Bùng nổ mùa dịch
Thị trường trung gian thanh toán vừa chứng kiến sự gia nhập của CTCP Zion - đơn vị chủ quản của ZaloPay. Cùng với đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng “trình làng” ví điện tử MobiFone Pay. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã chính thức gia nhập sân chơi cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán, tài chính di động, thông qua việc ra mắt và vận hành nền tảng thanh toán điện tử VietnamPostPay.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép cho 5 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải ngân hàng, nâng số tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lên con số 44, trong đó có nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Thực tế cho thấy, sự xuất hiện của nhiều tân binh mới cùng với việc người dân tăng cường thanh toán không tiếp xúc mùa dịch, đã giúp cho thị trường ví điện tử bứt phá mạnh mẽ. Theo số liệu từ NHNN, trong quý I-2021, có khoảng 225,6 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử với giá trị giao dịch khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, ví điện tử này còn cho biết đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bảo mật nhất hiện nay để thực hiện việc định danh, xác thực khách hàng như hệ thống định danh eKYC, xác thực đăng nhập qua sinh trắc học nhận diện gương mặt (Face ID) cảm biến vân tay (Touch ID)…
Ngoài những chức năng chuyển, rút tiền, thanh toán, người dùng còn có thể mua các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như Airtime, mã thẻ, data code, data topup của các mạng di động… đồng thời thanh toán các hóa đơn.
MobiFone Pay cũng cho biết sẽ liên tục bổ sung thường xuyên các dịch vụ nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Có thể thấy, từ những ví điện tử mới gia nhập thị trường cho đến các ví điện tử đã có chỗ đứng vững chắc cũng đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để chinh phục người dùng.
Đơn cử ngay đầu năm 2021, Công ty CP Thanh toán G (GPay), trực thuộc Tập đoàn công nghệ G-Group, đã công bố khoản đầu tư ở vòng gọi vốn thứ nhất (series A) từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng. Ví điện tử này cũng đặt mục tiêu cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính cho 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2023.
Hay như MoMo - một trong những “ông lớn” sở hữu 20 triệu người dùng tại Việt Nam - cũng đặt kế hoạch trở thành “siêu ứng dụng” cùng tham vọng IPO vào năm 2025. Đầu năm 2021, VNPAY đã trình làng phiên bản mới của ví điện tử VNPAY với hướng đi lựa chọn ưu tiên tính năng ví gia đình…
Có thể thấy, hiện nay ngoài những chức năng thanh toán thông thường, các ví điện tử cũng đã tích cực bắt tay cùng nhiều đối tác như sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi… để tạo thành một hệ sinh thái rộng khắp, phục vụ hầu hết các nhu cầu của người sử dụng.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thanh toán không tiếp xúc lên ngôi cũng chính là lúc các ví điện tử tiến lên mạnh mẽ hơn để chinh phục người dùng.
Hiện tại, người dân có thể sử dụng ví điện tử để mua đồ ăn online, đặt hàng online và cả đi chợ hộ, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, kèm theo còn là nhiều ưu đãi hấp dẫn, tính năng hoàn tiền đến từ ví điện tử và các đối tác. Thông qua đó, không chỉ hạn chế được tiếp xúc, khách hàng còn có thể tiết kiệm một số tiền không nhỏ trong khi thu nhập giảm sút vì dịch bệnh.
Các chuyên gia đánh giá, mặc dù thị trường trung gian thanh toán, tài chính di động tại Việt Nam đã có một số ví điện tử có chỗ đứng vững chắc, chiếm thị phần lớn nhưng trong cuộc đua này, người đi sau không hẳn sẽ lép vế.
Bởi lẽ, việc đi sau sẽ giúp cho các ví có thời gian để nghiên cứu thị trường, tệp khách hàng phù hợp, rút ra được bài học kinh nghiệm từ các đối thủ đi trước để hoàn thiện sản phẩm tốt nhất khi ra mắt.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, yêu cầu về trải nghiệm dịch vụ tài chính tiện lợi, hiện đại và quan trọng nhất là an toàn, bảo mật của người dùng ngày càng cao.
Chính vì vậy, không phải là đơn vị nào “đốt tiền” để khuyến mãi nhiều hơn hay tiềm lực tài chính hùng hậu hơn, mà ai nhanh chân bắt kịp xu thế, lấy được niềm tin của khách hàng mới chính là lợi thế lớn nhất.
Đối thủ cạnh tranh mới của ví điện tử
Theo đó, ngày 9-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này.
Ngay sau đó, ngày 20-4, NHNN cùng Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng trong tiến trình sớm triển khai thí điểm dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là bước tiến lớn đối với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại.
Đồng thời cũng là một lợi thế cạnh tranh của Mobile Money so với ví điện tử, bởi lẽ nếu như ví điện tử bắt buộc người dùng phải liên kết qua tài khoản ngân hàng thì khi sử dụng Mobile Money, người dân chỉ cần thông qua số điện thoại được đăng ký chính chủ.
Tuy nhiên, có điểm khác biệt cơ bản mà ví điện tử có thể tận dụng, đó là hạn mức sử dụng của ví điện tử cá nhân là 100 triệu đồng/tháng, còn để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng.
“Tuy có sự cạnh tranh nhưng cơ hội chia đều cho cả hai, cả ví điện tử và Mobile Money, bởi mỗi bên đều hướng tới tệp khách hàng khác nhau. Nếu như ví điện tử tập trung đẩy mạnh ở các thành phố lớn và khách hàng là các bạn trẻ có thói quen tiêu dùng hiện đại thì Mobile Money sẽ hướng tới người dùng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng. Chính vì vậy, cả hai đều hướng tới đẩy mạnh mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ trong thời gian tới”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng trong buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ. Trong đó, tập trung triển khai Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Đặc biệt, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Cùng với đó là tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.