năm tới và 1,95 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, Moderna dự kiến doanh thu năm 2021 là 18,4 tỷ USD. Nhà phân tích Gena Wang của Barclays dự báo doanh số bán hàng của hãng đạt 19,6 tỷ USD, 12,2 tỷ USD vào năm 2022 và 11,4 tỷ USD vào năm 2023. Johnson & Johnson đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 1 tỷ liều trong năm nay, tức doanh thu 10 tỷ USD.
BioNTech, công ty đã nhận được 397 triệu USD từ chính phủ Đức để phát triển vaccine, đã kiếm được lợi nhuận ròng 1,3 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, phần lớn nhờ vào thị phần doanh thu từ vaccine Covid-19. Doanh số vaccine Covid-19 của Moderna đạt 1,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay, nhờ đó đã có quý đầu tiên có lãi từ trước đến nay. 
 Vaccine Covid-19 đã tạo ra ít nhất 9 tỷ phú mới sau khi cổ phiếu của các công ty sản xuất vaccine này tăng vọt.

Các tin khác